Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đặc biệt quan trọng, cấp bách

TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đặc biệt quan trọng, cấp bách. Dư nợ cho vay theo ESG đã đạt 3,2 triệu tỷ đồng tính đến tháng 9 năm nay.

Phát biểu tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 19/11, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết triển khai hoạt động ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tại ngành ngân hàng được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ.

Dư nợ cho vay theo ESG, tính đến tháng 9 đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,6% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Theo ông Tú, những con số trên cho thấy, ngân hàng rất coi trọng ESG, dù rằng đây là vấn đề mới, khó với khá nhiều doanh nghiệp non trẻ, doanh nghiệp đã phát triển với thói quen và mang đậm tính truyền thống. Trong hội nhập quốc tế, phát triển nhanh đồng thời phải đảm bảo 3 yếu tố ESG là xu thế không thể đảo ngược. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được hàng hóa không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà kể cả may mặc, giày da... sang các nước tiên tiến phải coi trọng có chứng chỉ về xanh, tăng trưởng bền vững.

“Tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội; giúp nâng cao uy tín, thương hiệu, minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội”, ông Đào Minh Tú nói.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đặc biệt quan trọng, cấp bách ảnh 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Lãnh đạo NHNN đề nghị đại diện các ngân hàng, tổ chức quốc tế dự hội thảo chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và đề xuất kiến nghị để góp phần thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Áp dụng ESG tăng trưởng xanh chỉ có thể đạt được sớm nếu ngân hàng nắn dòng vốn cho vay vào những lĩnh vực đúng định hướng; không thể chỉ cho vay xây nhà, phát triển bất động sản...

Đến nay, nhiều ngân hàng đã tích cực phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh, coi trọng ESG, hướng đến mục tiêu giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Agribank - cho hay, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến quý II năm nay. Tính đến tháng 6, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng.

BIDV trong năm 2023 phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Ngân hàng này cho vay 2 dự án lớn xanh tiêu biểu là sản xuất ô tô điện và phát triển năng lượng gió tại Quảng Trị.

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tính đến hết tháng 9, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023. Mức dư nợ này chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh.

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư - cho rằng phát triển bền vững vào năm 2023 và đạt Net Zero vào năm 2050 là hành trình đầy thách thức; vấn đề tài chính khí hậu là nỗi trăn trở lớn nhất. Thực tế đến nay, phát tiển tín dụng xanh còn gặp khó khăn, do chưa phân loại được rõ ràng doanh nghiệp “xanh”; dự án xanh để cho vay và phát triển. NHNN đang tiếp tục cải thiện, sửa đổi và cập nhật mới các quy định vào hệ thống chính sách để áp dụng ESG tốt nhất, phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh nhiều hơn.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/tang-truong-xanh-phat-trien-ben-vung-dac-biet-quan-trong-cap-bach-a137492.html