Sáng 8-11, Bảo tàng TP.HCM tổ chức tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử
Đạo diễn Thanh Hạp luôn nhớ đến sự yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đoàn cải lương Nam Bộ - Ảnh: HỒ LAM
Trò chuyện với báo chí, đạo diễn Thanh Hạp chia sẻ ông tập kết ra Bắc vào tháng 12-1954 khi ông mới 12 tuổi.
Thời điểm đó, khi đề cập đến việc phải xa nhà, đi tập kết 2 năm, đạo diễn Thanh Hạp có chút ngần ngừ, không muốn đi.
Nhưng khi nghe những bậc tiền bối bảo rằng: "Có muốn gặp Bác Hồ không? Đi tập kết thì mới có thể gặp Bác được".
Nghe câu nói đó, ông quyết định mình sẽ tham gia vào lực lượng văn nghệ sĩ rời miền Nam ra Bắc tập kết.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh thương yêu văn nghệ sĩ trên tinh thần là những người làm công tác nghệ thuật vì Bác biết chúng tôi có những nỗi niềm riêng trong tâm hồn.
Đặc biệt, với Đoàn cải lương Nam Bộ, Bác càng thương hơn vì là những người con xa nhà, tập kết ra Bắc... Đoàn chúng tôi được đi phục vụ nhiều nơi nhất và đến những nơi mà có thể là các đoàn trung ương chưa đến" - đạo diễn Thanh Hạp nói.
Trong chuyến tập kết ra Bắc, NSƯT Ca Lê Hồng cũng vinh dự được gặp trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà sàn của Bác. Bà được Bác hỏi thăm và căn dặn rằng "phải ráng học vì có trình độ văn hóa thì mới đủ sức nâng cao nghệ thuật biểu diễn của mình".
Đoàn cải lương Nam Bộ là 'cái nôi' của nhiều văn nghệ sĩ gạo cội
Đoàn cải lương Nam Bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm đã tạo nên những tác phẩm gây được tiếng vang như: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Dệt gấm, Khuất Nguyên, Nàng tiên mẫu đơn, Thạch Sanh, Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn...
Có thể kể đến hai tuồng Phụng Nghi Đình của Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền và Kiều Nguyệt Nga của Ngọc Cung có các nghệ sĩ kịch nói kỳ cựu sau này như: Cang Trường, Văn Chiêu, Phan Tú...
Hay vở Khuất Nguyên có sự tham gia của NSƯT Lê Thiện - nguyên phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang và NSND Dương Ngọc Thạch.
Bà Lê Thiện chia sẻ nhờ tham gia đoàn, có cơ hội biểu diễn phục vụ cách mạng mà bà biết làm được nhiều việc:
"Mỗi tháng, đoàn chúng tôi diễn 29 đêm với 24 địa điểm. Có những đêm diễn xong là 11, 12h đêm, lực lượng nghệ sĩ đảm nhiệm luôn việc khuân vác đồ lên xe để chuẩn bị đến địa điểm ngày mai.
Thời chiến tranh, từ một diễn viên chính, chúng tôi trở thành những người làm được nhiều chức năng.
Hát tân nhạc, cải lương, diễn hài, kịch, diễn cải lương đều được, thậm chí viết, sáng tác tại chỗ để biểu diễn, phục vụ cho chiến trường. Lúc bấy giờ, tụi tôi nghĩ đúng là thời thế tạo cho mình biết làm được nhiều thứ và rất vui khi được làm".
Bà Ca Lê Hồng tâm sự bà luôn biết ơn những bậc tiền bối của Đoàn cải lương Nam Bộ như: Tám Danh; trưởng đoàn, Nguyễn Ngọc Bạch...
Chính sự dìu dắt của Đoàn cải lương Nam Bộ và có những cơ hội được đi đào tạo ở nước ngoài đã giúp bà có nền tảng để quay về, góp phần xây dựng Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).
Và trường đại học này đã cung cấp cho miền Nam một thế hệ nghệ sĩ gạo cội và tận tụy với nghệ thuật như: Thành Hội, Ái Như, Thành Lộc, Minh Nhí, Hữu Châu, Hồng Vân…
Trong số đó cũng có không ít người đang điều hành các sân khấu xã hội hóa có tiếng ở miền Nam như: Hoàng Thái Thanh, Thiên Đăng, Trương Hùng Minh...
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/bac-ho-thuong-doan-cai-luong-nam-bo-thuong-nhung-nguoi-con-tap-ket-xa-nha-a135383.html