Như tin đã đưa, nhiều ngày qua, thông tin phó chủ tịch huyện Giang Thành, Kiên Giang cho con gái 600 công đất (tương đương 90 tỉ đồng) trong ngày đám cưới gâyTỉnh ủy Kiên Giang vào cuộc vụ phó chủ tịch huyện cho con gái 600 công đất
Liên quan vụ việc, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Giang Thành vào cuộc kiểm tra thông tin phó chủ tịch huyện cho con gái 600 công đất mà báo chí nêu.
Đây không phải lần đầu dư luận xôn xao quanh chuyện của hồi môn.
Trước đó, một đám cưới ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, cô dâu chú rể được ba mẹ tặng 230 cây vàng, 30 mảnh đất, 2 căn nhà; ở An Giang ba mẹ cô dâu trao của hồi môn 1 triệu USD và 1 tòa nhà trị giá khoảng 70 tỉ đồng; ở Đồng Tháp tại một đám hỏi, của hồi môn của cô dâu là tiền mặt 9,9 tỉ đồng, 50 lượng vàng và hứa tặng thêm 1.000 lượng vàng...
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công đã có bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online chia sẻ xung quanh những vụ việc trên.
Của hồi môn, nét đẹp văn hóa cưới hỏi
Trong văn hóa cưới hỏi của người Việt Nam, việc trao của hồi môn thể hiện sự trân trọng của gia đình nhà gái dành cho con, đồng thời cũng là một lời chúc phúc cho con gái và con rể.
Việc cha mẹ tặng của hồi môn cho con gái trước khi về nhà chồng được xem là nét văn hóa ý nghĩa, được gìn giữ suốt nhiều thế hệ qua. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, của hồi môn có thể là đồ dùng, quần áo, tiền bạc hay trang sức, đất đai, nhà cửa.
Tuy nhiên, những ngày qua sự kiện trong ngày cưới, mẹ cô dâu (vợ phó chủ tịch huyện) đã dành tặng đôi vợ chồng trẻ hàng trăm công đất cùng trang sức trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng làm dư luận xã hội hết sức quan ngại.
Thực hư ra sao cơ quan chức năng đang tìm hiểu.
Thực tế không ít gia đình để lại của hồi môn cho con là cả một khối tài sản lớn. Song, cách họ cho con rất khéo và tế nhị. Ngày cưới chỉ là một số ít trang sức bình thường như bao gia đình khác, sau thời gian nhất định họ có thể gọi các con đến và cho các con số tài sản lớn để làm ăn.
Muốn nhận được sự khen ngợi, lại bị chê
Cuối tháng 10, đoạn clip do chính cô dâu (ở Đồng Tháp) đăng tải "gây bão" trên mạng xã hội. Theo đó, của hồi môn của cô là số tiền mặt 9,9 tỉ đồng, 50 lượng vàng và tặng cho chú rể một nhẫn hột xoàn cỡ bự.
Tiếp đó, mẹ cô dâu tuyên bố sẽ tặng thêm cho đôi trẻ 1.000 lượng vàng làm vốn, dù các khay đựng vàng và tiền mặt đã được xếp đầy trên bàn.
Rồi lần này mạng xã hội lại "dậy sóng" với đoạn clip ghi lại cảnh cho của hồi môn đám cưới của con gái phó chủ tịch huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
Thật ra, việc khoe khoang của cải nhà mình mục đích là để mọi người biết được sự giàu có của bản thân, muốn nhận được sự khen ngợi, ngưỡng mộ của những người xung quanh.
Tuy nhiên, mặt trái của việc khoe khoang này là con đường gieo mầm tư tưởng sống thực dụng, tôn thờ vật chất, phân biệt giàu - nghèo.
Nếu đứng từ góc độ này, có thể coi thói khoe khoang kệch cỡm cũng giống như những nội dung xấu, độc khác trên môi trường mạng, dẫn đến xâm lấn hệ giá trị, mong muốn có tiền bằng mọi cách của một số bạn trẻ.
Vì vậy, muốn dung hòa, các gia đình để lại của hồi môn cho con với khối tài sản lớn cũng cần khéo léo và tế nhị.
Mong rằng những bậc phụ huynh cần chú ý đến hành động của mình. Đôi khi một hành động thiếu sự kiểm soát và kiềm chế cảm xúc sẽ để lại hệ quả, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thay vì khoe khoang, hãy học cách đồng cảm
Thời gian qua có rất nhiều hành động thiện nguyện của các nhà hảo tâm. Họ sẵn sàng và tự nguyện, âm thầm ủng hộ. Có người ủng hộ vài tỉ đồng, thậm chí có nhà khoa học huy động toàn bộ tiền tích lũy giảng dạy nhiều năm qua để ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ.
Song, hành động thanh cao đó rất nhẹ nhàng, kín đáo, không ồn ào.
Ngược lại, không ít người không thích chia sẻ, đồng cảm với người khác mà thích khoe khoang, muốn thể hiện "cái tôi" của mình.
Nếu chưa ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn thì cũng cần giữ mọi việc của gia đình mình trong sự riêng tư.