Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Czech của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Cộng hoà Czech Petr Fiala, ngày 20/1/2025, tại Thủ đô Praha, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Czech tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Czech.
THƯƠNG MẠI LUÔN TĂNG TRƯỞNG ĐỀU ĐẶN Ở MỨC 2 CON SỐ
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương vui mừng cho biết những năm qua Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới, với mức tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5% đến 7%/năm.
Đồng thời, Việt Nam còn là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, với tổng mức đầu tư FDI trên 500 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7%/năm.
Hiện Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới; Top 20 về thương mại quốc tế và Top 15 về thu hút FDI hàng đầu thế giới, cùng với không khí đầu tư kinh doanh rất sôi động, và được xem là một trong những “công xưởng” của thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá hàng năm trên 420 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các thế mạnh về dân số đông, chính trị ổn định; an ninh được đảm bảo; có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, có khả năng tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và hội nhập tốt, cùng với lợi thế về mặt bằng sản xuất đã được quy hoạch và chuẩn bị sẵn; có và thị trường tiêu thụ rộng lớn (bao gồm thị trường nội địa trên 100 triệu dân với sức mua khá lớn và thị trường của trên 6 tỷ người tiêu dùng trong 17 Hiệp định thương mại tự do (song phương và đa phương) mà Việt Nam là thành viên).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh hiện nay Czech là đối tác thương mại lớn thứ 10, nhà đầu tư lớn thứ 13 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác và thị trường quan trọng nhất của Czech tại Đông Nam Á.
Thời gian qua, thương mại song phương giữa hai nước luôn tăng trưởng đều đặn ở mức 2 con số. Riêng năm 2024, ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 31%. Về đầu tư, tính luỹ kế tới hết tháng 12/2024, Cộng hòa Czech hiện có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 90 triệu USD.
Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp người Czech gốc Việt ước tính cũng đã đầu tư hàng chục triệu USD vào nền kinh tế sở tại.
Dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những kết quả đạt được trong hợp tác về kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.
NHIỀU TIỀM NĂNG ĐỂ TIẾP TỤC HỢP TÁC
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức mang tính toàn cầu ngày càng gia tăng, đặt ra mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế của mỗi quốc gia, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam và Cộng hòa Czech cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và chuyển đổi năng lượng để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.
Việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Czech.
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên rất chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng và các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, mới nổi như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật, điện toán đám mây...
Cùng với đó, Việt Nam nỗ lực xây dựng nền công nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, tàu điện ngầm, sân bay, cảng biển, trung tâm tài chính quốc tế.
Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng xanh hóa, phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân nhằm đa dạng, ổn định nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% đến 10%, thì tăng trưởng điện năng của Việt Nam phải đạt mức từ 12-16%/năm trở lên. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần 14-16 tỷ USD/năm để đầu tư vào năng lượng (gồm cả nguồn và truyền tải).
"Đây là những lĩnh vực mà Cộng hòa Czech có thế mạnh với bề dày kinh nghiệm và công nghệ hiện đại. Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, qua đó đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh; đồng thời khẳng định: "Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Chính phủ, các cơ quan chức năng của Czech để bảo trợ và làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư trong tương lai”.
Đặc biệt, Việt Nam cũng mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng của Czech tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nhân người Czech gốc Việt trong quá trình kinh doanh, đầu tư và phát triển sản xuất.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/thuc-day-hop-tac-giua-viet-nam-va-cong-hoa-czech-trong-linh-vuc-cong-nghiep-nang-luong-a149132.html