Quyết tâm đi đầu, mở lối cho toàn hệ thống
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trước khi bắt đầu triển khai chuyển đổi số, áp dụng bệnh án điện tử, Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, nhất là vấn đề về con người.
Tháng 9/2024, Bệnh viện Bạch Mai được Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ chọn đưa vào chương trình trọng điểm chuyển đổi số, tạo nền tảng triển khai trên toàn quốc.
Theo đó, Đề án bệnh án điện tử của Bệnh viện Bạch sẽ triển khai hoàn thiện trong 2 năm. Năm 2024 là mức cơ bản. Đầu năm 2025, Bệnh viện sẽ triển khai thí điểm liên thông hoàn toàn bệnh án điện tử với BVĐK tỉnh Bắc Ninh.
Nhấn mạnh chuyển đổi số đã làm thay đổi sâu sắc, căn bản và trở thành phương tiện, công cụ không thể thiếu trong các hoạt động của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bạch Mai là bệnh viện đa khoa lớn nhất cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử thì các cơ sở khác trực thuộc Bộ Y tế hay các địa phương hoàn toàn có thể thực hiện được.
Khẳng định, việc chuyển đổi số, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy là hoàn toàn khả thi, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế, PGS. Đào Xuân Cơ cho biết, sau khi động viên, khuyến khích các khoa, phòng triển khai bệnh án điện tử, tất cả các đơn vị trong toàn Bệnh viện đã đồng loạt triển khai ngay khi có chỉ đạo.
"Từ sự quyết tâm thay đổi này, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế, sự hỗ trợ về công nghệ của các bệnh viện triển khai trước, sự giúp đỡ của các đơn vị tài trợ, chúng tôi sẵn sàng bước ra từ hệ thống công nghệ thông tin cũ nát với ‘nền tảng 0.4’ vươn lên công nghệ 4.0, cùng sự đồng lòng của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên trong toàn bệnh viện", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá của ngành y tế, tiết kiệm chi phí lớn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm áp lực cho y bác sĩ và hệ thống y tế, tạo sự công khai, minh bạch trong các hoạt động.
PGS. Đào Xuân Cơ cho biết, cùng với khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trung tâm Cấp cứu A9-Bệnh viện Bạch Mai là hai đơn vị "cửa ngõ" khi bệnh nhân vào bệnh viện, đã triển khai toàn diện công cuộc chuyển đổi số, áp dụng bệnh án điện tử thành công hơn 80%.
Đây là hai nơi đầu vào chủ yếu của những bệnh nhân nặng và nội trú, nên Giám đốc Bệnh viện đã quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tiên.
Bệnh nhân bất ngờ vì sự thuận tiện
Bị đau đầu, đi lại khó khăn, các biểu hiện ngày càng tăng dần, thậm chí có lúc không thể đi được, sáng 4/11, ông Đinh Đức Kính (61 tuổi, Quảng Ninh) quyết định lên Hà Nội để thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai.
Khoảng 10h sáng, người nhà và ông Kính tới Trung tâm cấp cứu A9 và được điều dưỡng tiếp đón, khai thác tiền sử bệnh cũng như hoàn thành thủ tục các chỉ định xét nghiệm, chụp Xquang rất nhanh.
Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, tất cả các khâu từ thăm khám, truyền thuốc, chỉ định dịch vụ và chụp chiếu cộng hưởng từ của ông Kính đã thực hiện xong.
"Tôi cảm thấy mọi thủ tục được làm rất nhanh và có phần choáng ngợp. Trước lúc đi, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý, thủ tục khám bệnh sẽ phải kéo dài, thậm chí cả ngày, nhưng thực tế lại nằm ngoài kỳ vọng đối với những người bệnh ở xa như tôi lại vào cấp cứu, vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đặc biệt tâm lý rất ổn định. Tôi rất hài lòng", bệnh nhân Đinh Đức Kính chia sẻ.
Một bệnh nhân khác 32 tuổi, ở Hải Dương, được người nhà đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 cũng khoảng 9h30 sáng 4/11. Theo lời của người nhà, bệnh nhân bị rối loạn tiền đình nặng, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.
"Ngay khi vào viện, vợ tôi đã được các bác sĩ thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm và có ngay các kết quả xét nghiệm trong gần 1 giờ đồng hồ. Các bác sĩ đã chỉ định chuyển khoa cho vợ tôi điều trị nội trú. Tất cả các công đoạn, bao gồm cả thanh toán chi phí cũng quét mã QR rất tiện. Tôi không phải chạy đi khắp nơi nộp phiếu chỉ định cũng như phải chạy đi tìm nơi để nộp tiền", chồng của bệnh nhân cho biết.
Anh Lê Công Tần (27 tuổi, Bắc Ninh) lần đầu đến Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cũng chia sẻ, anh khá bất ngờ vì thủ tục hành chính khám bệnh rất nhanh.
"Do khó thở, tức ngực, tôi đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám lúc 8h sáng nhưng đến 10h45 phút, bác sĩ đã có sẵn các kết quả của tôi khi tôi trở lại phòng khám ban đầu để đọc kết quả. Chỉ riêng chỉ định chụp Xquang, tôi được chụp lúc10h kém thì đến 10h25 có kết quả. Tôi không nghĩ các thủ tục bây giờ nhanh như vậy", anh Lê Công Tần chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ tháng 7 vừa rồi, Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo triển khai thí điểm áp dụng bệnh án điện tử thay vì bệnh án giấy. Đến ngày 1/11, Bệnh viện đã chính thức bấm nút chuyển đổi số áp dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.
Vì vậy, bất kỳ bệnh nhân nào khi vào Trung tâm Cấp cứu A9 hiện nay, dù bệnh nhẹ hay nặng thì đều được nhân viên y tế và các bác sĩ thực hiện song song việc khai thác thông tin tiền sử bệnh, phân luồng người bệnh tại chỗ, đồng thời tiếp cận, thăm khám ngay cho bệnh nhân.
"Chỉ trong vòng 1 phút, bệnh nhân đã được các bác sĩ thăm khám. Trước đây, nếu bệnh nhẹ có khi bệnh nhân phải chờ hàng tiếng đồng hồ thì mới được bác sĩ thăm khám do quá tải, các thủ tục phải làm thủ công, mất nhiều thời gian...", PGS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Quy trình mơ ước trở thành hiện thực
Điều dưỡng trưởng Trung tâm Cấp cứu A9 Lê Quang Trí cho biết, khi bệnh nhân vào viện, chỉ cần căn cước công dân có mã QR hoặc thẻ BHYT sẽ quét thông tin ngay tại quầy đón tiếp. Tất cả các trường thông tin cơ bản của bệnh nhân xuất hiện trên máy. Thậm chí, có những bệnh nhân đã điều trị tại BV Bạch Mai cũng sẽ hiển thị thông tin tiền sử bệnh.
Cùng thời gian này, bác sĩ đã thăm khám xong và ra chỉ định cho bệnh nhân cũng thông qua phầm mềm trên máy tính. Khi đó, tất cả các khoa, phòng thực hiện chụp chiếu, xét nghiệm sẽ nhận đồng thời cùng lúc thông tin và các chỉ định của bệnh nhân trên máy. Ngay lập tức, bệnh nhân được đi chụp chiếu, xét nghiệm…
Cụ thể với quy trình xét nghiệm máu, PGS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau khi lấy máu của bệnh nhân, các bác sĩ chỉ cần đặt ống máu vào hệ thống bấm nút vận chuyển tự động lên Trung tâm xét nghiệm của Bệnh viện. Ngay lập tức, Trung tâm xét nghiệm nhận được tín hiệu và tiến hành làm xét nghiệm. Sau 15 phút, trả kết quả cho bệnh nhân trên máy tính của A9 với chữ ký số đầy đủ và hoàn toàn đủ thủ tục pháp lý để thanh toán, đánh giá và điều trị cho người bệnh.
Các quy trình khác như chẩn đoán hình ảnh, chụp Xquang, siêu âm… cũng được áp dụng chuyển đổi số tương tự. "Bệnh nhân được chụp lát cắt nào, ngay lập tức, chúng tôi nhận được lát cắt phim đó trên máy tính tại khoa và có thể định hướng chẩn đoán, xử trí trường hợp của bệnh nhân ngay cả trước khi bệnh nhân quay trở lại bệnh phòng".
Trường hợp khó, chúng tôi cũng có thể ngay lập tức thảo luận, hội chẩn liên khoa, phòng thông qua các thông tin đã có trên hệ thống. Như vậy, bệnh nhân cũng được chẩn đoán và xử trí ngay, nhất là đối với tình huống bệnh lý cần chạy đua với thời gian", PGS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Sau khi được chẩn đoán, nếu bệnh nhân được chuyển đến các khoa điều trị tiếp theo, Trung tâm Cấp cứu A9 chỉ cần một thao tác chuyển bệnh nhân thông qua phần mềm của Bệnh viện. Các khoa, phòng tiếp nhận ngay lập tức có đầy đủ thông tin của bệnh nhân đó trước cả khi bệnh nhân được chuyển tới. So với trước đây, bác sĩ phải cầm bệnh án dày hàng chục, hàng trăm trang để bàn giao trực tiếp đầy đủ các thông tin của bệnh nhân để các khoa, phòng tiếp nhận, cập nhật thông tin.
Cũng theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, khi triển khai bệnh án điện tử, người bệnh và người nhà bệnh nhân đều có thể thực hiện quét mã QR để thanh toán các chi phí nhập viện, ra viện. Sau khi hoàn thành thủ tục này, bệnh nhân nhận ngay giấy ra viện có chữ ký số của bác sĩ, không phải chờ xếp hàng đóng nộp phí hay lấy tiền thừa hoặc chờ ký giấy ra viện như trước đây.
Như vậy, công tác chuyển đổi số, áp dụng bệnh án điện tử được triển khai toàn diện từ khâu tiếp nhận bệnh nhân, khai thác thông tin tiền sử, phân chia bệnh nhân đến chỉ định thăm khám, thực hiện các chỉ định, đọc kết quả, xử lý bệnh nhân cấp cứu, điều trị bệnh nhân và thanh toán bệnh nhân vào viện, ra viện, chuyển viện…
"Đây đúng là một quy trình trong mơ của các bác sĩ Việt Nam nói chung và của Bệnh viện Bạch Mai nói riêng. Nhiều năm trước, khi học tập ở nước ngoài về y tế, chúng tôi luôn mơ ước quy trình này có ở nước nhà và giờ đã trở thành hiện thực", PGS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Chỉ vài click chuột thay thế một bệnh án giấy 200 trang
Ths.BS Đặng Tuấn Dũng, Trung tâm Cấp cứu A9 phấn khởi, hiện nay khi đi buồng thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh nhân nội trú hàng ngày, các bác sĩ không cần phải mang theo bệnh án giấy như trước đây mà đã có máy đi buồng liên thông y lệnh rất tiện lợi. Các bác sĩ di chuyển máy tới từng giường bệnh, click vài nhấp chuột cảm ứng là các thông tin của mỗi bệnh nhân hiển thị đầy đủ.
Toàn bộ quá trình điều trị bệnh nhân cũng được số hoá, từ cho thuốc, nhận xét, đánh giá tình trạng bệnh đến việc đi buồng thăm khám bệnh nhân nội trú hàng ngày.
"Trước đây, mỗi lần đi buồng, chúng tôi phải mang theo cả tập bệnh án dày, rồi tìm từng bệnh nhân, lật giở từng trang để nắm tình trạng bệnh nhân. Thậm chí, có bệnh án dày 200 trang, chúng tôi rất vất vả", Ths.BSNT. Đặng Tuấn Dũng.
Đến nay, gần như Trung tâm Cấp cứu A9 không còn bệnh án giấy. Bệnh án giấy duy nhất hiện nay còn là giấy chuyển viện.
Bên cạnh đó, công tác lưu trữ hồ sơ bệnh án cũng rất quan trọng. Hiện tại, các hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Bạch Mai phải lưu trữ, xếp đặt trong nhiều nhà kho. Khi áp dụng chuyển đổi số, các bệnh án sẽ được lưu trữ điện tử và bảo mật, an toàn về thông tin.
"Bệnh viện sẽ có kho dữ liệu cực lớn theo từng chuyên khoa và tổng thể. Cũng từ đây, các bác sĩ đam mê nghiên cứu khoa học có thể có những công bố quan trọng trên thế giới từ những dữ liệu lớn và chính xác này, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá của ngành y tế, tiết kiệm chi phí lớn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm áp lực cho y bác sĩ và hệ thống y tế, tạo sự công khai, minh bạch trong các hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục thực hiện vai trò dẫn đầu, tạo sự lan tỏa về chuyển đổi số y tế trong toàn hệ thống ngành y nước nhà.
Với tinh thần "máu lửa", quyết tâm kiên trì tiến tới thành quả cao nhất vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ người dân, PGS Đào Xuân Cơ bộc bạch, hiện nay Đề án bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai mới dừng ở mức khá 5-6 điểm. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đề án 06 thì Bạch Mai sẽ quyết tâm nhanh chóng tiến tới mô hình bệnh án điện tử mẫu, để liên thông tới cơ sở y tế cấp xã-phường. Bênh viện còn rất nhiều khó khăn cần sự chỉ đạo và quan tâm của các cấp, các ngành để có thể nhanh chóng triển khai số hóa toàn diện thành công.
Theo lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử của ngành y tế, đến hết năm 2030, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cho toàn bộ người dân, hướng tới loại bỏ bệnh án giấy. Đến nay, cả nước đã có 106 cơ sở y tế công bố triển khai thành công bệnh án điện tử. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên công bố triển khai thành công.
HM
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/loi-ich-kep-tu-mo-hinh-mau-trien-khai-benh-an-dien-tu-a135820.html