Chính phủ đã 14 lần (Ảnh minh họa) Cụ thể, cử tri viện dẫn theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; cùng với đó là Thông tư số 162/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 151/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng cho biết, việc quy định về mức hưởng trợ cấp đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 142 nêu trên đã được các bộ, ngành nghiên cứu, cân nhắc kỹ, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho chủ trương. Thủ tướng cũng đã ban hành quyết định thực hiện chế độ, chính sách; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng bảo đảm ngân sách nhà nước; đồng thời, cân đối chung với mức hưởng của các nhóm đối tượng khác tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã ban hành. Mặt khác, Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, căn cứ tình hình thực tế, từ năm 2009 đến nay, Chính phủ đã 14 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng (trong đó, có đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg). “Đây là sự quan tâm, cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước ta trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay”, Bộ Quốc phòng nêu rõ. Vì vậy, việc nâng mức hưởng trợ cấp đối với các đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng quy định tại Quyết định số 142 sẽ được điều chỉnh cùng với quá trình điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của Chính phủ. Về Thông tư số 162, theo Bộ Quốc phòng, nội dung nêu trên, cử tri phản ánh còn chung chung, chưa rõ nên chưa có cơ sở trả lời cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Quốc phòng đang tiến hành tổ chức tổng kết thi hành Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện để nghiên cứu, đề xuất cho phù hợp. Đề xuất chế độ, chính sách phù hợp Cử tri tỉnh Hải Dương cũng phản ánh kiến nghị, thể hiện sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ sĩ quan quân đội, nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo lực lượng quân đội nhân dân... Bên cạnh đó, cử tri mong muốn bổ sung thêm các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong đó có chính sách về tiền lương và phụ cấp; nhà ở; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; tăng tuổi nghỉ hưu; trợ cấp ngành nghề có tính chất đặc thù... Các chính sách này góp phần ổn định hậu phương gia đình, động viên bộ đội khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Vấn đề cử tri mong muốn bổ sung thêm các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng khẳng định, sẽ tiếp thu và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các nội dung quy định tại Luật Sĩ quan sửa đổi. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất Chính phủ ban hành chế độ, chính sách phù hợp với chủ trương cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và điều kiện kinh tế của đất nước.
Link nội dung:
https://doanhnghiepvaphattrien.com/bo-quoc-phong-phan-hoi-kien-nghi-bo-sung-chinh-sach-dai-ngo-voi-luc-luong-quan-doi-a144980.html