Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 10/2024 đạt 150 nghìn tấn, đem về 69,5 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,1 triệu tấn, với kim ngạch 948,7 triệu USD, giảm 13,8% về khối lượng và giảm 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023…
SẮN LÁT KHÓ TIÊU THỤ
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 459 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng năm 2023. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 91,3% thị phần, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng mạnh nhất ở thị trường Pakixtan với mức tăng 82,1% và giảm mạnh nhất ở thị trường Nhật Bản với mức giảm 65,9%.
"Do nhu cầu thị trường giảm mạnh nên giá sắn lát xuất khẩu trong năm nay thường xuyên ở mức thấp. Những ngày đầu tháng 11/2024, tại cảng Quy Nhơn (Bình Định) giá sắn lát (giá FOB) xuất khẩu đi Trung Quốc là 245 USD/tấn. Trong khi, giá sắn lát xuất khẩu năm 2023 đạt bình quân 282 USD/tấn".
Hiệp hội Sắn Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhu cầu sắn lát giảm mạnh trong năm nay. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 5,61 triệu tấn sắn lát, trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 21% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu sắn lát. Nguyên nhân nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc giảm mạnh là do giá ngô thấp nên các nhà máy chế biến sắn tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát.
Tính chung 8 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,89 triệu tấn sắn lát, trị giá 482 triệu USD, giảm 60% về lượng và giảm 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.
Trong 8 tháng năm 2024, dù vẫn là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, nhưng sắn lát Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 308 nghìn tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 47% về lượng và giảm 49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong 8 tháng năm 2024, sắn lát Thái Lan xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 1,57 triệu tấn, trị giá 399 triệu USD, giảm 62% về lượng và giảm 65% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
NHU CẦU VÀ GIÁ SẮN TIẾP TỤC GIẢM, DOANH NGHIỆP MỞ KHO BÁN XẢ LỖ
Trong khi sản phẩm sắn lát đang gặp khó, thì nhu cầu tinh bột sắn của thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 2,43 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,27 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc với 1,13 triệu tấn trị giá 617,41 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt 930 nghìn tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 chiếm 38% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 32% của cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đã giảm mạnh, đang tác động tới giá sắn Việt Nam. Giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, khiến cho giá tinh bột sắn Việt Nam đang giảm xuống.
Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 11/2024, giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 460-480 USD/tấn (FOB) tại cảng TPHCM, giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 10. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng dao động ở mức 3.400-3.520 CNY/tấn, giảm 1.000 CNY/tấn.
"Hiện đã vào mua thu hoạch sắn, sản lượng sắn về các nhà máy nhiều hơn, trong khi tình hình xuất khẩu tinh bột sắn lại đang chậm. Vì vậy, một số nhà máy tại miền Trung, Tây Nguyên hạ giá mua nguyên liệu. Những ngày đầu tháng 11, giá thu mua sắn củ nguyên liệu tại một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động ở mức 1.900-2.300 đồng/kg, giảm 100-300 đồng/kg so với đầu tháng 10".
Hiệp hội Sắn Việt Nam.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đưa ra dự báo thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm cả giá và nhu cầu. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp còn sắn lát tồn kho vụ 2023-2024 đang buộc phải mở kho bán xả lỗ, quay vòng tài chính cho vụ mới 2024-2025. Một số chủ kho hàng sắn lát (hàng dùng cho nhà máy cồn) dự kiến mở kho chào giá bán hàng vụ cũ với mức giá tương đối thấp, ở mức dưới 5.000 đồng/kg, trong bối cảnh triển vọng mặt hàng này có thể sẽ tiếp tục giảm do giá củ sắn tươi giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng tổ chức sản xuất ngành hàng sắn chưa bền vững; khả năng sản xuất sử dụng giống kháng bệnh khảm lá còn thấp; kỹ thuật canh tác đã có nghiên cứu nhưng chưa chuyên sâu vào đặc thù của từng vùng sinh thái; liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ.
Trong khi đó, các chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn còn thiếu, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để làm tiền đề đầu tư, phát triển ngành hàng này. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc mà chưa mở rộng được ra các thị trường khác vốn cũng đang có nhiều lợi thế về ưu đãi thuế như thị trường EU…
Để trợ lực ngành sắn, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ổn định; phát triển biện pháp canh tác năng suất cao, bền vững nhất là vùng đất nghèo, đất dốc. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây sắn, đặc biệt là bệnh khảm lá.
Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn trong ngành hàng sắn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến sắn để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm mở thêm thị trường, thị phần, đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu các sản phẩm từ sắn…
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/trung-quoc-giam-nhap-khau-nganh-san-viet-nam-gap-kho-a135232.html