Các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2025

Admin

 

Ảnh minh họa  ​ Ảnh minh họa

 

Theo Nghị quyết, có 15 chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội quyết nghị, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

 

Cùng với đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

 

Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

 

Cụ thể, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

 

Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

 

Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin- cho”.

 

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa tháo gỡ thể chế, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.

 

Tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún; Thu hồi các dự án không triển khai theo kế hoạch phê duyệt hoặc các dự án chưa thực sự cần thiết, đầu tư chưa phát huy hiệu quả, kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết.

 

Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm...).

 

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi.

 

Cùng với đó, tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

 

Ngoài ra, tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

 

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo.

 

Song song với đó, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân; đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá.

 

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Tăng cường liên kết vùng, thực hiện hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị.

 

Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

 

Đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

 

Chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

 

15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội trong năm 2025 bao gồm: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%.

 

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%; Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ; Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5-81,5%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Thiên Trường

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo giải trình về kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV  Đề xuất nhiều giải pháp giúp hoạt động kinh tế tập thể, HTX ngày càng phát triển Củng cố vị thế của Hà Nội trong nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ  Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp Việt Nam-Qatar là chủ thể thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước Yếu tố kinh tế vĩ mô hiện tại đang mở ra nhiều triển vọng cho ngành dệt may Bình Dương: Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực Việt Nam lọt nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu về tự do kinh tế Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường: Cơ hội hay thách thức