Một giờ học có chủ đề: “Môi trường sống xung quanh em” của lớp 7A1, Trường THCS Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (Hà Nội), cô giáo khéo léo truyền tải những thông tin, kiến thức bổ ích về môi trường sống với 2 phần gồm: thực trạng và giải pháp. Để giờ học sôi nổi, cuốn hút, ngay từ đầu giờ học, cô đưa ra những câu hỏi mang tính gợi mở như: Ô nhiễm môi trường là gì? Môi trường của chúng ta hiện nay như thế nào, để để
Một giờ học có chủ đề: “Môi trường sống xung quanh em” của lớp 7A1, Trường THCS Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Thầy Lê Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Quỳnh cho biết, trường có hơn 1.000 học sinh và thực hiện ăn bán trú nhưng hiện nay chưa thực hiện phân loại rác. Ở trường, rác thải sẽ bao gồm: rác nhà bếp ở bếp ăn bán trú; rác từ các lớp học sau mỗi ngày như: giấy, vỏ nhựa… Xác định bảo vệ môi trường sống là một nội dung quan trọng nên nhiều năm qua, nhà trường tăng cường lồng ghép trong các giờ sinh hoạt, giờ học để giáo dục ý thức, hành động bảo vệ môi trường của học sinh.
"Ngoài kiến thức lý thuyết, nhà trường có những buổi hoạt động ngoài giờ để học sinh cùng dọn dẹp vệ sinh, làm sạch, đẹp trường lớp đồng thời dạy các em phải biết giữ gìn môi trường học tập", thầy Thịnh nói.
Triển khai mô hình thu gom pin
Dự Hội nghị tập huấn Phân loại rác của Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì tổ chức, em Nguyễn Thùy Chi, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Thị trấn Văn Trấn nói rằng, em rất vui vì được biết thêm nhiều thông tin bổ ích. Trên thực tế, em rất buồn vì vẫn có những người xả rác ra đường phố, sông hồ… khiến môi trường ô nhiễm. “Hiểu về các giải pháp cần thiết bảo vệ môi trường, em sẽ không vứt rác ra môi trường sống cũng như thuyết phục gia đình phân loại rác ngay từ ở nhà”, Thùy Chi nói.
Trường THCS Vạn Phúc là ngôi trường duy nhất ở huyện Thanh Trì nhiều năm nay bắt đầu triển khai phân loại rác ngay từ trường học.
Cô Ngô Minh Phương, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường cho biết, ban đầu tuyên truyền để học sinh hiểu và vứt rác vào các thùng đúng quy định rất khó khăn vì các em chưa có thói quen. Tuy nhiên, qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, giáo viên kiên trì hướng dẫn, nói về tính cần thiết của việc phân loại rác nên các em đã thực hiện rất tốt. Rác sau khi phân loại đúng vào các thùng giúp cho nhân viên môi trường thuận lợi xử lý.
Cũng theo cô Phương, hiện nay, nhà trường đang chuẩn bị triển khai mô hình thu gom pin đã sử dụng tại trường học vì sau khi sử dụng, pin vứt thẳng ra môi trường sẽ rất nguy hại. Do đó, có nơi thu gom để gửi đi xử lý đúng nơi quy định có ý nghĩa rất quan trọng. Hộp gom pin được thiết kế màu sắc, thu hút sự chú ý của học sinh, phụ huynh. Theo đó, học sinh sẽ mang pin đã sử dụng từ nhà đến trường cho vào thùng thu gom.
Nhiều trường học tại Hà Nội hiện nay tuy chưa triển khai mô hình phân loại rác nhưng cũng đã bố trí hộp thu gom pin để học sinh, giáo viên mang sản phẩm đã sử dụng đến gom vào một chỗ.
Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, bảo vệ môi trường sống trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Giải quyết thành công bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, trước hết cần phải bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho trẻ em ngay từ những lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất.
Từ yêu cầu thực tiễn, những nội dung giáo dục về môi trường, giáo dục về đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu… đã được Bộ GD&ĐT lồng ghép vào các giờ học nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia. Từ đó, trang bị cho các em học sinh những kỹ năng tự bảo vệ mình, cũng như trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và xã hội.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/giao-duc-y-thuc-bao-ve-moi-truong-cho-hoc-sinh-tu-som-a134735.html