Xem xét việc báo chí đăng tải thông tin lên Đại biểu Hoàng Đức Thắng. Ảnh: Như Ý. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhắc lại, khi giữ Quyền Bộ trưởng TT&TT, ông Hùng có nêu quan điểm, nếu không có mạng xã hội Việt Nam đủ mạnh, sẽ không có sức mạnh đàm phán với mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook khi những mạng này không tuân thủ pháp luật Việt Nam, không dám cắt dịch vụ. Đại biểu Tâm hỏi Bộ trưởng TT&TT về thực hiện chiến lược này ra sao để đảm bảo không phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Trả lời các đại biểu, về vấn đề hợp tác giữa báo chí với các mạng xã hội nước ngoài, ông Hùng cho biết, hầu hết các cơ quan báo chí đều có tài khoản trên mạng xã hội để "xuất hiện chỗ đông người". "Sắp tới sửa Luật Báo chí sẽ xem xét một ý là các cơ quan báo chí có thể sẽ được phép đăng tải thông tin trên mạng xã hội trước khi đăng trên phương tiện chính của mình. Ví dụ, VTV1 đến 19h mới có chương trình thời sự, nhưng trong ngày diễn ra nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoàn toàn rất nên cho phép đăng tải thông tin trên mạng xã hội trước", ông Hùng nói. Nội dung hợp tác thứ hai, theo ông Hùng, là trong Nghị định 147 vừa ban hành, có quy định các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng sản phẩm báo chí thì phải thoả thuận với cơ quan báo chí. Trong Luật Báo chí sửa đổi sắp tới, sẽ quy định rõ hơn về vấn đề này. Việt Nam có gần 1.000 mạng xã hội Chia sẻ về chiến lược phát triển mạng xã hội Việt Nam để cạnh tranh, có sức đàm phán với mạng xã hội nước ngoài, ông Hùng nhắc lại, khi giữ chức Quyền Bộ trưởng, ông có nói rằng, sức mạnh đàm phán dựa trên thực lực, khi không có thực lực, không có lực lượng thì rất khó đàm phán. "Mạng xã hội có hai mặt, mặt tích cực để làm ăn trên đó. Nếu chúng ta không có mạng xã hội thì có cấm được mạng xã hội nước ngoài không. Nếu ta có mạng xã hội, lực lượng tương xứng trong tay thì có ảnh hưởng trong quá trình đàm phán, sẽ tốt hơn", ông Hùng nói. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý. Bộ trưởng Hùng thông tin: Hiện chúng ta cấp phép gần 1.000 mạng xã hội Việt Nam, chủ yếu hoạt động trong thị trường ngách. Trong số này, có khoảng 20 mạng xã hội lớn. Tổng người dùng của các mạng xã hội này tương đương, cao hơn số lượng người dùng mạng xã hội facebook, tiktok, youtube... đó là chưa kể 38 nền tảng số quốc gia nữa. Nếu tính thêm số người của 38 nền tảng này thì lượng người dùng lớn hơn mạng xã hội nước ngoài. "Muốn bền vững, muốn chuyển đổi số thì phải làm chủ công nghệ, làm chủ nền tảng. Rất may là người Việt Nam giỏi công nghệ thông tin, từ làm chủ ứng dụng sẽ làm chủ được công nghệ", ông Hùng chia sẻ. Nói về tình trạng bóc phốt trên mạng xã hội, ông Hùng cho biết, vừa qua đã xử phạt nhiều trường hợp, nhưng mức phạt còn khá thấp. Kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy, có trường hợp bị phạt hàng triệu đô. "Mình mới phạt người sử dụng mạng xã hội thôi, còn trách nhiệm các nhà mạng thì sao. Nhiều nước họ quy định trách nhiệm của mạng xã hội, thậm chí chủ sở hữu mạng xã hội còn phải đi tù. Chúng ta hiện đã quy định hành vi liên quan đến trách nhiệm của mạng xã hội, mạng phải có trách nhiệm tự rà quét, xử lý các thông tin vi phạm", ông Hùng nói. Nói thêm vấn đề này, ông Hùng nêu quan điểm, phải xử lý nghiêm minh, lan toả kết quả đến toàn dân để thể hiện tính răn đe. "Bộ Chính trị đã kết luận, giao cho Bộ Công an làm Luật về phòng chống tin giả, sẽ giải quyết được vấn đề tin giả", ông Hùng thông tin.