Mặc dù bộ Tiêu chuẩn quốc gia này chưa phải là căn cứ khoa học mang tính pháp lý để xây dựng chính sách, nhưng theo các đại biểu, các công trình nghiên cứu trong nước này cần được xem xét, bên cạnh các khuyến nghị có tính tham khảo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tiêu chuẩn về TLNN của Bộ KHCN cung cấp thêm căn cứ cho thảo luận giữa các Bộ ngành
Theo ông Lê Thành Hưng, 3 tiêu chuẩn mà Bộ KHCN công bố cho TLNN xác định các yếu tố quan trọng có ý nghĩa về khoa học và pháp lý.
Vấn đề quan trọng đầu tiên đó là: Không có quá trình đốt cháy khi sử dụng TLNN. Điều này được xác định vì hàm lượng các chất phát thải trong sol khí (khí hơi aeorosol) khi làm nóng nguyên liệu thuốc lá của TLNN, gồm carbon monoxit (CO) và các oxit nito đáp ứng giới hạn cụ thể.
Điều quan trọng thứ hai để làm căn cứ xác định TLNN có phải là thuốc lá hay không, đó là về mặt kỹ thuật, bộ 3 Tiêu chuẩn này cũng xác định: TLNN có chứa chất nền (nguyên liệu) là thuốc lá.
Dưới góc độ khoa học, CO là một chất độc hại gây ra ung thư và các bệnh hô hấp do hút thuốc lá điếu. Do vậy, việc xác định hàm lượng CO thấp, ngoài việc chứng minh không có quá trình đốt cháy diễn ra đối với TLNN, còn cho thấy hàm lượng độc chất gây ung thư là CO có trong TLNN sẽ thấp hơn so với thuốc lá điếu truyền thống.
Trong một tham luận khác, ông Hưng dẫn chứng cụ thể một nghiên cứu đáng tin cậy từ Nhật Bản. Theo nghiên cứu của Bekki và cộng sự (năm 2017) đăng trên tạp chí của Trường Đại học Sức khỏe và Nghề nghiệp Nhật Bản, hàm lượng các chất trong sol khí TLNN so với trong khói thuốc lá điếu (mg/điếu) có sự chênh lệch đáng kể. Nhựa (tar) TLNN chỉ 9,8 so với thuốc lá điếu là 25,2. Còn hàm lượng CO của TLNN chỉ 0,44 trong khi đó thuốc lá điếu là 33,0. Điều này có nghĩa thuốc lá điếu cao gấp 75 lần. Đặc biệt, hàm lượng nước trong TLNN cao gấp 3 lần so với thuốc lá điếu. Theo ông Hưng ghi nhận, điều này chứng tỏ sol khí (khí hơi aeorsol) của TLNN chứa chủ yếu là nước, không phải là khói. “Điều này cho thấy TLNN là một trong những sản phẩm thuốc lá giảm thiểu các chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu”, ông Hưng nêu rõ trong bài viết.
Cần cân nhắc các nguồn nghiên cứu từ cơ quan y tế quốc tế và nghiên cứu hiện có trong nước
Cho đến nay, thông tin khoa học về TLNN không chỉ đến từ WHO, mà còn được chính phủ các nước thực hiện và công bố nhiều nghiên cứu độc lập nhằm cung cấp cơ sở khoa học độc lập, đáng tin cậy để tham khảo cho các quốc gia chưa có chính sách quản lý sản phẩm này. Trong đó, có thể kể đến các công bố khoa học từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện đánh giá Rủi ro Liên Bang Đức (BfR), Ủy ban về Độc chất học (COT) hay Cơ quan Y tế Công cộng (PHE) của Anh, Bộ Y tế Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.
Bên cạnh các nghiên cứu quốc tế, trong nước, theo ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội (Văn phòng Quốc hội), việc quản lý thuốc lá mới còn hạn chế do các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được tiếp cận đến các căn cứ khoa học đáng tin cậy. Do đó, Bộ KHCN cần có đề tài cấp Nhà nước trong nghiên cứu khoa học về tác hại của thuốc lá mới.
Trước đó, trong buổi tiếp Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về thuốc lá mới vào tháng 5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng giao cho Bộ KHCN phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của các sản phẩm này đối với sức khỏe người dùng.
Góp ý về vấn đề này, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm, Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá mới vì sức khỏe con người, nhưng để Quốc hội quyết định cấm hay không cấm thì cần phải có đề xuất của Chính phủ với đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học, đánh giá tác động... Các bộ liên quan cần phải nghiên cứu về khoa học, thực tiễn, trình lên Chính phủ.
Theo công bố từ FDA, CDC Hoa Kỳ và Bộ Y tế Nhật Bản, tỷ lệ sử dụng TLNN ở giới trẻ hiện chỉ mức dưới 1% và ngày càng giảm. Trong nước, ghi nhận từ cơ quan Công an cũng cho thấy sản phẩm này chủ yếu tập trung ở đối tượng người trưởng thành, như báo cáo của Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội tại tọa đàm trên.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/bo-tieu-chuan-quoc-gia-ve-thuoc-la-nung-nong-danh-gia-ham-luong-cac-chat-gay-hai-a134730.html