Không nên coi ESG “là món đồ trang sức”

Trước bối cảnh nhu cầu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tăng cao như hiện nay, việc chậm triển khai ESG không chỉ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội mà còn đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp nào chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau trong một thế giới mà ESG không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn...

Đây chính là thời điểm doanh nghiệp cần hành động quyết liệt, xây dựng lộ trình phát triển bài bản, kết hợp cùng với các cam kết và mục tiêu bền vững, để từ đây ESG không phải là thêm gánh nặng mà là cơ hội đổi mới.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam về vấn đề này, ông Phan Bá Đức, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi Xanh và Phát triển bền vững FPT Digital, Tập đoàn FPT, nhận xét rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp hiểu rằng không nên coi ESG “là món đồ trang sức” mà là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội tăng trưởng kinh doanh, bên cạnh cơ hội giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí như tiếp cận các nguồn vốn xanh, giá rẻ…

Yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm tuân thủ các cam kết khí hậu, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, dấu chân carbon từ các thị trường lớn đặt ra luật chơi mới trong thương mại và đầu tư như thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?

Sự chuyển đổi từ “luật chơi cũ” sang “luật chơi xanh” không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Các thị trường lớn như EU, Mỹ hay Nhật Bản ngày càng nhấn mạnh các yêu cầu tuân thủ, đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về môi trường, trách nhiệm đối với người lao động…. Điển hình như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, được triển khai nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bao gồm yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính và sản phẩm với dấu chân carbon thấp.

Đây chính là lời mời nhưng cũng chính là tấm vé bắt buộc tham gia cuộc chơi toàn cầu mà doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang ở giai đoạn đầu trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việc có nhiều ràng buộc, quy định về tuân thủ khiến họ loay hoay và không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào.

Ông Phan Bá Đức, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi Xanh và Phát triển bền vững FPT Digital, Tập đoàn FPT. Ông Phan Bá Đức, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi Xanh và Phát triển bền vững FPT Digital, Tập đoàn FPT.

Do vậy, doanh nghiệp hãy bắt đầu từ sớm, từ những việc đơn giản như tiêu chuẩn hóa quy trình đáp ứng các quy định môi trường, minh bạch hoạt động kinh doanh, khai thuế, trách nhiệm đối với người lao động…

Việc bắt đầu triển khai từ sớm các hoạt động ESG không chỉ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu từ các đối tác hay từ các nhà đầu tư mà còn là yếu tố cạnh tranh chiến lược, giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng cơ hội tăng trưởng ở các nguồn doanh thu mới và giảm thiểu các rủi ro tài chính, pháp lý tiềm ẩn.

Khi tiếp xúc với các khách hàng, chúng tôi thường nhấn mạnh rằng đây là một sự đầu tư dài hạn, bài bản, không phải chi phí trước mắt, ngắn hạn. Doanh nghiệp nào nhận ra điều này sớm sẽ có lợi thế tiên phong, sớm nắm bắt được cơ hội.

Qua quá trình tư vấn ESG doanh nghiệp phát triển bền vững, ông đánh giá thế nào về sự nhập cuộc của các doanh nghiệp trong việc triển khai tích hợp ESG trong hoạt động sản xuất kính doanh, quản trị doanh nghiệp hiện nay?

Sự nhập cuộc của doanh nghiệp Việt trong tích hợp ESG đã có những tín hiệu tích cực, nhưng mức độ còn phân hóa. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những đơn vị niêm yết trên sàn chứng khoán, đã bắt đầu tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh, nhờ vào áp lực từ đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và thị trường quốc tế. Tuy nhiên, với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, ESG vẫn chủ yếu dừng ở nhận thức ban đầu.

Điểm sáng là ngày càng nhiều doanh nghiệp hiểu rằng không nên coi ESG “chỉ là món đồ trang sức” mà là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội tăng trưởng kinh doanh, bên cạnh cơ hội giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí như tiếp cận các nguồn vốn xanh, giá rẻ.

Khảo sát của công ty Tư vấn Bain & Company (đối tác chiến lược của FPT Digital) cho thấy các doanh nghiệp đạt điểm đánh giá ESG cao nhất thường đạt được những lợi ích về doanh thu tăng gấp 5 lần so với khi chưa đầu tư vào ESG và 3 lần đối với các đối thủ trực tiếp khi họ đầu tư vào ESG.

Theo quan điểm của FPT Digital, chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp phải được gắn với chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp, từ đó các giải pháp, sáng kiến ESG sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu, giảm chi phí cũng như giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn ISO về môi trường, minh bạch chuỗi cung ứng, đánh giá nhà cung cấp… có thể coi là một số giải pháp đơn giản để bước đầu đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Điều đó cho thấy ESG không phải là một bộ tiêu chí quá xa vời, mà là một chiến lược bài bản giúp doanh nghiệp tăng trưởng một cách toàn diện và bền vững.

Một số chuyên gia và các nghiên cứu khảo sát gần đây chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong quá trình thực hiện ESG, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nhận thức về ESG, thiếu nguồn vốn, thiếu nhân lực triển khai, khó khăn thực hành ESG… Ông có nhận xét gì về thực tế này? Doanh nghiệp cần làm gì để có thể tháo gỡ những khó khăn thách thức?

Những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp phải là điều dễ hiểu khi ESG vẫn là khái niệm tương đối mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp. Các vấn đề như thiếu nguồn vốn, nhân lực hay nhận thức không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà là thách thức chung của các thị trường mới nổi.

Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp tập trung vào 3 yếu tố chính: ưu tiên, tối ưu và hợp tác.

Thứ nhất, cần chọn các sáng kiến ESG phù hợp với quy mô, lĩnh vực và nguồn lực doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp nhỏ có thể bắt đầu từ các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong nội bộ thông qua các chương trình thúc đẩy sáng kiến cải tiến nội bộ hoặc quản lý rác thải bằng cách áp dụng các quy trình cải tiến về phân loại rác thải.

Không nên coi ESG “là món đồ trang sức” - Ảnh 1

Thứ hai, doanh nghiệp cần tối ưu hóa hoạt động vận hành thông qua các giải pháp ESG như việc áp dụng các quy trình, tuân thủ theo các tiêu chuẩn môi trường, vận hành tinh gọn, tiêu chuẩn chất lượng…  Việc sử dụng công nghệ thông tin và số hóa một số quy trình giúp giảm thiểu chi phí, đáp ứng tiêu chuẩn minh bạch,… có thể coi là những sáng kiến, giải pháp ESG tiềm năng. Đây là lĩnh vực chúng tôi có kinh nghiệm sâu sắc khi đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, doanh nghiệp có thể cân nhắc tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, Chính phủ, ngân hàng để chia sẻ nguồn lực thực hiện các dự án, giải pháp ESG hay tiếp cận các nguồn vốn xanh, giá rẻ.

Theo tôi, điều quan trọng hơn cả, doanh nghiệp cần nhận ra rằng ESG không phải là thêm gánh nặng mà là cơ hội đổi mới.

Vậy, giải pháp nào để huy động nguồn lực cho phát triển xanh, bền vững trong doanh nghiệp? Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gì trước những thách thức và xu hướng phát triển xanh, bền vững, thưa ông?

Chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hay triển khai các dự án ESG đều đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, điều mà không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể dễ dàng đáp ứng.

Tuy nhiên, chúng ta đã bắt đầu thấy những thay đổi tích cực trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh. Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã đưa ra các khung tài chính xanh để thúc đẩy chuyển đổi xanh với chi phí vốn ưu đãi hơn. Ví dụ, Techcombank đã công bố Khung trái phiếu Xanh đầu tiên trong khối ngân hàng tư nhân, VietinBank triển khai Khung tài chính bền vững, và VPBank phát hành Khung tín dụng Xanh hỗ trợ doanh nghiệp…

Không chỉ trong nước, các tổ chức quốc tế và quỹ phát triển lớn cũng đang tích cực hỗ trợ hoạt động chuyển đổi xanh tại Việt Nam, điển hình như Green Climate Fund, Quỹ Đầu tư Xanh (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các chương trình hỗ trợ của UNDP. Những quỹ này không chỉ mang đến nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, mà còn hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp nâng cao năng lực triển khai ESG và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh toàn cầu.

Chậm triển khai ESG không chỉ là bỏ lỡ cơ hội mà còn đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là thời điểm doanh nghiệp cần hành động quyết liệt, xây dựng lộ trình rõ ràng và minh bạch hóa cam kết phát triển bền vững. Hành trình ESG là một hành trình dài hạn, mỗi bước đi vững chắc ngay từ hôm nay sẽ tạo nền tảng vững mạnh cho ngày mai.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2025 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Không nên coi ESG “là món đồ trang sức” - Ảnh 2

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/khong-nen-coi-esg-la-mon-do-trang-suc-a149088.html