Bóng đá nữ Việt Nam hướng đến tham dự các kỳ World Cup từ 2045. Ảnh: Anh Tú |
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam từng 1 lần giành quyền tham dự VCK World Cup 2023 tại Úc và New Zealand. Về mặt chiến lược, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nữ. Trong đó phải kể đến việc hệ thống hoá, hoàn thiện quy bóng đá, điều chỉnh các quy định để nâng chất giải VĐQG: quy định về số lượng cầu thủ ngoại, quy định mới về hợp đồng cầu thủ nữ, lộ trình đào tạo và nâng cấp mặt bằng chứng chỉ HLV bóng đá nữ… đồng thời nghiên cứu nâng số lượng các trận đấu để các cầu thủ tích luỹ kinh nghiệm.
Điều kiện tập luyện, cơ sở vật chất và chế độ ăn, ở, tiền lương… của VĐV của các ĐTQG có sự cải thiện đáng kể. Khâu tuyển chọn, đào tạo được tăng cường thông qua phối hợp với các cơ quan, ban ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giải trẻ, cử chuyên gia hoặc thành lập các tổ theo dõi, phát hiện và bồi dưỡng cầu thủ trẻ tại các hoạt động bóng đá phong trào như Hội khỏe Phù Đổng.
Kế hoạch xây dựng đội ngũ kế cận cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được thực hiện triệt để hơn. Đơn cử như năm 2024, dù không có các giải thi đấu chính thức, VFF vẫn lên kế hoạch để đội tuyển bóng đá nữ tập huấn và thi đấu tại CH Séc, tham dự giải quốc tế tại Trung Quốc để chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 33 và giải Vô địch bóng đá nữ châu Á 2026.
Nhìn một cách tổng thể, VFF đã xây dựng được bộ khung cơ bản để hiện thực hoá các mục tiêu dài hạn, trong đó có những mục tiêu đã được xác định tại Chiến lược phát triển thể thao hướng đến 2030, tầm nhìn 2045.
Dù vậy, cần phải thừa nhận thực tế “nội lực” của thể thao Việt Nam và bóng đá nữ chưa thật sự thâm sâu. Hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi và điều kiện tài chính của các địa phương, đội bóng chưa tốt.
Đơn cử, với việc duy trì số lượng 8 đội ổn định tham dự giải VĐQG như hiện nay, mỗi lượt trận phải có từ 2-3 sân thi đấu mới đảm bảo công tác tổ chức giải trong điều kiện thi đấu tập trung.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm địa phương đáp ứng đủ số lượng sân thi đấu, sân tập, phải đảm bảo mặt cỏ là rất khó khăn. Điều này khiến cho VFF phải hết sức nỗ lực để giải đấu “chạy” tốt.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một lãnh đạo VFF cho biết việc vận động tài chính, tài trợ cho các giải VĐQG nữ và cả đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khá khó khăn. “Giai đoạn vừa qua do thành công của đội tuyển bóng đá nữ, đội nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn. Tuy nhiên để có thể thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nữ và các ĐTQG nữ, chúng ta vẫn cần nguồn tài chính ổn định” - vị này cho biết.
Về mặt tài chính, giải bóng đá nữ VĐQG xuyên suốt từ 2011 đến nay chỉ gắn bó với 1 nhà tài trợ chính là Cty TNHH Thương mại và thiết bị điện Thái Sơn Bắc. Đây là doanh nghiệp gắn với ông bầu Trần Anh Tú, hiện là Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, nói cách khác là “người nhà”. Điều này phần nào phản ánh thực tế bóng đá nữ chưa thu hút được sự quan tâm đồng hành rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp.
Về mục tiêu đưa đội tuyển nữ vào tốp 8 châu Á năm 2030, tốp 6 và giành quyền dự các kỳ World Cup 2045, giới chuyên môn đánh giá nếu chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định để nâng chất giải VĐQG cũng như các giải trẻ, đây là mục tiêu không phải bất khả thi.
Tuy nhiên, VFF và ngành thể thao phải đặc biệt quyết tâm và bền bỉ trong định hướng đầu tư bởi mức độ cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực cũng rất lớn.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/bong-da-nu-vao-world-cup-co-kha-thi-a137129.html