Với thành tích đạt giải 3 môn tin học trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2022-2023, cùng với kết quả quá trình học tập bậc THPT các môn trong tổ hợp A00 (toán - lý - hóa) đều trên 8 điểm, Nguyễn Đỗ Như Hằng (học sinh chuyên tin học Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, tỉnh Bình Thuận) đã trúng tuyển ngành kế toán doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Luyện võ, thành kiện tướng karate để kiếm tiền ăn học
Từ hè Hằng học lớp 5, mẹ Hằng bị tai nạn nên không làm được việc gì. Lúc đó cô bé đã đi phụ quán cơm cho người quen. Mỗi ngày dọn bàn ghế, rồi chạy bàn, rửa chén tới khoảng 14h.
"Phụ quán cơm được trả 20.000 đồng/ngày, tôi làm suốt 3 tháng hè để phụ giúp mẹ. Sau đó tôi định tiếp tục phụ quán cơm, nhưng nếu vậy phải nghỉ học. Tôi vẫn muốn đi học hơn, nên nghỉ làm. Cũng may tôi được thầy cô trong trường giúp đỡ, cho tiền đóng học phí", Hằng cho hay.
Điều khiến nhiều người bất ngờ và thán phục Lá thư tha thiết của cô giáo chủ nhiệm Trường Ernst Thalmann gửi báo Tuổi Trẻ9 tháng 3 lần đeo tang, nữ sinh đi làm nuôi 2 em, vẫn đậu Đại học Ngân hàng TP.HCMCô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi'
"Hằng thích võ. Nhiều năm nay, nó đến nhà thi đấu tập võ đều đặn. Luyện tập siêng năng, giỏi võ nên nó thành vận động viên môn karate của tỉnh, được nhận tiền bồi dưỡng hàng tháng trang trải chi phí ăn học.
Đi tập võ về chưa nghỉ ngơi được lâu là liền đến trường học. Nó thường xuyên đi thi đấu ở các tỉnh, có đợt đấu võ ngoài Bắc 10 ngày về. Tôi nghĩ con bé không thi cử nổi nữa… Vậy mà cháu vẫn đậu đại học", bà ngoại Hằng tự hào về cháu.
Hằng cho biết hồi lớp 7 cô đã mê các trận đấu võ trên tivi, nên đạp xe đến nhà thi đấu tỉnh xin học võ karate. Mỗi buổi tối Hằng đều đặn dành khoảng 2 tiếng đi tập võ. Nếu đi tập đủ tất cả các ngày trong tuần sẽ được hỗ trợ khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhưng do bận học nên mỗi tuần chỉ tập được vài buổi.
"Cũng nhờ được nhận bồi dưỡng tập võ, tôi mới có tiền tự lo cho bản thân và trang trải cho phí ăn học từ năm lớp 8 đến nay, tháng nào còn dư, tôi gửi mẹ một ít. Mỗi lần đi thi đấu giải ngoài tỉnh, có đợt đi hơn nửa tháng, nhưng chủ yếu diễn ra dịp hè nên không ảnh hướng đến việc học.
Do tham gia luyện võ và thi đấu nhiều nơi nên tôi phải học thêm toán, hóa. Nhưng cũng nhờ thầy cô luôn động viên, dạy thêm không thu học phí và tạo điều kiện để tôi tham gia thi đấu ở các tỉnh, nhờ đó kết quả học tập vẫn ổn", Hằng chia sẻ.
Nữ kiện tướng quốc gia karate mang nặng nỗi lo học phí đại học
Gắn bó với học trò hơn 6 năm, ông Dương Ngọc Sơn - huấn luyện viên môn võ karate tỉnh Bình Thuận - không còn xa lạ gì với tính cách ngoan hiền, lễ phép, chịu khó của nữ kiện tướng karate quốc gia Nguyễn Đỗ Như Hằng.
Theo dõi Hằng ở lớp karate phong trào, ông Sơn phát hiện cô bé có tố chất thi đấu đối kháng, nên tuyển vào lớp năng khiếu của tỉnh. Tại đây, nữ vận động viên tiếp tục nỗ lực thi đấu đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
"Gia cảnh khó khăn đôi lúc cũng là trở ngại trên con đường tập luyện, thi đấu của Hằng. Nhưng em ấy rất kiên trì tập luyện. Và trái ngọt đã đến trong năm 2022, Hằng đã đoạt huy chương đồng giải vô địch các CLB Karate quốc gia.
Đây là tiền đề Hằng chính thức thành vận động viên karate của tỉnh, thêm điều kiện đi thi đấu, duy trì nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và học tập sau này. Em Hằng vừa là vận động viên thể thao có tư duy tốt, vừa duy trì thành tích cao trong trường chuyên là trường hợp hiếm thấy", ông Sơn nhận xét.
Nhưng hiện nữ kiện tướng đang lo sắp hết hợp đồng với đội tuyển karate tỉnh Bình Thuận và nay đã vào TP.HCM học đại học, nên chưa biết có còn được tập luyện võ để tiếp tục nhận lương hàng tháng nữa hay không.
"Cả nhà không ai học đến nơi đến chốn, nên tôi cố gắng học. Tôi muốn được tiếp tục con đường học vấn để sau này có thể kiếm tiền lo cho mẹ và bà. Tôi đang cố gắng việc làm phù hợp với việc học để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng vẫn lo không kham nổi học phí mấy năm đại học. Mẹ đã quá khổ rồi, và chắc chắn không có khả năng lo cho tôi học đại học", Hằng mím môi, đưa tay quẹt nước mắt lăn dài trên má.
Không biết mặt cha, nghèo khó, vẫn là HS giỏi tỉnh
Sinh ra không biết mặt cha, Hằng cảm nhận được mẹ mình đã một đời cơ cực nuôi 4 anh chị em trong nhà. Cuộc sống khó khăn, mẹ thường xuyên đi làm xa nên Hằng ở với bà ngoại Đặng Thị Thương (72 tuổi) trong căn nhà tình nghĩa do địa phương hỗ trợ.
Lo sợ gia cảnh khó khăn, không được đến trường nên nhiều lần Hằng tâm sự với mẹ và bà ngoại mong muốn lớn nhất là được đi học. Từ lúc còn học tiểu học, Hằng thường được mẹ chở đi rong ruổi khắp chợ để bán cá, tôm.
"Hễ ai nói tới chuyện không cho đi học nữa, ở nhà phụ ngoại và mẹ, con Hằng lại khóc. Con bé thường nói sẽ ráng học giỏi để nuôi mẹ. Con không khổ như mẹ ngồi ngoài nắng", bà ngoại Thương kể.
Chị Nguyễn Thị Xuân Hòa (47 tuổi, mẹ của Hằng) lâu nay ai thuê gì làm nấy, phụ quán, rửa chén, bán cà phê...
Chị không chồng, một mình "vật lộn" với cuộc sống để mưu sinh vẫn thiếu trước hụt sau, không đủ sức nuôi con ăn học. Hai đứa con trai đầu của chị đều thôi học từ sớm.
Trong khi Hằng lại học rất giỏi, đậu vào trường chuyên, đạt giải 3 môn tin học trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2022-2023.
Chị hiểu suy nghĩ của con gái, chỉ có đi học mới thoát được cảnh túng thiếu của gia đình.
"Nay nhìn mức học phí hơn 30 triệu đồng/năm, nghe nói các năm sau sẽ cao hơn nữa, tôi hơi choáng. Số tiền mỗi học kỳ quá lớn, thật sự tôi không kham nổi. Hôm bữa phụ huynh của một vận động viên cùng câu lạc bộ võ karate biết hoàn cảnh khó khăn của Hằng nên đã cho mượn 15 triệu đồng để làm thủ tục nhập học", chị Hòa cho hay .
Cô nữ sinh ít khi bộc lộ về hoàn cảnh gia đình
Thầy Huỳnh Lê Trí - giáo viên chủ nhiệm của Hằng tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận) - nói cô học trò của mình: "Em Hằng là học sinh nhiệt huyết, năng nỗ mọi hoạt động của trường lớp. Mặc dù gia cảnh khó khăn là vậy, nhưng em không bao giờ kêu than ai giúp đỡ mà vẫn lẳng lặng một mình bươn chải.
Có lần tôi gọi em lên hỏi dò lý do chậm nộp học phí. Em xin tôi chờ thêm vài ngày, nữa có lương rồi đóng. Lúc này tôi mới biết em dùng tiền luyện võ để đóng học phí và trang trải chuyện học hành. Em ít khi bộc lộ về hoàn cảnh gia đình mà âm thầm tập luyện thêm môn võ để có cái lo liệu chuyện học ở trường lớp".
Trao 128 học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên khu vực Đông Nam Bộ
Ngày 17-11, Thành Đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ trao học bổng, tổng kết chương trình Tiếp sức đến trường 2024 và 36 năm chương trình "Vì ngày mai phát triển" tại TP.HCM.
Trong 231 học bổng được trao tối nay có 128 suất cho tân sinh viên khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM). 103 suất còn lại cho tân sinh viên một số tỉnh thành khác đang theo học tại TP.HCM chưa có điều kiện dự lễ trao tại quê nhà.
128 học bổng khu vực Đông Nam Bộ trị giá trên 2 tỉ đồng. Mỗi suất 15 triệu đồng cùng 4 suất đặc biệt (50 triệu đồng/4 năm). Tổng số kinh phí do Hội Tương trợ và Hợp tác Đức - Việt, GS Phan Lương Cầm (phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), ông Dương Thái Sơn và những người bạn, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam), Quỹ "Đồng hành nhà nông" (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty cổ phần Hoàng Kim tài trợ.
Ngoài ra còn có sự chia sẻ của ĐH Kinh tế TP.HCM và các trường ĐH: Công nghiệp TP.HCM, Công Thương TP.HCM, Luật TP.HCM, Tài chính - Marketing, Sài Gòn, Văn Lang, Sư phạm TP.HCM cùng 2 trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM (Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam tài trợ 13 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập và Hệ thống Anh văn Hội Việt - Mỹ tặng 20 suất luyện thi IELTS cho tân sinh viên học tại TP.HCM.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.