Từ thực tế môi trường sống xung quanh và học đường, em nhận thấy bản thân và bạn bè gặp phải những nguy cơ nào từ ma tuý?
Phạm Nhật Huy, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết giới trẻ có 4 nguy cơ từ ma túy.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn có sự tò mò. Nếu sự tò mò được tiếp cận đúng cách, các bạn sẽ tiếp cận thông tin bằng việc tham gia các buổi tư vấn, truyền thông về cách phòng chống, ma túy.
Nhưng nhiều bạn giải đáp sự tò mò không đúng cách bằng phương pháp thử nghiệm. Nhiều bạn nghĩ chỉ thử một lần nhưng không biết là, thử lần 1 sẽ có lần 2, lần 3 rồi nghiện ma túy lúc nào không hay.
Nguy cơ thứ 2 là là nhiều bạn muốn thể hiện bản thân, thể hiện chất chơi của tuổi trẻ. Vì vậy có thể lựa chọn vào quán bar thử để chụp ảnh, đăng facebook…
|
Bạn Phạm Nhật Huy, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Nguy cơ thứ 3 là sự xuất hiện của các loại ma túy mới. Hồi nhỏ em cũng đã được giáo dục và được nhắc nhở: ma túy có thể được hòa vào cốc nước uống, trộn vào thức ăn từ những người lạ. Nhưng hiện nay, ma túy mới xuất hiện dưới nhiều hình thức. Nên em hi vọng được truyền thông nhiều hơn, kịp thời nắm bắt thông tin để bản thân và thông tin tới các bạn phòng tránh.
Nguy cơ cuối cùng là yếu tố tâm lí. Sinh viên chưa có đủ bản lĩnh để đối mặt với những sự cố không mong muốn như trượt môn, thất tình... Lúc đó, tâm lí của họ rơi vào trạng thái chán nản trong khi không phải ai cũng làm thêm. Có bạn sẽ tìm cách giải tỏa. Có bạn tìm được môi trường tốt, người tốt nhưng có bạn sẽ gặp người không tốt, môi trường không tốt. Khi đó, cùng với tâm lí không vững, rất dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội trong đó có ma túy.
Sau khi nghe chia sẻ của Phạm Nhật Huy - sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Thượng tá Lê Bá Long cho biết thêm, qua công tác đấu tranh tội phạm ma tuý cho thấy hiện nay xuất hiện ma tuý núp bóng thực phẩm, đồ uống… Do đó, lứa tuổi học sinh thường không để ý dẫn đến 2 trạng thái sử dụng là chủ động và bị động.
Thượng tá Long nhấn mạnh, nhiều sinh viên mắc phải trạng thái bị động khi sử dụng ma tuý dẫn đến chủ động. Cụ thể, các em đi liên hoan, sinh nhật… khi tham gia vào các cuộc vui mặc dù không chủ động sử dụng ma tuý nhưng sau đó lại bị dụ dỗ rồi cuốn theo sử dụng trở thành chủ động mà không hay biết.
Thậm chí, khi ngồi uống nước trong các cuộc liên hoan, có thể người khác đã trộn nước vui, bột cam, bột xoài… có chứa ma tuý vào cốc nước lúc mình rời ghế. Đến khi bị kiểm tra thì dương tính với ma tuý và đối với hành vi đó tại trường học có thể bị tạm dừng học. Đây là hệ luỵ, là vấn đề giới trẻ phải cảnh giác trong các mối quan hệ.
Hiện tại trường Đại học Bách Khoa có các Tổ tư vấn tâm lý học tập cho sinh viên, ở đó thầy cô tuần nào cũng tổ chức tư vấn cho từng sinh viên hoặc tư vấn theo nhóm, sinh viên có khó khăn, vướng mắc có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Em thấy mô hình này rất hay, cần nhân rộng thêm.
Đối với ma túy, em cho rằng cần phải tuyên truyền hơn nữa cho sinh viên tại trường. Ngoài ra, đối với người trẻ đã nghiện, chúng ta nên tuyên truyền, giúp đỡ các bạn vượt qua khó khăn chứ không chỉ lên án hoặc chỉ trích họ.
Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong:
Báo Tiền Phong là diễn đàn của giới trẻ, là tiếng nói của cơ quan Trung Ương đoàn.
Như thượng tá Lê Bá Long thống kê, tất cả các số liệu về ma túy anh đưa ra thật ám ảnh. Chúng ta phải truyền thông làm sao cho giới trẻ vừa nhận thức được tác hại của ma túy, lại vừa nhận diện được nó. Đây là công cuộc tuyên truyền bền bỉ, gian nan, dài lâu.
Tác hại thì chúng ta thấy, đó là trộm cắp, cướp bóc, giết người, rồi kinh tế suy thoái, thể chất suy kiệt, tinh thần băng hoại, bệnh xã hội. Nếu chúng ta không có phương án đề phòng, trong tương lai sẽ có lớp trẻ “vật vờ”.
Nhìn xung quanh có thể người thân, con cái, bạn bè đã vướng vào tệ nạn này. Một thứ tệ nạn có thể làm suy kiệt với gia đình, ảnh hưởng cả dòng họ.
Với Báo Tiền Phong, chúng tôi sẽ tiên phong cố gắng mức cao nhất phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống ma túy, nhà trường, để làm sao ngăn chặn được từ sớm, từ xa. Sẽ tuyên truyền cho người trẻ nhận thức được “đó là ma túy” trong hơn 500 loại ma túy vừa công bố, phải biết được tác hại của nó. Đồng thời, tuyên truyền mạnh các chuyên án của lực lượng chức năng, hy vọng giúp giảm cung, giảm cầu.