Ngày 18/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Theo đó, mục tiêu là bảo tồn, xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 Quảng Nam sẽ phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tổng sản lượng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 05 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này.
Quảng Nam cũng sẽ nâng cấp 02 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh và Trại sâm Tắk-Ngo có quy mô sản xuất đạt từ 300.000 - 500.000 cây giống/năm để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Hình thành từ 30 - 50 vườn sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; sản xuất từ 05 - 10 triệu cây giống sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi/năm, kể cả nguồn cây giống do 02 đơn vị bảo tồn sản xuất.
Đến năm 2035, địa phương này đặt mục tiêu phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt 10.000ha, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu.
Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP-WHO (khoảng 35 - 40% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Để thực hiện đạt mục tiêu nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đưa ra các giải pháp cụ thể như tập trung rà soát, triển khai thực hiện tốt quy hoạch, đề án, dự án và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng vùng sâm; chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về phát triển và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; hình thành công nghiệp dược liệu, công nghiệp sâm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.
Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hằng năm về công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/quang-nam-muon-trong-10000ha-ngoc-linh-a137679.html