Muốn có trường học hạnh phúc, thầy cô phải là người bạn thân thiết của học sinh

Admin

Có rất nhiều tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc. Nhưng trước hết mỗi thầy cô phải là người anh, người chị, người bạn thân thiết để là điểm tựa tinh thần tin cậy cho học sinh.

3 chữ 'đồng' sẽ giúp thầy cô và học sinh xây dựng trường học hạnh phúc? - Ảnh 1.

Một tiết học hạnh phúc của học sinh tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Như đã thông tin, sáng 29-11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện mô hình trường học hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc: Cần đi vào chiều sâu, không dừng lại ở khẩu hiệu

Tại hội nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đưa ra các giải pháp trọng tâm để tiếp tục xây dựng trường học hạnh phúc trong thời gian tới.

Theo bạn đọc tam***@gmail.com, đây là tín hiệu đáng mừng bởi trường học hạnh phúc đã có tiêu chí rõ ràng để nhân rộng ra.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Phương Lan gởi đến Tuổi Trẻ Online chia sẻ ý kiến của mình xung quanh vấn đề này.

Khi học sinh không biết "hỏi ai, chơi với ai và chia sẻ cùng ai"

Chị gái tôi có con trai (15 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai) học cấp 3 một trường công lập được nửa kỳ nhưng vừa rồi kiên quyết đòi cha mẹ xin chuyển sang lớp khác. Cháu chia sẻ ở đó cháu cảm thấy cô đơn trong lớp học, không biết "hỏi ai, chơi với ai và chia sẻ cùng ai".

Vốn là một học sinh ngoan, khá hiền lành, chăm chỉ học tập những năm cấp 2, vào lớp 10, cháu được học lớp có điểm đầu vào khá cao so với các lớp còn lại. 

Vì tính khá trầm tĩnh, e dè, chậm rãi trong các mối quan hệ, nên cháu không dám mạnh dạn trong việc trao đổi bài vở hoặc hỏi thầy cô, phương pháp học tập chưa thích nghi kịp.

Có lần cô giáo còn gọi điện về nhà để nhắc nhở phụ huynh giáo dục về thái độ không tích cực, chỉ vì bạn lớp trưởng nhắc nhở vì học tập thiếu tập trung mà cháu cự cãi với bạn và có lời lẽ làm tổn thương những bạn xung quanh.

Tuy nhiên, về nhà cháu lại thường chơi với mấy bạn trong xóm khá vui vẻ, luôn tỏ ra thiện chí và tích cực giúp đỡ các bạn trong các mối quan hệ này.

Vậy lý do gì mà đến lớp cháu lại khó hòa nhập như vậy?

Có lần tâm sự, cháu nói chưa bao giờ chia sẻ cùng với bạn bè hoặc thầy cô vì thiếu người tin cậy. Có những buổi sinh hoạt lớp, cháu cũng nói với mẹ xin được nghỉ vì đến lớp "con không thoải mái".

Qua câu chuyện của cháu con chị gái tôi, có thể thấy có thực trạng học sinh đến trường học  không biết "hỏi ai, chơi với ai, và chia sẻ cùng ai" chính là khoảng trống vốn tồn tại ở nhiều trường hiện nay.

Thầy cô giáo còn là người kết nối

Thực tế, đội ngũ thầy cô phần lớn làm tốt chức năng dạy học, giáo dục để hướng các em phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thầy cô chưa quan tâm đến từng cháu do lớp đông, thầy cô không có nhiều thời gian... 

Cũng có thầy cô trên lớp dạy cho hết giờ để hoàn thành chỉ tiêu, còn thời gian khác sẽ dành cho việc dạy thêm, học thêm, với chuyện "cơm áo gạo tiền" nên khó có thể dành thời gian  cùng nhau trao đổi kiến thức, chia sẻ những khúc mắc mà học sinh đang gặp phải, khiến khoảng cách thầy trò ngày càng xa.

Nếu như giáo viên có thời gian tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tính cách của từng em để chia sẻ, làm cầu nối với các bạn cùng lớp thì sẽ giúp các em hòa nhập tốt hơn với bạn bè, cảm thấy yêu trường lớp.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, về phía gia đình cũng phải có trách nhiệm trong việc chia sẻ với con mình, làm cầu nối với thầy cô giáo. 

Không thể chuyển trường này không hợp rồi lại tiếp tục chuyển trường khác, trong khi nguyên nhân chính là câu chuyện hòa nhập của các em chưa được giải quyết. 

Với học sinh đầu cấp 3 có nhiều em đang tuổi dậy thì, nhân cách đang hoàn thiện dần, có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Những phút ngẫu hứng, bốc đồng, chơi ngông, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí là vi phạm kỷ luật nhà trường… là những hành vi khó tránh khỏi.

Vì vậy khi được thầy cô, gia đình đồng cảm để hướng dẫn, động viên, an ủi, tham vấn hướng đến những điều tích cực thì có ý nghĩa tích cực.

Nếu như tâm lý tiêu cực này càng đi xa hơn, các em có thể dễ dẫn đến hành vi tiêu cực hoặc buông xuôi, có thể để lại hệ lụy cho gia đình, cộng đồng.

Người anh, người chị, người bạn để làm gì?

Trường học hạnh phúc muốn có chiều sâu, không dừng lại ở khẩu hiệu thì nhất thiết mỗi thầy cô phải là người anh, người chị, người bạn chân thành của học sinh.

Ở đó, người anh luôn giúp đỡ các em về kiến thức cũng như kinh nghiệm cuộc sống; Người chị luôn biết động viên, an ủi mỗi khi các em đối mặt với những khó khăn tâm lý không tự mình giải quyết được.

Người bạn thì sẽ luôn đồng hành để sẵn sàng cùng các em tham gia vào một hoạt động của trường lớp.

Họ chính là chỗ dựa quan trọng để các em sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng mở rộng các mối quan hệ để ngày càng trưởng thành.

3 chữ 'đồng' sẽ giúp thầy cô và học sinh xây dựng trường học hạnh phúc? - Ảnh 2.Trường học hạnh phúc, chuyện của ai?

Không thể có trường học hạnh phúc, học sinh ngoan nếu gia đình và thầy cô giáo bỏ ngỏ, thiếu chăm lo những giá trị đạo đức, văn hóa.