Sự lo lắng khi phải cân nhắc nên ăn gì vô tình khiến nhiều người chọn ăn những món cố định hằng ngày. Nhiều người chia sẻ về sự đồng nhất ở mỗi bữa ăn trên TikTok, chẳng hạn như giữ nguyên một món cho bữa trưa hay lặp lại một thực đơn hằng ngày.
"Tôi cố gắng tạo ra thói quen", người sáng tạo nội dung Bishoi Kella chia sẻ trong một video TikTok. "Tôi muốn tự động hóa việc này. Tôi không muốn phải suy nghĩ nhiều về các bữa ăn của mình".
Câu hỏi mỗi ngày: Ăn gì hôm nay?
Aubree Malick, một TikToker khác chia sẻ rằng những món trong bữa trưa hằng ngày của cô ấy giống nhau, chia sẻ trong một video: "Tôi không muốn phải đưa ra quyết định vào 12 giờ trưa, khi tôi đang làm việc tại nhà và đói".
Lựa chọn thực phẩm giống nhau hằng ngày không phải một khái niệm mới trong văn hóa đại chúng. Nhiều người nổi tiếng cũng từng gặp tình trạng tương tự.
Liệu những chuyên gia sức khỏe có khuyến khích điều này không, hay điều này sẽ mang lại hậu quả gì? Lý do vì sao họ lại chọn thực đơn lặp lại?
Lựa chọn dễ dàng hơn
Có nhiều lý do tại sao nhiều người tuân theo cùng một thực đơn lặp lại, có người do chi phí eo hẹp, có người lại không muốn dành nhiều thời gian suy nghĩ về những bữa ăn đa dạng, Laura Bishop - Simo, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học tiểu bang Ohio (Mỹ) chia sẻ với Health.
Nhu cầu đặc biệt
Việc tuân theo cùng một thực đơn hằng ngày có khi gắn liền với kế hoạch giảm cân.
"Nhiều người đang muốn giảm cân tin rằng việc tuân theo một thực đơn hằng ngày giúp họ kiểm soát lượng calories nạp vào cơ thể dễ dàng hơn, bởi họ biết nên ăn gì hằng ngày để kiểm soát lượng calories nhất định nạp vào cơ thể", Deborah Cohen - phó giáo sư khoa khoa học dinh dưỡng lâm sàng và phòng ngừa tại Trường Y tế, Đại học Rutgers chia sẻ.
Lặp lại thực đơn liên tục có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Việc ăn cùng loại thực phẩm mỗi ngày có thể thuận tiện hơn, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng điều này không hẳn là tốt cho sức khỏe.
"Ăn những loại thực phẩm giống nhau liên tục có thể không tốt cho hệ vi sinh đường ruột", phó giáo sư Cohen nói. Việc thiếu đa dạng trong bữa ăn cũng làm tăng nguy cơ thiếu hụt dưỡng chất quan trọng, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như thiếu máu, loãng xương. Đa dạng hóa thực phẩm là cách tốt nhất để đảm bảo nhận đủ dinh dưỡng cần thiết.
Mặt khác, ăn những món ăn giống nhau hằng ngày cũng làm tăng khả năng bỏ lỡ những chất dinh dưỡng thiết yếu. "Những loại thực phẩm khác nhau mang đến những chất dinh dưỡng khác nhau, việc lặp lại những món ăn hằng ngày có thể khiến bạn không nhận được những chất dinh dưỡng cần thiết", phó giáo sư Cohen chia sẻ.
Điều đó làm tăng nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe như thiếu máu, loãng xương, tùy thuộc vào chế độ ăn uống của bạn.
Ngay cả khi những món bạn thường ăn hằng ngày có đầy đủ vitamin và khoáng chất, việc lặp lại sẽ không cung cấp đầy đủ sự đa dạng dinh dưỡng cần thiết. Không có một siêu thực phẩm nào hoàn hảo.
Một số thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng và chứa nhiều chất phytochemical, chất chống oxy hóa, nhưng một số thì không. Ngay cả những người ăn theo chế độ lành mạnh nhất cũng không nhất thiết phải tiêu thụ tất cả các vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất xơ và chất phytochemical để có sức khỏe tốt hằng ngày.
Sự đang dạng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày là một cách để đảm bảo bạn có đủ chất dinh dưỡng tối ưu.
Có gây ra ảnh hưởng tâm lý không?
Việc ăn những món giống nhau mỗi ngày không chỉ gây ra cảm giác nhàm chán mà còn có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm lý, theo Gail Saltz, MD, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện NY Presbyterian và Trường Y Weill-Cornell, Mỹ.
Bà cho biết, việc liên tục chọn các bữa ăn giống nhau có thể là triệu chứng của "rối loạn ăn uống," khác với rối loạn ăn uống thực sự. Rối loạn này thường gây ra các vấn đề tâm lý và có nguy cơ phát triển thành rối loạn ăn uống nghiêm trọng.
Giáo sư Saltz chia sẻ: Điều này thường gây căng thẳng vì phải tuân theo một quy tắc nghiêm ngặt, khiến người đó không thể tham gia các hoạt động xã hội bình thường như ăn uống cùng người khác vì họ phải phá vỡ quy tắc của mình.
Không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc rối loạn ăn uống nếu bạn thích ăn cùng một món mỗi ngày. Một số người thấy thói quen này thuận tiện khi họ có lịch trình bận rộn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận biết các dấu hiệu cho thấy thói quen này có thể không lành mạnh, chẳng hạn như cảm thấy căng thẳng, sợ hãi hoặc lo lắng về các món ăn ngoài thực đơn quen thuộc của bạn.
"Khi nói đến dấu hiệu của rối loạn ăn uống, chúng ta thường xem xét mức độ linh hoạt của hành vi này và mức độ sợ hãi khi phải thay đổi thói quen", bà nói.
Chuyên gia có khuyến khích chế độ ăn lặp lại?
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến khích kết hợp chế độ ăn uống ngay cả khi bạn phải ăn cùng một bữa ăn trong một tuần và thử món mới vào tuần sau. Nhưng họ cũng nhận ra rằng sự thuận tiện rất quan trọng, đặc biệt với những người bận rộn.
Đối với những người gặp khó khăn trong việc duy trì chế độ ăn đa dạng và lành mạnh, chuyên gia Bishop-Simo khuyên nên lên thực đơn cụ thể. "Hãy dành một ngày trong tuần để lên kế hoạch cho các bữa ăn", cô khuyên. Sau đó, mua nguyên liệu để tránh căng thẳng khi nấu ăn vào phút cuối.
Với những người bận rộn, cô gợi ý chọn một bữa ăn trong ngày để tăng thêm đa dạng, chẳng hạn như thay đổi rau hoặc nguồn protein, và nhấn mạnh rằng nếu bạn cảm thấy đã nhận đủ dưỡng chất, việc ăn giống nhau hằng ngày tạm thời không sao, nhưng hãy cố gắng thay đổi khi có thể.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/lap-lai-thuc-don-hang-ngay-co-phai-la-thoi-quen-xau-a137572.html