Quảng Nam hỗ trợ 100 triệu đồng giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao

TPO - Để thu hút và giữ chân giáo viên đến công tác tại 6 huyện miền núi cao, Quảng Nam sẽ hỗ trợ mức từ 50 - 100 triệu đồng/ người. Ngoài ra hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng mức từ 1,2 – 1,8 triệu đồng/người

Quảng Nam hỗ trợ 100 triệu đồng giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao ảnh 1

Cô trò Trường PTDTBT Vừ A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Ngày 20/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa ký công văn đăng ký danh mục nội dung trình tại kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh khóa X (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024).

Trong số có 36 danh mục nội dung UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 28, có nội dung trình đề án để HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với viên chức giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao giai đoạn 2025-2026.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua tỉnh chỉ đạo, giám sát các chính sách triển khai thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời, chế độ, chính sách đối với viên chức ngành giáo dục được các cơ quan, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói riêng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, hiện đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng hiện công tác ở các huyện miền núi của tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao.

Thực trạng những năm gần đây cho thấy việc thu hút sinh viên sư phạm đăng ký dự tuyển về địa bàn các huyện miền núi cao gặp nhiều khó khăn.

Thống kê từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ viên chức trúng tuyển trung bình chung các kỳ tuyển dụng tại các huyện miền núi cao của tỉnh chỉ đạt khoảng hơn 50%. Một số trường hợp đã trúng tuyển nhưng không đến nhận công tác. Một bộ phận viên chức có gia đình ở xa nên tư tưởng chưa ổn định, có nguyện vọng đoàn tụ gia đình.

Từ năm 2019 đến nay có khoảng hơn 530 viên chức của ngành Giáo dục chuyển công tác ra khỏi các huyện miền núi cao của tỉnh. Ngoài ra, có hơn 90 viên chức công tác tại các trường thuộc địa bàn các huyện miền núi cao đã xin nghỉ thôi việc.

Bên cạnh đó, phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐCP chỉ áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng) nên việc giữ chân đội ngũ viên chức đã hết thời gian hưởng phụ cấp thu hút gặp khó khăn.

Từ thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án hỗ trợ đối với viên chức giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao giai đoạn 2025-2026.

Theo dự thảo nghị quyết, tỉnh Quảng Nam dự tính hỗ trợ lần đầu cho giáo viên khi nhận công tác và hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng. Các huyện miền núi cao thực hiện trong dự thảo nghị quyết gồm Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn.

Mức hỗ trợ cụ thể đối với viên chức lần đầu đến công tác tại các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn là 100 triệu đồng/người; tại các xã khu vực II là 75 triệu đồng/người; tại các xã khu vực I là 50 triệu đồng/người.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam dự tính hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn; 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực II; 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực I.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Tài chính về việc xây dựng chính sách nói trên.

Theo ý kiến phản hồi thì việc ban hành nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, nếu cân đối được ngân sách thì tỉnh có thể thực hiện, riêng ngân sách trung ương không hỗ trợ.

Còn theo Bộ GD&ĐT, việc địa phương ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ viên chức giáo viên là cần thiết, đặc biệt là đội ngũ viên chức giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm góp phần ổn định lâu dài đội ngũ viên chức, nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương. Các chính sách này cũng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/quang-nam-ho-tro-100-trieu-dong-giao-vien-cong-tac-o-cac-huyen-mien-nui-cao-a138162.html