TP. Hồ Chí Minh: Hơn 13.500 tỷ đồng cho vay bình ổn giá với lãi suất bình quân từ 4,3%/năm

Với tổng doanh số cho vay đạt hơn 13.500 tỷ đồng cùng lãi suất thấp, chương trình bình ổn thị trường của các tổ chức tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2024 đã hỗ trợ 37 doanh nghiệp, góp phần ổn định giá và đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân…

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2024, tổng doanh số cho vay chương trình bình ổn thị trường của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 13.521 tỷ đồng.

Trong đó, có 15 doanh nghiệp bình ổn và 22 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Theo đó, chủ yếu cho vay đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của doanh nghiệp, với dư nợ cho vay ngắn hạn chương trình chiếm 99,6% tổng dư nợ.

“Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này của các doanh nghiệp bình ổn, không chỉ tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của chương trình mà còn nâng cao hiệu quả tín dụng và quá trình luân chuyển vốn. Vì vậy, vòng quay vốn nhanh và hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết.

 

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy tính đến ngày 31/12/2024, huy động vốn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 4.082 nghìn tỷ đồng, tăng 15,28%; dư nợ tín dụng đạt 3.943 nghìn tỷ đồng, tăng 11,34% so với cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thấp, chỉ ở mức bình quân khoảng 4,3 %/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,9%/năm đối với cho vay trung dài hạn. Theo ông Lệnh, việc duy trì lãi suất thấp hơn mặt bằng chung và cùng kỳ hạn của chính các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia chương trình giảm hoặc ổn định giá thành sản phẩm.

Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu, đặc biệt vào các dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt chính sách giá và phát huy hiệu quả của chính sách tiền tệ, với yêu cầu kìm giữ lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông tin trong quá trình này, các doanh nghiệp thuộc chương trình, nhất là các doanh nghiệp phân phối cần sử dụng tối đa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để nâng cao hiệu quả của chương trình trong thời gian tới.

“Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng, kết hợp sử dụng mở rộng các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mang lại lợi ích trực tiếp và thiết thực cho doanh nghiệp. Bởi tiết giảm chi phí vốn, chi phí giao dịch và các chi phí liên quan khác. Từ đó hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động bằng các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý và ổn định”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định.

 
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Vào tháng 4/2024, Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 - Tết Ất Tỵ 2025. Thời gian thực hiện chương trình từ ngày 1/4/2024 đến hết ngày 31/3/2025.

Chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023) tham gia. Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng như: Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa; Vinamilk, Nutifood, Vissan…

#box1736917300045{background-color:#e5f5e7}

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/tp-ho-chi-minh-hon-13500-ty-dong-cho-vay-binh-on-gia-voi-lai-suat-binh-quan-tu-43nam-a148216.html