Ông Lê Đại Hải |
Dựa vào công ước quốc tế, kiểm nghiệm trong nước để thẩm định thuốc lá mới
Hiện nay có hai đề xuất cấm hoặc quản lý kinh doanh có điều kiện đối với thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá nung nóng (TLNN) và thuốc lá điện tử (TLĐT). Do Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) ban hành từ năm 2012 chưa định danh rõ ràng về TLNN, TLĐT, dù đã có định nghĩa thế nào là thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá, nên Bộ Y tế đang đưa ra đề xuất cấm tuyệt đối vì lý do TLTHM có hại cho sức khỏe cộng đồng.
So sánh nguyên liệu thuốc lá giữa TLNN và thuốc lá điếu |
Tuy nhiên, chúng ta phải có một hoạt động gọi là kiểm nghiệm xem là TLTHM có đạt được những tiêu chí là thuốc lá hay không. Nhìn về quốc tế, các văn bản, công ước quốc tế, công ước khung của Liên hợp quốc, công nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kinh nghiệm quản lý của các quốc gia trên thế giới… đều đã nêu rõ trong các loại TLNN, TLĐT, sản phẩm nào là thuốc lá. Điều này cũng đã được đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày rõ ràng tại hội thảo.
Từ năm 2018, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 8 (COP 8), WHO đã xác định thuốc lá nung nóng (TLNN) là thuốc lá và khuyến nghị các nước thành viên quản lý chặt chẽ theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia. Khuyến nghị này vẫn được nhắc lại tại COP10 tháng 2/2024.
Theo báo cáo của WHO công bố ngày 27/7/2021: Với TLNN, 184/195 quốc gia đã có quy định quản lý hoặc ngầm quản lý. Trong 11 quốc gia hiện còn cấm TLNN, có 5 nước ASEAN là Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei và Singapore.Nếu sản phẩm đó đúng là thuốc lá, thì theo quy định của pháp luật về Luật Đầu tư, thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Y tế cần phải sửa Luật PCTHTL để đưa vào điều khoản giải thích từ ngữ hay phạm vi đối tượng điều chỉnh của luật. Nếu sửa luật, phải đánh giá quá trình thực thi Luật PCTHTL, sau đó xây dựng kết luận sửa đổi, rồi thông qua Quốc hội đưa vào chương trình để soạn thảo, lấy ý kiến toàn thể, tổ chức, cá nhân, các bộ ngành và đối tượng chịu sự tác động của luật sửa đổi. Sau đó qua Bộ Tư pháp thẩm định, cuối cùng là Chính phủ thông qua. Quốc hội sẽ có ý kiến tại 2 kỳ họp, nên thông thường quá trình này sẽ mất tầm 2 năm.
Đối chiếu nguyên liệu TLNN với định nghĩa của Luật PCTHTL |
Nhưng trong luật ban hành văn bản cũng có thêm một quy định: Có thể làm được quy định rút gọn nếu chỉ sửa nội dung liên quan đến TLTHM, có nghĩa là bổ sung vào thêm đối tượng TLTHM bao gồm TLNN, TLĐT, và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện đầu tư, kinh doanh, quản lý. Quy trình rút gọn thì rất nhanh, chỉ trong vòng khoảng một kỳ họp, nếu cuối năm 2024 này mà chuẩn bị thì sang đầu năm 2025 là có thể thông qua.
Có thể cấm nếu thuốc lá mới không phải là thuốc lá
Cấm hay là kinh doanh có điều kiện đối với thuốc lá mới thì phải xuất phát là từ nhu cầu quản lý của xã hội. Cần phải đánh giá tác động giữa được và mất để đi đến quyết định là cấm hay không. Tiếp theo là cần xác định có chất cấm thuộc danh mục hiện nay đang cấm hay không, ví dụ như cỏ Mỹ, ma túy, hay những chất gây nghiện đã thuộc danh mục cấm. Nếu đã chứa những chất cấm thì phải cấm tuyệt đối, chúng ta có luật để cấm mà không cần phải bàn.
Còn nếu đã xác định loại TLTHM nào là thuốc lá thì sản phẩm đó đã thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện, nên đơn vị nào có đủ điều kiện thì được sản xuất kinh doanh. Do vậy, chúng ta phải quy định điều kiện cho chặt chẽ để quản lý.
Kế đến là xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của người dùng. Cần khuyến cáo rằng thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng quyền lựa chọn là của cá nhân. Tại sao lại cấm quyền của cá nhân khi sản phẩm đó đúng là sản phẩm thuốc lá?
Sau cùng, nếu mà cấm thì nó sẽ gây nên tình trạng bất bình đẳng, không công bằng. Giữa một bên là thuốc lá truyền thống cũng có hại cho sức khỏe con người, cộng đồng, thậm chí có khi còn hại hơn vì là đốt cháy trực tiếp. Còn đối với loại TLTHM này thì làm nóng bằng thiết bị điện tử, cho nên không tạo ra nhiều chất độc như bằng cách đốt lửa trực tiếp. Như vậy sẽ gây bất bình đẳng khi đưa ra quyết định cấm đối với cái mới – cái mà có khả năng sẽ gây hại thấp hơn so với cái cũ; còn loại thuốc lá truyền thống thì lại vẫn được sản xuất, kinh doanh.
Ra nghị quyết để thí điểm quản lý, hoặc sửa luật để cấm
Theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm trong các trường hợp sau: Một là chưa có luật điều chỉnh; Hai là khác với luật hiện hành. Trong trường hợp của các sản phẩm TLTHM thì đã có Luật PCTHTL, cho nên chỉ có thể rơi vào trường hợp “khác với luật hiện hành”.
Theo đó, Quốc hội có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm (kiểm soát). Nghị quyết thí điểm sẽ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó sẽ tổng kết, đánh giá. Nếu mà tốt thì sẽ trở thành cho phép chính thức và nâng lên thành luật. Nếu mà không tốt, thì sẽ bãi bỏ, không thực hiện nữa. Đấy mới gọi là thí điểm.
Theo quan điểm cá nhân tôi, do Hiến pháp Việt Nam có quy định rằng: Những gì hạn chế quyền con người, quyền công dân, nếu muốn cấm thì phải cấm bằng luật. Vì vậy, không thể trình Nghị quyết cấm TLTHM lên Quốc hội, vì chúng ta có luật. Nếu muốn cấm TLTHM thì phải sửa Luật Đầu tư, Luật PCTHTL. Cụ thể sẽ phải đưa vào Luật Đầu tư thêm điều khoản, đó là thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trừ TLĐT hay các sản phẩm TLTHM trong tương lai là thuộc danh mục bị cấm. Đồng thời, sửa Luật PCTHTL để làm rõ luật này chỉ điều chỉnh đối với thuốc lá điếu truyền thống.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/can-cam-hay-kinh-doanh-co-dieu-kien-voi-thuoc-la-moi-a134774.html