Theo các chuyên gia, lâu nay ngành giáo dục không có quyền quyết định về tuyển dụng đội ngũ là nguyên nhân dẫn đến thừa thiếu cục bộ.
Chính định chế Nhà nước như vậy dẫn đến việc mạnh ai người ấy làm, không cần phải phối hợp và cuối cùng cũng không phải chịu trách nhiệm.
“Thực tế từ nhiều thập kỷ nay cho thấy, đã để lại nhiều khó khăn rắc rối cho giáo dục. Điều đáng buồn ở chỗ, nếu có lỗi nào xảy ra trong các nhà trường thì xã hội đổ hết lên đầu ngành giáo dục và nói, chuyện giáo dục là của Bộ GD&ĐT”, ông Ân nói.
Cũng theo ông Ân, QLNN về giáo dục cần thiết chỉ có thể là hai “ông chủ” đó là Bộ GD&ĐT và UBND địa phương, chính họ mới hiểu và điều khiển được ngành. Bởi vì đặc trưng nghề dạy học khác xa với các nghề nghiệp khác như: nghề thực hiện mục tiêu phát triển con người; sản phẩm có tác động gián tiếp và lâu dài đến xã hội; người thầy đòi hỏi tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp rất cao; người thầy cần sự kiên nhẫn, lòng tận tụy và bao dung…
Ngoài ra, giáo dục cũng là nghề cần liên tục sáng tạo trong công việc và giảng dạy. Tầm ảnh hưởng của giáo dục rộng lớn đến cộng đồng và xã hội. Nhìn chung, nghề dạy học là một nghề đặc biệt, có tác động sâu rộng và dài hạn đối với mỗi cá nhân và cả xã hội, mà ở đó người thầy không chỉ đòi hỏi chuyên môn giỏi mà còn yêu cầu cao về trách nhiệm và phẩm chất đạo đức.
Do đó, ông Ân khẳng định, trao quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng cho ngành giáo dục là cần thiết.
Có đảm bảo chọn được người tài?
Còn TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay Bộ GD&ĐT chỉ có quyền trong thống nhất quản lý về chuyên môn của giáo dục; Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về nhân sự của giáo dục.
Tức là tuy Bộ GD&ĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền gì trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện, trong đó có con người.
Thực tế, bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong tuyển dụng vấn đề quan trọng nhất là chất lượng tuyển dụng đội ngũ có đảm bảo lựa chọn đúng người, đúng việc và đáp ứng yêu cầu công khai, công bằng, minh bạch. Ngành giáo dục giao cho cơ sở tuyển dụng liệu có tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn được người tài, tránh chuyện quen biết, xin cho hay không?
Theo Ông Tiến, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh, thay thế bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực.
"Trong đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện”, ông Tiến đề xuất.
Ngày 9/11, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Nhiều ĐBQH cho rằng, quy định trên tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và các cơ sở giáo dục trong chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo từ tuyển dụng, đánh giá, đến đào tạo nguồn nhân lực.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/de-xuat-tra-quyen-tuyen-dung-giao-vien-nha-giao-chi-can-hai-ong-chu-a136139.html