Chia sẻ tại toạ đàm “Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt”, ông Trần Kiên Dũng, Chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam, cho rằng trong giai đoạn vừa qua có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nhưng cũng rất nhiều trường hợp thất bại.
Trong đó, 80% các doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số là do quyết định hơi vội vàng khi chưa có một chiến lược, lộ trình phù hợp. Bên cạnh yếu tố về chiến lược, lộ trình thì các vấn đề như năng lực nội tại của các doanh nghiệp, công nghệ, nguồn lực con người, tài chính… còn rất hạn chế.
VẪN NHIỀU QUAN ĐIỂM NGHĨ SỐ HOÁ LÀ CÂU CHUYỆN RẤT XA VỜI
Để chuyển đổi số thành công, các giải pháp về công nghệ phải phù hợp và không có một đơn vị nào chuyển đổi số mà không cần tài chính. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, con người vẫn luôn là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. "Chúng ta cần phải có những con người đủ năng lực, được đào tạo, tâm huyết với doanh nghiệp và hiểu về chuyển đổi số… đó sẽ là những yếu tố thành công", ông Dũng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi: các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh hay chưa? Ông Dũng chia sẻ một câu chuyện có thật, khi làm việc với một doanh nghiệp và ông đưa đề xuất chuyển đổi số. Nhưng doanh nghiệp này cho rằng họ vẫn chưa phù hợp cho việc này.
“Ở góc nhìn của tôi, có lẽ chúng ta sẽ phải xem lại định nghĩa thế nào được gọi là chuyển đổi số. Một doanh nghiệp đang độ quản lý theo cách truyền thống, thủ công, nếu ngay lập tức áp dụng các thiết bị chuyển đổi số mà chưa có nền tảng quản trị tốt, chưa có nhân sự tốt thì đúng là hoàn toàn không phù hợp”, ông Dũng nói.
Rất nhiều người hiện vẫn quan điểm rằng chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ cả mô hình kinh doanh, số hóa toàn bộ mô hình kinh doanh, đưa ra một mô hình kinh doanh mới, đưa ra một phương thức sản xuất mới, mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Song để làm được việc đó, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, rất dài.
Chúng ta cần hiểu, thực tế của chuyển đổi số là một lộ trình. Chuyển đổi số có thể bắt đầu từ việc số hóa các dữ liệu. Sau đó, số hóa các quá trình sản xuất, các quá trình quản trị, vận hành, rồi mới bắt đầu quan tâm đến thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp… Chúng ta có thể bắt tay ngay vào lộ trình này.
Mặc dù vậy, theo ông Dũng, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là chưa nghĩ đến điều này. Họ vẫn tưởng tượng chuyển đổi số của doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất là một câu chuyện rất xa vời, là tự động hoá toàn bộ nhà máy, một nhà máy không có ánh sáng, thậm chí không có nhiều người, chỉ cần một vài người ngồi ở đâu đó trước màn hình máy tính có thể vận hành được cả nhà máy… Đây là một suy nghĩ viển vông.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp tiên tiến Việt Nam đã chuyển đổi số thành công. Còn những doanh nghiệp chậm chân hơn, không bắt kịp được nhịp của sự phát triển này thì giống như khi ra chiến trường, một chiến binh với vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm đấu với cả một binh đoàn tinh nhuệ… Khi ấy, phần thắng - thua có thể nhìn thấy rất rõ.
“Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những suy nghĩ lại. Dù cẩn trọng nhưng cũng nên hướng tới việc bắt tay ngay vào con đường chuyển đổi số này”, ông Dũng khuyến nghị.
CUNG CẤP “CON CÁ” HAY “CẦN CÂU”
Đồng tình rằng chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, song theo ông Dũng, những doanh nghiệp nào càng bắt tay nhanh vào con đường này, thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. Bởi giai đoạn trước kia là “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng trong thời đại VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ), đôi khi cá nhanh lại có khả năng chiến thắng cá chậm, chỉ cần bước trước một bước nhưng lợi thế cạnh tranh tạo ra sẽ rất lớn.
Vì vậy, ông Dũng đưa lời khuyên với doanh nghiệp, đó là hãy ngay lập tức nghĩ đến con đường chuyển đổi số trước mặt và đâu sẽ điểm bắt đầu của doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp phải hình dung được bức tranh tổng thể trong tương lai của mình sẽ như thế nào trong lĩnh vực mình đang hoạt động. Tìm hiểu doanh nghiệp nào đã thành công và để thành công được thì phương thức của doanh nghiệp đó là gì? Đâu là những yếu tố thành công và đâu là những yếu tố thất bại của các doanh nghiệp…
Sau khi nhìn được bức tranh tổng thể và con đường dài hạn, cần xây dựng chiến lược phù hợp với các giai đoạn, với các mục tiêu cho từng giai đoạn và với các giải pháp cho từng giai đoạn phù hợp, sau đó mới bước những bước đi đầu tiên.
Bên cạnh sự táo bạo của doanh nghiệp là cơ chế chính sách, tạo đòn bẩy cho chuyển đổi số. Theo ông Dũng, các chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp của Bộ Công Thương đã triển khai mang lại khá nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần cân nhắc tới việc chúng ta cung cấp “con cá” hay cung cấp “cần câu”. Một giải pháp tốt, một định hướng tốt và những chương trình đào tạo là những giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, những hoạt động hỗ trợ đôi khi vẫn chỉ nằm rải rác ở các doanh nghiệp, mà chúng ta chưa có một nền tảng để tất cả mọi người có thể bước chân vào đó, để nhìn thấy những bài học thành công và thất bại của nhau, để từ đó rút ra kinh nghiệm, những bài học riêng cho mình. Do đó, chúng ta cần những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này.
“Nếu như có một đơn vị đứng ra tổ chức là một nhóm, một hiệp hội nào đó để các doanh nghiệp có thể cùng bắt tay nhau, cùng phát triển thì sẽ tạo nên sức lan tỏa rất lớn và mang lại giá trị cho tất cả các bên”, ông Dũng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/80-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-that-bai-do-voi-vang-a139366.html