Khó khăn nguyên liệu đầu vào, giá cả, đầu ra...
Cung ứng các dòng sản phẩm xoay quanh ba nguyên liệu chính là tre, cỏ bàng, cỏ nến với các mặt hàng tiêu dùng và thời trang, anh Nguyễn Hoàng An Khương (26 tuổi, giám đốc Công ty TNHH The Greenmart Vietnam) hướng đến nhóm khách hàng chính là doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức định hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Theo anh Khương, ngoài những thuận lợi, doanh nghiệp xanh gặp không ít khó khăn. Chi phí cho nguyên liệu cao.
Vì chúng là sản phẩm tự nhiên nên tỉ lệ hao hụt lớn, nguyên liệu không đồng nhất về chất lượng, bắt buộc thêm nhiều công đoạn lựa chọn, kiểm soát đầu vào cũng dẫn đến chi phí nhân công tăng.
Các yếu tố này khiến giá thành tương đối cao so với nhiều sản phẩm nhựa đã có trên thị trường.
Một số sản phẩm sản xuất thủ công, không đáp ứng số lượng nhiều trong thời gian ngắn.
"Với doanh nghiệp xanh vừa và nhỏ, khó khăn lớn nhất là chưa xây dựng được quy trình sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại, thiếu máy móc, công nghệ nhằm gia tăng sản lượng, giúp giảm giá thành, dễ dàng cạnh tranh hơn so với các sản phẩm khác và nhựa", anh cho biết.
Theo anh Khương, nước ta đã có kế hoạch cấm sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần từ sau 31-12-2030. Thời điểm đó còn khá dài, thị trường vẫn duy trì đa dạng các sản phẩm từ nhựa.
Và các nhóm khách hàng khác nhau, sẽ có nhóm ưu tiên lựa chọn giá rẻ, và nhóm sẵn sàng chi cao hơn cho sản phẩm xanh nhưng thực tế còn ít.
Gắn bó ngành bao bì 20 năm nay, từ năm 2021 chị Liêu Ngọc Minh Tuyến (giám đốc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát) bắt đầu chuyển đổi sản xuất thêm bao bì phân hủy sinh học và bao bì từ nhựa tái chế.
"Bao bì nhựa thải ra môi trường rất độc hại, khó phân hủy. Để chuyển đổi sản xuất bao bì thân thiện môi trường không phải là câu chuyện đơn giản. Thời điểm đó có vài đơn vị cũng sản xuất nhưng khó tiêu thụ", chị kể.
Bao bì phân hủy có nguyên liệu sinh học như bột mì, sẽ phân hủy sau sáu tháng đến hai năm. Qua nhiều lần thử nghiệm, tìm tòi, sửa đổi mẫu mã, cách làm, lô hàng đầu tiên gần cả tấn bao bì phân hủy ra đời, chị vừa thỏa đam mê vừa tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến, khó tiêu thụ nên công ty quyết định đem tặng. Chị tổ chức thành điểm bán hàng bình ổn, dùng túi phân hủy này cho khách đựng rau củ.
"Chúng tôi phát hiện điều đặc biệt là túi có thể giữ tươi rau củ trong vòng hai tuần. Tôi vui lắm. Nhưng để mọi người chuyển sang mua và dùng loại bao bì này không dễ, do thói quen dùng ni lông và vấn đề giá cả...", chị kể.
Túi phân hủy từ tinh bột có giá "làm quen" 95.000 đồng/kg theo kiểu lấy công làm lời, nhưng như vậy cũng gấp 2 - 3 lần so với túi ni lông.
Chị phát triển thêm dòng bao bì tái chế. Nguyên liệu tái chế sẽ mắc hơn nhựa nguyên sinh 5 - 10%. Từ tâm huyết giữ gìn môi trường, chị kết hợp với hội phụ nữ một số quận huyện, như huyện Hóc Môn (nơi đặt trụ sở công ty) để tuyên truyền, làm các chương trình đổi rác (túi ni lông, pin, giấy...) lấy quà và túi tái chế.
Công ty cũng tham gia hội chợ, ngày hội sống xanh... nhằm tăng tiếp cận sản phẩm, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của cộng đồng.
Khó khăn lớn của việc sản xuất bao bì tái chế là nguồn nguyên liệu đầu vào, giá bán, tìm đầu ra. Nguyên liệu đầu vào phải đạt chuẩn, có chứng từ, xuất xứ từ các công ty thu mua lớn, qua máy móc xử lý, phân loại, phân màu...
Dù giá bán tương đương túi nhựa nguyên thủy nhưng vẫn không dễ tiếp cận khách hàng. Chưa kể họ thường có thói quen mua trên các trang thương mại điện tử, giá rẻ hơn.
Những tín hiệu vui, mưa dầm thấm lâu
So với thời điểm mới sản xuất, chị Tuyến cho biết người dân đã quan tâm hơn. Nhiều công ty tham gia sản xuất hơn.
Mỗi tháng chị cung ứng khoảng 3 tấn bao bì tái chế cho khoảng 20 đơn vị, chủ yếu là các công ty may mặc nước ngoài và một số đơn vị bán trên nền tảng Amazon.
Số lượng bao bì thân thiện môi trường công ty chị làm ra tăng 15 - 20% và kỳ vọng lên 30%. "Có những tín hiệu khả quan. Có những đơn vị mà chúng tôi mời dùng thử, họ đã đồng ý chuyển sang dùng loại này", chị nói.
Theo hướng tích cực, anh Khương cho rằng việc có sự cạnh tranh giữa sản phẩm nhựa và sản phẩm xanh thúc đẩy doanh nghiệp xanh bắt buộc nỗ lực giảm giá bán bằng việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, thêm nhiều công nghệ hiện đại.
Anh bày tỏ: "Cùng với các chính sách hỗ trợ ngày càng nhiều, tôi tin chắc rằng thị trường sản phẩm xanh ngày càng mở rộng.
Các doanh nghiệp xanh không nên quá bi quan mà nên chủ động tiếp cận các chính sách, hoàn thiện tối ưu hóa các quy trình sản xuất và sản phẩm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường trong tương lai".
Về mặt chính sách, anh cho rằng hiện tại có khá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh. Tương tự, chị Tuyến nhận thấy những năm qua Nhà nước, truyền thông đã chung tay cùng các doanh nghiệp tuyên truyền tác hại rác thải nhựa, chống
Trong khi đó, nhiều người vẫn quen sử dụng đồ nhựa xài một lần. Đây là hình ảnh một bạn "sưu tầm" muỗng và ống hút nhựa chỉ sau thời gian vài tháng mua thức ăn - Ảnh: TRÚC QUYÊN
Anh đề xuất xây dựng các hiệp hội dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực xanh để hỗ trợ nhau và có sự tham gia, đồng hành từ các cơ quan, tổ chức chuyên môn.
Còn theo chị Tuyến, để người dân nâng cao ý thức dùng các loại bao bì thân thiện môi trường cần sự chung tay từ nhiều phía. "Tôi nghĩ các chương trình hội nghị, hội thảo của các công ty, các quận huyện... có thể đề nghị bao bì sử dụng trong chương trình là từ túi tái chế.
Chúng ta nên gửi những thông điệp rõ ràng, bền bỉ. Vừa tuyên truyền vừa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào những chương trình như vậy nhằm nâng cao ý thức giảm rác thải nhựa", chị đề xuất.
Chị Liêu Ngọc Minh Tuyến cho biết Nhà nước có chính sách gắn nhãn sinh thái cho các doanh nghiệp sản xuất thân thiện môi trường, theo đó sẽ được miễn giảm thuế.
"Nhưng rất ít doanh nghiệp nhận nhãn xanh này. Dù sản xuất bao bì thân thiện mấy năm nay nhưng do thủ tục vướng, chưa đạt nhãn. Và doanh nghiệp mua bao bì thân thiện môi trường cũng vẫn chịu đóng thuế môi trường.
Đây là một trong những trăn trở của chúng tôi. Hy vọng sau này có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh để doanh nghiệp tự tin theo đuổi", chị cho biết.
-----------------------------
Việt Nam là một trong những quốc gia ô nhiễm nhựa nhất thế giới và đang đối mặt với bài toán môi trường cấp bách. Từ kinh nghiệm của một số nước phát triển, chúng ta có thể tìm thấy những gợi ý hữu ích để xây dựng chiến lược quản lý rác thải nhựa bền vững.
Kỳ tới: Xử lý rác thải nhựa - Kinh nghiệm các nước phát triển
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/kinh-hoang-rac-nhua-ngap-tran-ky-7-noi-niem-doanh-nghiep-xanh-a147326.html