Giải tỏa kê biên tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai
Đối với tòa nhà Capital Place số 29 Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội) hiện đang được thế chấp vay 250 tỉ đồng của 3 ngân hàng nước ngoài, tại tòa bà Trương Mỹ Lan đề nghị giải tỏa kê biên để thanh toán với các ngân hàng nước ngoài, số dư còn lại sẽ dùng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Xét quan hệ tín dụng nói trên là hợp pháp. Hiện nay các khoản nợ đã đến hạn thanh toán, các ngân hàng cần thu hồi nợ nên hội đồng xét xử quyết định hủy bỏ kê biên, việc thu hồi nợ được thực hiện dưới sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03).
Đối với 18% vốn góp tại Công ty TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành, quá trình xét xử, Vietcombank đề nghị hội đồng xét xử để Vietcombank nhận chuyển nhượng phần vốn góp với giá 920 tỉ đồng.
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan đồng ý chuyển nhượng số cổ phần này để khắc phục hậu quả. Do đó, tòa tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ của bà Trương Mỹ Lan.
Đối với 82% tại Công ty bảo hiểm FWD, Công ty Đông Dược, Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông… tòa cũng tuyên tiếp tục duy trì kê biên.
Đối với Công ty Hòa Thuận Phát, bà Trương Mỹ Lan cho rằng lịch sử hình thành của công ty này được thể hiện ở gia phả họ Trương, ban đầu là công ty chuyên sản xuất, kinh doanh tàu thuyền.
Tuy nhiên sau đó công ty này đã không hoạt động. Năm 2021, công ty đã đổi tên và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, bản chất là 2 công ty khác nhau.
Bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát đã thông qua các cá nhân và pháp nhân khác để sở hữu 100% vốn của Công ty Hòa Thuận Phát nên cần tiếp tục kê biên.
Chuyển C03 để làm rõ nhiều dự án
Liên quan đến dự án Tứ giác Bến Thành, Bitexco và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thống nhất thỏa thuận chuyển nhượng dự án này với giá 22.000 tỉ đồng. Bitexco đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan 15.720 tỉ đồng.
Tại tòa, đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết giao dịch chuyển nhượng là ngay tình và hợp pháp. Hơn nữa dòng tiền của Tập đoàn Bitexco không xuất phát từ SCB hay từ việc phát hành trái phiếu của bốn công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.
Từ đó, Tập đoàn Bitexco kiến nghị không thu hồi số tiền trên, công nhận giao dịch chuyển nhượng và đề nghị xem xét gỡ bỏ phong tỏa, kê biên.
Liên quan dự án này, hội đồng xét xử cho rằng các tài liệu chứng cứ mà các bên cung cấp còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, nên hội đồng xét xử chuyển cho C03 làm rõ để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tương tự, liên quan đến dự án Tân Thành Long An, tại tòa bà Trương Mỹ Lan đề nghị Novaland thanh toán 2.500 tỉ đồng bằng tiền mặt cho bà để khắc phục thiệt hại vụ án.
Tuy nhiên, phía Novaland cho rằng việc bà Lan yêu cầu thanh toán số tiền này là không có căn cứ.
Hội đồng xét xử cũng cho rằng thông tin trên chưa rõ nên tiếp tục chuyển cho C03 làm rõ.
Bà Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các bị hại
Hội đồng xét xử buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các bị hại.
Riêng các thiệt hại khác về phí, lãi chậm thanh toán, hội đồng xét xử dành quyền khởi kiện dân sự cho các bị hại nếu có tranh chấp.