Dù chính quyền địa phương và các nhà trường đã tổ chức nhiều buổi ký cam kết không sử dụng, tàng trữ, mua bán
Phiên tòa giả định, công an tuyên truyền cho học sinh về sự nguy hiểm của pháo nổ - Ảnh: D.HÒA
Phiên tòa giả định để giáo dục, răn đe
Phiên tòa giả định xử sơ thẩm vụ án hình sự với bị cáo là một học sinh THPT bị bắt giữ vì hành vi sản xuất pháo nổ được tổ chức tại Trường THPT Nam Đàn 1 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) với sự phối hợp của các đơn vị công an, tòa án thu hút sự quan tâm của học sinh và phụ huynh.
Theo cáo trạng giả định, do nhu cầu nổ pháo vào dịp Tết Nguyên đán nên học sinh này dùng điện thoại di động không gắn thẻ sim vào trang mạng để xem hướng dẫn cách sản xuất pháo và tự mua nguyên liệu để sản xuất pháo tại nhà.
Sau đó, cũng qua mạng xã hội, nam sinh trên đã hẹn với một người khác trong huyện để giao dịch số pháo trên với giá 1,5 triệu đồng. Trong quá trình giao dịch, lực lượng công an đã bắt giữ và thu toàn bộ tang vật có liên quan.
Tại phiên tòa, nam sinh trên đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình cũng như nhận ra những sai lầm của mình do thiếu hiểu biết về pháp luật...
Với nội dung, hình thức sinh động, tình tiết sát với thực tiễn, phiên tòa giả định như một bài học thiết thực giúp học sinh toàn trường thấy được mối nguy hại của việc tự ý sản xuất, sử dụng và buôn bán pháo nổ.
Qua đó cũng giúp học sinh hình thành ý thức chấp hành pháp luật và các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống nhằm xử lý, ứng phó với các tình huống nguy hiểm, các mối đe dọa từ các loại tội phạm và vi phạm pháp luật gây ra.
"Ngay sau phiên tòa này, nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống pháo nổ và ký cam kết giữa hơn 1.600 học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên cùng các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường với lãnh đạo trường, Công an huyện về phòng chống pháo nổ" - ông Trần Nghĩa Công, hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1, nói.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An - cho rằng ngoài sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm quản lý, giáo dục con em mình để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo pháo nổ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lương Thế Lộc - trưởng Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An - cho biết trong năm 2024 lực lượng công an toàn tỉnh phát hiện bắt giữ 815 vụ, 1.000 nghi phạm và thu giữ hơn 12 tấn pháo.
Phương thức hoạt động mua bán, tàng trữ, sản xuất pháo chuyển lên không gian mạng qua các tài khoản ảo, nhóm kín rất tinh vi. Một số khác lợi dụng vào trang thương mại điện tử mua chế phẩm, tiền chất chế tạo pháo.
Đáng lưu ý, trong đó nhiều em học sinh vi phạm pháp luật về chế tạo pháo chủ yếu ở độ tuổi 13 - 16 khi thiếu sự giám sát của phụ huynh và việc nhận thức còn chưa đầy đủ về tác hại cũng như nguy cơ của việc chế tạo, sử dụng pháo nổ.
Theo đại tá Lộc, với tâm lý hiếu kỳ, thích thể hiện cùng với những clip hướng dẫn cách chế tạo pháo tràn lan trên mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên, học sinh đã tìm hiểu và mua vật liệu về cất giấu rồi tự chế thành pháo nổ. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn thương tâm, nguy hiểm cho bản thân các em và những người xung quanh.
"Ngoài chế tài xử lý nghiêm của cơ quan chức năng, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm quản lý giáo dục, giám sát các em, nhất là việc các em sử dụng điện thoại vào những việc gì.
Công khai người vi phạm pháo nổ về đơn vị, trường học
Trong kế hoạch phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về pháo, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu ngành chức năng giám sát, quản lý tình trạng thanh thiếu niên, học sinh sinh viên có biểu hiện tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo và nguyên liệu để chế tạo pháo.
Các hội, nhóm, tài khoản, trang thương mại điện tử trên không gian mạng có dấu hiệu hướng dẫn chế tạo, sản xuất, mua bán trái phép pháo, thuốc pháo và nguyên liệu để chế tạo pháo. Rà soát, lập danh sách, thông báo công khai những trường hợp vi phạm về pháo nổ đến các trường học, cơ quan, đơn vị công tác, chính quyền nơi cư trú và các phương tiện truyền thông.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/hoc-sinh-tu-che-phao-no-ngan-chan-the-nao-a147938.html