Mỗi buổi sáng, anh Hoàng Bình đều chuẩn bị túi ngũ cốc đem đến |
Anh Bình rải ngũ cốc xung quanh mình để đàn chim tự do đến ăn. Ảnh: Hà Nguyễn |
Anh Bình cho biết, đã cho đàn chim ăn được 7 - 8 năm nay. Trước đây, anh bán vé số dạo trên đường Lê Duẩn, quận 1. Lúc vắng khách, bán ế, anh nhìn đàn chim sẻ ríu rít trên cây. Chốc chốc, chúng lại sà xuống vỉa hè tìm thức ăn.
Hình ảnh bầy chim sẻ nhảy trên mặt đường khiến anh thích thú. Anh nghĩ đến việc làm bạn với chúng bằng cách cho chúng ăn. Sau một thời gian, đàn chim quen dần với sự hiện diện của anh và thức ăn do anh đem đến.
“Mỗi sáng, chúng kéo đến đậu ở nơi tôi ngồi bán vé số. Thấy tôi xuất hiện, chúng liền sà xuống, vây quanh, nhảy trên vỉa hè đợi ăn. Cứ thế, tôi làm bạn với đàn chim cho đến khi vì nhiều lý do không thể ngồi bán ở đoạn đường đó nữa”.
Đàn chim đã quen thuộc với anh Bình. Ảnh: Hà Nguyễn |
Chia tay đàn sẻ hoang trên đường Lê Duẩn, anh Bình rong ruổi bán vé số dạo rồi chọn được điểm bán mới tại công viên Lê Văn Tám. Công viên có nhiều cây xanh, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim như bồ câu, sẻ, cu gáy.
Tại đây, anh làm quen với đàn chim sẻ bằng cách mua thóc cho chúng ăn. Mỗi khi anh rải thóc, đàn bồ câu cũng sà xuống “xin ăn”. Thấy vậy, anh quyết định mua ngũ cốc cho chúng ăn chung.
Vừa cho đàn chim ăn, anh Bình vừa bán vé số. Khoảng 9h, công viên vắng người, anh di chuyển đến khu vực Trần Quốc Toản (quận 3) bán tiếp.
Đàn chim sẻ kiên nhẫn chờ đến lượt mình. Ảnh: Hà Nguyễn |
14h, trên đường đi lấy vé số để bán vào ngày hôm sau, anh lại ghé công viên rải ngũ cốc cho đàn chim. Chiều muộn, sợ chúng chưa đủ no, anh đến cho ăn thêm một lần nữa mới trở về nhà trọ.
Tìm niềm vui, bớt cô đơn
Gắn bó với đàn chim nhiều năm, anh Bình hiểu và nắm rõ tập tính của chúng. Anh biết đàn bồ câu thích ăn ngũ cốc, cám viên nên chủ động mua đủ loại.
Trong khi đó, đàn chim sẻ chủ yếu ăn thóc. Trong lúc ăn, chúng dùng mỏ đãi bỏ phần vỏ trấu. Vì vậy, khi cho đàn sẻ ăn, anh thường chọn vị trí mặt đất bằng phẳng để dễ quét dọn, thu gom phần vỏ trấu.
Anh Bình là người TPHCM chính gốc. Sau khi cha mẹ qua đời, anh một mình vất vả mưu sinh trong cảnh liệt nửa người. Không thể lao động nặng, anh đành bán vé số nuôi thân.
Sau khi đàn bồ câu no nê rời đi, bầy sẻ hoang nhanh chóng đến ăn phần thóc còn sót lại. Ảnh: Hà Nguyễn |
Mỗi ngày, anh bán 200 tờ vé số, thu về khoảng 200.000 đồng. Số tiền ấy vừa đủ để anh trả chi phí phòng trọ, thuốc thang. Dù vậy, 7-8 năm qua, ngày nào anh cũng trích ra một số tiền để mua thức ăn cho chim.
Trước đây, anh Bình trích khoảng 45.000 đồng mua 3 bịch ngũ cốc cho đàn chim. Sau này, nhiều người thấy anh cho chim ăn cũng phát tâm đem thức ăn đến cho chúng nên anh mua ít hơn.
Hiện, anh chỉ mua 30.000 đồng tiền ngũ cốc. Bình thường, anh có thể lo được số tiền này. Nhưng hôm nào ế, mưa gió bán không được, anh gặp khó khăn, thậm chí thâm hụt vào tiền vé số.
Anh Bình xem đàn chim như một phần cuộc sống của mình nên quyết định cho chúng ăn đến khi nào còn có thể. Ảnh: Hà Nguyễn
Dù vậy, anh cố gắng chi tiêu tiết kiệm để không phải bớt đi bữa ăn nào của đàn chim. Mỗi ngày, anh đều đến cho chúng ăn đủ 3 bữa.
Anh tâm sự: “Tôi xem đàn chim như một phần cuộc sống. Với tôi, chúng là những người bạn đem đến niềm vui, giúp tôi vơi bớt cô đơn.
Thời điểm dịch bệnh, không thể cho đàn chim ăn, tôi rất buồn, cảm thấy thiếu vắng. Sau dịch, thấy chúng gầy, xác xơ, tôi xót lắm.
Đặc biệt, khi thấy đàn chim sẻ bị người ta đặt bẫy, bắt đem bán cho người phóng sinh, tôi rất đau lòng. Tôi sẽ cho chúng ăn đến khi nào còn có thể”.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nguoi-ban-ve-so-o-tphcm-mua-thuc-an-dai-chim-troi-de-bot-co-don-a136642.html