Nỗi niềm dạy học trên đảo

TP - Mỗi thầy cô giáo ở nơi đảo Thổ Chu xa xôi cách trở đều có một câu chuyện đời khó tin. Như ông giáo Đào Hữu Quốc, 53 tuổi, từng vừa làm thầy, vừa làm cha làm mẹ lũ trẻ. Và chuyện sau 30 năm bám đảo, nhưng thầy Quốc và nhiều thầy cô giáo vẫn chưa thể an cư.

Nơi xa ngái

Vợ chồng thầy Đào Hữu Quốc và cô Võ Thanh Kiều (và một số giáo viên khác) 30 năm bám đảo nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Văn Chương

Con đường từ đất liền ra đảo là cả một dặm trường, từ thành phố Rạch Giá đón tàu ra đảo Phú Quốc gần 100 km, sau đó chờ 5 ngày có một chuyến tàu để đi thêm 100 km nữa (khoảng 5 giờ) ra quần đảo Thổ Chu. Năm 1993, con tàu nhỏ chạy lạch xạch từ Phú Quốc ra tới quần đảo Thổ Chu đi mất 1 ngày. Năm ấy, 23 tuổi, thầy giáo dạy toán Đào Hữu Quốc, quê ở huyện đảo Phú Quốc, được người cha già là Đào Duy Sơn động viên ra đảo. Trên đảo lúc đó đã có 1 thầy giáo, 1 cán bộ y tế và bộ khung chính quyền mới thành lập.

Nỗi niềm dạy học trên đảo ảnh 2

Cô Hà Thị Kim Oanh nhận sách do Đồn Biên phòng Thổ Châu chuyển tặng. Ảnh: Văn Chương

Thầy Quốc hồi tưởng: “Lúc mới lên đảo, cổ còn quấn cái khăn rằn, mặc áo cầu thủ bóng chuyền. Trời ơi, một ngày không giặt quần áo và nhét trở lại túi xách, vì thấy là tình hình không ổn chút nào, cầu cảng không có, lính hải quân chạy đò ra chở, chắc sáng mai trở về thôi, vì học trò cũng chỉ chục em”.

Ông Nguyễn Thái Học, cán bộ xã Thổ Châu, thấy cậu giáo viên có vẻ lo ngại và quay lui, bèn động viên: “Em muốn về chứ gì, ở đây còn chú mà, cứ ở thêm vài tuần rồi về cũng không muộn gì”. Đại úy Đào Quốc Lâm, Trung đoàn trưởng 152, làm tư tưởng bằng cách kéo ngay ông giáo trẻ vào đội bóng chuyền. Vậy rồi thầy Quốc ở lại và sau này được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thổ Châu (kiêm hiệu phó Trường Tiểu học An Thới ở đảo Phú Quốc).

Vợ lính làm cô giáo

Điều kiện khắc nghiệt, nhưng ngoài đảo vẫn có nhiều cô giáo. Cô Hồ Thị Thủy, sinh năm 1970, quê ở xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cũng là giáo viên ở đảo. Cô kể, chồng là Đại úy Hà Văn Huy, công tác tại Tiểu đoàn 565 và sau đó được điều động ra quần đảo Thổ Chu và người vợ lính chấp nhận theo chồng để chia sẻ hơi ấm gia đình. Hằng ngày, vì thèm rau nên cô đi tìm từng vạt rau sam nhỏ mọc cằn cỗi trên nền đất vương vất mùi nước mặn. Bữa cơm nào có được tô canh rau sam đỏ là cảm thấy như được uống một liều thuốc bổ.

Cô giáo Võ Thanh Kiều, vợ thầy Quốc, theo chồng ra đảo dạy học từ năm 1995. Cô Kiều kể về ấn tượng đầu tiên ở đảo: “Thấy bà con tội lắm, ra chợ chỉ thấy tay chứ không thấy tiền đâu hết”. Có nghĩa là bà con ở trên xã đảo Thổ Châu đi chợ là mua chịu toàn bộ vì không có tiền, sau đó thì mới tìm cách xoay xở và trả tiền.

Cô Hà Thị Kim Oanh, quê ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, có chồng là Trung úy Bùi Trung Dũng, bộ đội đóng quân trên đảo. Vợ chồng cưới nhau năm 1991, đến tháng 4/1995, cô có mặt tại hòn đảo hiu hắt, vắng vẻ. Hành trình được cô kể lại là đi 4 ngày đêm từ Hải Phòng tới Kiên Giang, đi ra đảo Phú Quốc thời gian 7 giờ trên chiếc tàu gỗ nhưng vẫn chưa tới nơi, lại đón tàu đi tiếp 7 giờ nữa mới tới Thổ Chu.

Nhìn gần 60 học sinh da đen láng, cô chỉ có tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 nên xin dạy hợp đồng lớp 1 và không quên cậu học sinh Lê Văn Phận, 15 tuổi, vẫn ngồi học trong lớp. Năm tháng sau, cô trở lại đảo Phú Quốc để theo học chương trình Trung cấp sư phạm, đến năm 2001 tiếp tục đón 2 chặng tàu vào tận thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để học chương trình nâng cao Đại học Sư phạm.

Hồi ức 30 năm

Tôi đặt chân ra xã đảo Thổ Châu khi địa phương vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập xã đảo Thổ Châu, vì vậy đây là dịp nhiều người lắng đọng hồi ức. Cậu học trò nổi tiếng Huỳnh Bá Quen học đúp 7 năm lớp 1 vì suốt ngày đi đào củ mài về ăn, bây giờ cậu đã trở thành phụ huynh và gởi con cho các thầy cô giáo. Cậu học trò cá biệt Hồ Bảo Xuyên, học 3 năm chưa qua hết lớp 1 vì suốt ngày đi đánh bắt cá và hái rau rừng, bây giờ đã có con khôn lớn.

Các thầy cô giáo kể chuyện, thời đó cứ hết giờ dạy, thầy trò lại lên núi để tìm xem loại lá nào có thể ăn được thay rau, vì cây trên đảo rất nhiều nhưng rau thiếu trầm trọng, nhiều người bị phù nề do ăn thiếu rau xanh. Các thầy cô tìm được nhiều loại lá có thể ăn như: tai tượng, lá cắc, lá giang; món rau cao cấp nhất là mít rừng nấu canh cá.

Bà Đinh Thị Khuyển, vợ ông Huỳnh Văn Bình (Phó Chủ tịch HĐND đầu tiên của xã Thổ Châu), kể rằng, thời điểm đó, những đứa trẻ đen nhẻm mỗi khi thấy thầy Quốc trở về đảo, là ùa xuống, hốt sạch một đống bao đặt trên mũi ghe rồi khiêng về trường. Những chiếc bao thầy Quốc mang ra Thổ Chu bao gồm quần áo, mũ, dép, sách vở, đồ dùng học tập. Cứ vào bờ là thầy bắt đầu hành trình đi xin cho trò.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu đầu tiên, trở lại thăm đảo, kể về sự đóng góp của các thầy cô giáo, và giờ đây họ vẫn sống giữa trùng khơi xa xôi như ở Trường Sa. Điều ông Học băn khoăn là anh em giáo viên đã cống hiến 30 năm rồi, nhưng nơi định cư vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Đoàn đại biểu TPHCM chúc Tết sớm quân, dân đảo Thanh niên Thổ Chu
Đoàn đại biểu TPHCM chúc Tết sớm quân, dân đảo Thanh niên Thổ Chu
Tôi lặn cùng loài cá lớn nhất hành tinh tại đảo Thổ Chu
Tôi lặn cùng loài cá lớn nhất hành tinh tại đảo Thổ Chu

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/noi-niem-day-hoc-tren-dao-a137540.html