Cô Giang Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Trần Phú, đã đưa AI vào phục vụ công tác giảng dạy trong nhà trường. Ảnh: VÂN ANH |
Xây dựng kho học liệu “Việt Nam mến yêu”
Ngay từ khi bước vào nghề, thầy Nguyễn Sỹ Quân, Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), xác định phải là giáo viên tốt, luôn là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trong quá trình giảng dạy, thầy Quân nhận thấy, Lịch sử - Địa lí là môn học khó với cả học sinh và giáo viên. Khả năng tự tổng hợp kiến thức của học sinh tiểu học còn hạn chế; nhiều phụ huynh không có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để đồng hành với con. Giáo viên thiếu nhiều tài liệu chuẩn để phục vụ dạy học. Năm học 2023-2024, thầy Quân tìm hiểu, xây dựng kho học liệu điện tử “Việt Nam mến yêu” bằng Google Sites phục vụ môn Lịch sử - Địa lí lớp 4. “Hy vọng ngay từ cái tên của kho học liệu cũng gợi cho học sinh, phụ huynh, giáo viên những cảm xúc tích cực với quê hương, đất nước tươi đẹp”, thầy Quân nói.
Không được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin nên thầy cố gắng mày mò, nghiên cứu, chủ động trao đổi với đồng nghiệp để phát triển kho học liệu. Thầy Quân sưu tầm thêm những tư liệu đã được kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau.
Bên cạnh việc xây dựng kho học liệu “Việt Nam mến yêu”, thầy Quân còn trăn trở với việc làm thế nào để gia đình dễ dàng và thường xuyên cập nhật được kết quả học tập của con mà những phần mềm hiện tại không làm được. Những suy nghĩ ấy đã thôi thúc thầy tìm cách xây dựng trang tra cứu kết quả học tập thường xuyên của học sinh. Nhờ sự quyết tâm của bản thân và sự động viên từ phụ huynh, thầy đã xây dựng thành công trang tra cứu. Đường link trang tra cứu rất ngắn gọn, dễ nhớ, thao tác tra cứu đơn giản đã giúp phụ huynh nắm bắt kịp thời thông tin điểm, nhận xét các môn học được thống kê theo từng môn của con.
Đưa AI vào trường mầm non
Với 24 năm gắn bó nghề giáo, cô Giang Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội), luôn có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy trong công việc.
Với vai trò phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô luôn băn khoăn làm thế nào để giúp giáo viên tạo ra những bài giảng điện tử thực sự chất lượng.
Cô Nhàn chủ động tham gia các lớp học bồi dưỡng, tham gia các nhóm hỗ trợ và giảng dạy về công nghệ thông tin nhằm trang bị kiến thức, kĩ năng. Từ đó, cô chia sẻ với đồng nghiệp trong trường, giúp các cán bộ, giáo viên khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học.
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, cô Nhàn nhận ra, AI có thể hỗ trợ thiết kế bài giảng, trò chơi học tập và tạo ra tài liệu giảng dạy phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Việc ứng dụng AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Theo cô Nhàn, AI có thể hỗ trợ giáo viên mầm non một số nội dung như: chuyển ảnh văn bản (thành file Word), giúp giáo viên dễ dàng số hóa tài liệu học tập; chuyển văn bản thành file âm thanh, hỗ trợ tạo các bài giảng nghe cho trẻ; thiết kế các bài giảng sinh động, hấp dẫn; chuyển ý tưởng thành tranh, giúp tạo ra các trò chơi học tập và hình ảnh minh họa; tạo video hoạt hình, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí so với việc tạo video thủ công. Các nền tảng này cung cấp công cụ tùy chỉnh nội dung, giúp truyền đạt kiến thức một cách sinh động và thú vị; tạo bài hát theo ý muốn, kết hợp với Chat GPT để tạo lời bài hát.
Nắm bắt được các ứng dụng hữu ích, cô đã truyền đạt lại cho đội ngũ giáo viên cách ứng dụng vào giảng dạy thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn chuyên đề. Qua đó, giáo viên có thể hiểu và biết cách ứng dụng AI trong trường mầm non.
Ngày 14/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Lễ trao giải Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ VIII. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, từ 196 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT được đề nghị xét duyệt và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp ngành, Hội đồng đã chấm, chọn ra và xét duyệt 70 nhà giáo tiêu biểu xuất sắc để vinh danh.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/giao-vien-sanh-cong-nghe-chinh-phuc-ai-a136981.html