Sức sống mới cho ngành nuôi thủy sản ven sông Hồng sau cơn bão lũ

Sau cơn bão lũ, ngành nuôi thủy sản vùng ven sông Hồng ở một địa phương của tỉnh Hà Nam đã dần khôi phục, hứa hẹn mang lại “trái ngọt” cho người dân.

Xã Trần Hưng Đạo (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nằm dọc tuyến đê sông Hồng có lợi thế phát triển ngành nuôi thủy sản với hơn 30 ha đầm và khoảng 80 lồng nuôi cá trên sông.

Đây là vùng sản xuất trọng điểm, được đầu tư mạnh theo hướng thâm canh, chuyên canh, với nhiều loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao, như: cá trắm đen, chép lai, diêu hồng, lăng, ngạnh…

Diện tích nuôi thủy sản ngoài đê chỉ bằng gần 30% so với tổng diện tích mặt nước của xã, nhưng sản lượng và giá trị chiếm đến hơn 50%.

Tuy nhiên, vùng nuôi thủy sản ngoài đê sông Hồng của xã vừa chịu ảnh hưởng nặng từ đợt lũ lên trên báo động 3 (đầu tháng 9/2024), các cơ sở, hộ nuôi đang nỗ lực khôi phục và phát triển trở lại.

Sức sống mới cho ngành nuôi thủy sản ven sông Hồng sau cơn bão lũ- Ảnh 1.

Nuôi thủy sản được khôi phục tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng (xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân). Ảnh: Báo Hà Nam

Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng có 18 ha mặt nước nuôi thủy sản tại vùng bãi, gồm: 15 ha nuôi chuyên canh cá trắm đen và 4 bể nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao" nuôi cá diêu hồng và chép Koi trên diện tích 3 ha.

Khi nước lũ sông Hồng lên trên báo động 3, toàn bộ diện tích sản xuất ngập sâu hơn 4 m, làm phần lớn trong tổng số gần 300 tấn cá các loại đều bị mất, môi trường ao nuôi bị ảnh hưởng.

Sau khi nước lũ rút, đơn vị triển khai các biện pháp khôi phục lại sản xuất. Toàn bộ diện tích nuôi được bơm nước, dọn vệ sinh; phân loại riêng từng giống cá còn lại sau khi bị lẫn do ngập; sử dụng men vi sinh và thuốc sát trùng cải tạo nguồn nước, phòng chống dịch bệnh tồn dư sau lũ.

Việc nhập cá giống mới về nuôi được triển khai sớm, bảo đảm chất lượng. Doanh nghiệp đã nhập về trên 13 vạn con giống cá trắm đen, trọng lượng 30-50 con/kgi. Hiện, trên 80% diện tích ao nuôi đã được khôi phục và hoạt động trở lại.

Anh Phạm Văn Đông, phụ trách khu nuôi thủy sản của Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng, cho biết: Sản xuất hiện nay đang dần ổn định, đơn vị dự tính 4 bể nuôi theo công nghệ "sông trong ao" sẽ hoạt động trở lại trong khoảng tháng 3/2025. Với tình hình sản xuất như hiện nay, khoảng cuối năm 2025, khả năng sẽ có sản phẩm cá các loại xuất bán tập trung.

Thời điểm này, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã cũng đang trong quá trình khôi phục và phát triển sản xuất trở lại.

Ông Phạm Văn Đàm có tổng số 60 lồng trên sông nuôi các loại cá, như: diêu hồng, lăng, ngạnh, chép lai… do ảnh hưởng của lũ, bão, phần lớn lồng nuôi bị trôi, rách lưới, xô lệch.

Để phục hồi sản xuất, ông Đàm đã sắp xếp tu sửa lại những lồng bị ảnh hưởng nhẹ, xử lý neo buộc chắc chắn, đồng thời vay thêm vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng nhập lại lượng cá giống và thức ăn để trước mắt nuôi trở lại 15 lồng cá, bằng 25% số lượng trước đây.

Do lượng lồng nuôi chưa nhiều, ông Đàm tập trung chính vào nuôi cá lăng (chiếm 70%), còn lại là cá ngạnh và diêu hồng.

Ông Phạm Văn Đàm chia sẻ: Nuôi cá lồng trên sông Hồng đã được gia đình duy trì hơn 10 năm và trở thành hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Sau lũ, gia đình khắc phục khó khăn tiếp tục duy trì sản xuất. Thời gian tới, số lượng lồng nuôi cá còn lại sẽ tiếp tục được khôi phục dần, bảo đảm ngang bằng số lượng lồng nuôi so với thời gian trước lũ.

Để hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản vùng ven sông Hồng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất trở lại, xã Trần Hưng Đạo đã vận động người dân trên địa bàn tham gia giúp đỡ dọn vệ sinh ao nuôi sau lũ.

Đồng thời, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng đầu tư khôi phục sản xuất; phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện, tỉnh hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.

Ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Trần Hưng Đạo, cho biết: Hơn 3 tháng sau lũ, bão, sản xuất thủy sản vùng ven sông Hồng của xã được khôi phục khoảng trên 80% diện tích. Với tiến độ như hiện tại, đến cuối năm 2025, sản lượng và giá trị thủy sản của xã sẽ đạt được như giai đoạn trước lũ, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế tại địa phương.

Nuôi thủy sản vùng ven sông Hồng của xã Trần Hưng Đạo có nhiều lợi thế phát triển, đã được chứng minh trong quá trình sản xuất thời gian qua. Người dân nơi đây đã có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật giúp thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển sản xuất trở lại.

Để sản xuất thủy sản vùng ven sông Hồng thực sự phát huy hiệu quả, cùng với tăng cường đầu tư về mọi mặt, người dân cũng cần có sự chủ động hơn trong việc phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, bão, lũ gây ra.

Theo Báo Hà Nam

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Quảng Ninh: Xử phạt hơn 270 trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sảnQuảng Ninh: Xử phạt hơn 270 trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/suc-song-moi-cho-nganh-nuoi-thuy-san-ven-song-hong-sau-con-bao-lu-a146155.html