Khu vực nuôi rươi ở huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, có diện tích khoảng 100 ha. Trước đây, mỗi "tháng Năm đôi mươi, tháng Mười mồng năm", rươi nổi kín ruộng đem lại khoản thu lớn cho bà con nông dân.
Thời gian gần đây, do độ mặn tăng lên, con rươi ngày càng vắng bóng khiến cuộc sống của người nuôi rươi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ giống lúa ST25 gạo ngon, chịu được mặn, ít sâu bệnh, các hộ có được khoản thu ổn định chờ ngày rươi trở lại.
Mất mùa do bão nhưng vẫn thu lãi nửa tỷ một vụ lúa
Trong căn chòi nhỏ trên cánh đồng Bãi Trên thuộc xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, anh Phạm Văn Xuân trò chuyện về quãng thời gian "ba chìm, bảy nổi" với con rươi.
Hơn 5 năm trước, ôm giấc mộng làm giàu từ nghề nuôi rươi, anh Xuân bàn với gia đình thầu khoán gần 30 ha ruộng sâu trũng nhiễm mặn để nuôi rươi. Tuy nhiên, ngay vụ rươi đầu, anh Xuân đã "vỡ mộng" bởi rươi lên rất ít. Số tiền thu được nhờ bán rươi không đủ trả chi phí thuê nhân công và thầu khoán.
"Sau này, tôi mới biết do độ mặn trong nước tăng, con rươi cứ nổi lên là bị vỡ. Để có thu nhập ngoài rươi, tôi nuôi thử nghiệm cua quảng canh, cấy lúa 1 vụ. Tuy nhiên, vẫn "hai tay vày lỗ miệng". Có lúc chán nản tính bỏ ruộng làm nghề khác", anh Xuân chia sẻ.
Sau khi nghe bạn bè mách nước, tìm hiểu qua sách báo, internet, anh Xuân mới biết đến giống lúa ST25 từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 được tổ chức tại Manila (Philippin) chịu được mặn, lại ít sâu bệnh rất phù hợp với điều kiện canh tác trên ruộng rươi (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu - PV). Sau khi bàn bạc với gia đình và tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Xuân quyết định cấy thử nghiệm trên khu vực ruộng rươi của gia đình.
Vụ lúa mùa năm 2023, anh Xuân chỉ dám thử nghiệm trên diện tích khoảng 10 ha. Sau khi trừ chi phí thuê nhân công, gia đình anh thu lãi hơn 150 triệu đồng. Số lãi không quá lớn nhưng là nguồn động viên lớn giúp anh Xuân thêm quyết tâm bám trụ làm giàu trên đồng đất quê hương.
Sau thắng lợi vụ đầu, vụ lúa mùa năm nay, anh Xuân quyết định mở rộng diện tích cấy lúa ST25 lên 24 ha. Hiện giống ST25 mới đang được thử nghiệm ở miền Bắc, nên phía doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón hữu cơ miễn phí và bao tiêu đầu ra với mức giá thu mua cao gấp 1,5 lần so với loại thóc tẻ khác.
"Do ảnh hưởng của bão Yagi, nên năng suất thóc giảm xuống còn gần 1 tạ/sào/vụ so với dự tính gần 2 tạ/sào/vụ. Mặc dù mới thu hoạch được 1/2 diện tích, nhưng tôi ước tính gia đình tôi thu lãi gần 500 triệu đồng vụ lúa này. Đó là không kể khoản thu từ cua thả quảng canh, tôm rảo, cá", anh Xuân phấn khởi.
Cùng với gia đình anh Xuân, nhiều hộ nuôi rươi khác cũng đang có được cuộc sống ấm no nhờ cấy lúa ST25 một vụ mỗi năm trên ruộng rươi mặc dù liên tiếp mất mùa rươi trong mấy năm qua.
Giúp bà con nông dân Hải Phòng bớt lệ thuộc vào "lộc trời"
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Thị Thanh Huyền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, trên địa bàn huyện Kiến Thụy có khoảng hơn 100 ha nuôi rươi trên địa bàn 2 xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc.
Những năm qua, trên diện tích ruộng rươi, bà con chủ yếu cấy lúa 1 vụ để đất tơi xốp. Thu nhập từ cấy lúa không đáng kể vì ruộng đất bị nhiễm mặn, thêm cấy lúa trên ruộng rươi không được bón phân hóa học hay phun thuốc trừ sâu nên năng suất rất thấp.
Vì thế, cuộc sống của bà con nuôi rươi hoàn toàn phụ thuộc vào "lộc trời" (cách người địa phương gọi con rươi). Năm nào được mùa rươi, mỗi gia đình thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Nhưng rươi không về, là rơi vào cảnh mất trắng thu nhập cũng như "đi tong" chi phí bỏ ra thuê nhân công, cải tạo ruộng.
Thời gian gần đây, bà con nuôi rươi ở 2 xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc của huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, chuyển sang cấy những giống lúa chịu được mặn, chống chọi sâu bệnh tốt, chủ yếu là giống lúa ST25.
"Hiện gạo ruộng rươi là 1 trong 14 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của huyện Kiến Thụy. Càng đáng mừng hơn nữa, hầu hết diện tích cấy lúa này được HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (cùng huyện Kiến Thụy - PV) và Công ty CP đầu tư Hải Âu bao tiêu đầu ra.
Mặc dù năng suất lúa ruộng rươi không cao, chỉ trung bình khoảng hơn 1 tạ thóc/sào/vụ, nhưng nhờ giá bán cao gấp khoảng 1,5 - 2 lần so với thóc tẻ thường, nên bà con vẫn có được khoản thu đáng kể trong khi giữ được môi trường an toàn cho con rươi sinh trưởng và phát triển", bà Lê Thị Thanh Huyền thông tin.
Không chỉ ở huyện Kiến Thụy, mà giống lúa ST25 cho gạo ngon nhất thế giới còn là "cứu cánh" cho bà con nuôi rươi nhiều nơi khác trên địa bàn các huyện Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo của Tp.Hải Phòng mỗi khi mất mùa rươi. Vì thế, họ bớt cảnh thấp thỏm, mong ngóng rồi thất vọng mỗi khi đến mùa nhưng rươi không về hoặc về ít.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/hai-phong-giong-lua-ngon-nhat-the-gioi-giai-cuu-dong-dat-nhiem-man-a135960.html