Thầy giáo Lương Ngọc Tuấn (Trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Trong đau thương, thầy cô giáo là điểm tựaĐỌC NGAY
"Mấy tiếng trước đó, vì bơi qua bơi lại vớt đồ đạc và giúp dân sơ tán nên tôi đã thấm mệt. Thấy con trai vất vả nên bố tôi gợi ý đóng mảng để di chuyển. Cả xã khi đó không có một cái thuyền nào, nhiều hộ dân bị cô lập, kêu cứu. Nếu mình không cố gắng thì họ không biết trông đợi vào đâu...
Gặp luồng nước xiết, mảng bị lật. Dù bơi rất giỏi nhưng khi đó tôi đã nghĩ có thể mình sẽ chết. Xung quanh tối thui, tôi bị mất phương hướng và trôi theo dòng nước xiết. May mắn là chiếc đèn pin còn sáng nổi lên mặt nước nên tôi bơi theo chiếc đèn. Loay hoay hồi lâu trong nước, tôi tìm lại được mảng và khi lên được chỗ khô ráo thì cũng kiệt sức.
Hôm đó, khi trở về nhà, nhìn thấy con tôi mới òa khóc vì nghĩ nếu mình bỏ mạng, con mình sẽ mồ côi bố", thầy Tuấn kể về giây phút sinh tử.
Dù đã trải qua giây phút sinh tử nhưng suốt những ngày sau đó, thầy Tuấn vẫn tiếp tục bơi đi giúp dân, không có thời gian về nhà, không có thời gian để ăn, nghỉ.
"Thương nhất là khi Tuấn về nhà thì lúa gạo của nhà Tuấn để ở sàn nhà đã bị nước ngập mất hết cả. Cậu ấy mải giúp người khác mà quên mất là phải giúp nhà mình", cô Hương cho biết.
Khi bắt đầu có người mang đồ cứu trợ đến, thầy Tuấn lại là "người vận chuyển" hàng cứu trợ đến từng hộ dân bị cô lập trên chiếc mảng từng khiến thầy suýt bỏ mạng. Kể về chuyện này, thầy Tuấn chỉ cười hiền: "Em làm vì trách nhiệm của một người giáo viên thôi".
142 người thoát hiểm nhờ một quyết định
Thầy Nguyễn Thành Trung, phó hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bát Xát (Lào Cai), là người trực tiếp hướng dẫn học sinh, giáo viên và phụ huynh ba lần sơ tán trong buổi sáng 9-9 khi hoàn lưu của bão Yagi gây mưa lớn làm sạt lở núi.
Quyết định được thầy Vũ Xuân Quế, hiệu trưởng, người đang bị kẹt không tiếp cận được trường, đưa ra đúng lúc, thực hiện nhanh gọn đã cứu 142 người trong đó có 131 học sinh, 9 giáo viên và 2 phụ huynh khỏi tai họa kinh hoàng.
Thầy Trung kể lại: "Đêm 8-9 mưa rất to nhưng hầu như không có dấu hiệu của việc sạt lở. Cả đêm chúng tôi thức và liên tục báo cáo về cho thầy Quế tình hình. Khoảng 6h sáng hôm sau, khi chúng tôi đi kiểm tra thì chỉ thấy khu nhà ăn cũ có một chút sạt lở, cũng không đáng kể. Tuy vậy, chúng tôi thấy nước ngầm chảy ra bất thường ở khu vực này. Khi nghe chúng tôi báo cáo từ xa, thầy hiệu trưởng đã quyết định phải sơ tán học sinh.
Chúng tôi chia nhau, nhóm thì lo thu dọn khu nhà đa năng để học sinh ở tạm, nhóm đốc thúc học sinh di dời. Chúng tôi yêu cầu các em học sinh chỉ mang theo chăn màn và một bộ quần áo.
Ở khu nhà đa năng, giáo viên điểm danh học sinh, còn ở khu bán trú, chúng tôi cử người đi từng phòng, đảm bảo không sót lại học sinh nào còn ngủ quên. Khi việc di dời vừa xong thì tôi nghe thấy tiếng nổ lớn, vạt núi sau khu nhà nứt, đất đá rơi ào xuống.
Lúc đó còn 2 học sinh và giáo viên ở trong khu vực nguy hiểm khi nghe tiếng kêu vội vã chạy thoát. Chỉ chậm 10 giây thì rất có thể thương vong đã xảy ra.
Tại nhà đa năng, các thầy cô trực đêm đó nhận thấy chưa an toàn cho học sinh nên sau khi xin ý kiến thầy hiệu trưởng, các thầy cô lại quyết định cho học sinh sơ tán lần nữa, chuyển sang ở tạm khu vực phòng học, cách xa hơn khu vực mới sạt lở.
Cuộc di chuyển diễn ra trong mưa lớn gấp gáp, vất vả. Nhưng khi tưởng như đã yên vị thì ở gần khu vực phòng học lại xảy ra sạt lở, làm sập khu nhà vệ sinh và đường ống nước thải.
Chúng tôi cảm thấy không có nơi nào trong trường học an toàn với học sinh nên cần đưa học sinh ra bên ngoài. Lúc này thầy Quế gọi cho chủ tịch xã và được chính quyền, lực lượng chức năng hỗ trợ chuyển toàn bộ học sinh và thầy cô giáo sang nhà văn hóa".
"Khi đã sơ tán học sinh lần thứ ba xong, chúng tôi quay lại trường thì mới lạnh người khi nhìn thấy toàn bộ dãy nhà 16 phòng và khu vực bếp ăn bị vùi lấp dưới hàng vạn khối đất đá. Nếu chủ quan không sơ tán học sinh thì hậu quả rất lớn", thầy Trung nói.
Nhà giáo và trách nhiệm cứu dân
Giáo viên chỉ được đào tạo để dạy học, không ai nói việc cứu dân là trách nhiệm của người thầy. Nhưng không riêng thầy Lương Ngọc Tuấn, nhiều người thầy khác ở Minh Chuẩn đều tự nghĩ đó là trách nhiệm của mình.
Trận lũ đi qua đã hai tháng, nhưng các ngôi nhà ở Minh Chuẩn vẫn đọng ngấn nước, bùn đất. Nhiều ngôi nhà, công trình bị tàn phá chưa xây lại được. Thầy Tuấn phải đi bệnh viện điều trị vì ảnh hưởng từ những ngày dầm trong lũ lớn. Nhưng niềm tin vào người thầy thì đã bám rễ sâu hơn trong lòng người dân.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nha-giao-vi-cong-dong-diem-tua-tinh-than-thoi-khac-sinh-tu-a136894.html