Hồi nhỏ tôi hỏi bố tôi: “Tả thanh thiên” nghĩa là gì ạ? Dĩ nhiên bố tôi trả lời được ngay, viết lên trời xanh.
Đó là sau khi bố đưa tôi đi chơi đền Ngọc Sơn, ở bên ngoài cổng có tháp Bút đề ba chữ Hán màu đỏ như vậy. Rất nhiều đứa trẻ cũng biết ngọn tháp này nhờ mấy câu thơ của Trần Đăng Khoa trong sách tập đọc "
Đền Ngọc Sơn.
Tôi lớn lên với sự chấp nhận tính vô danh của chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội, tựa như sống với màn sương huyền thoại là một lẽ đương nhiên. Luôn có một niềm tự hào ngấm ngầm về sự xa xưa, một khoảng mờ mờ hư ảo của quá khứ vàng son trong cách nói về giá trị của Hà Nội.
Nhiều năm sau, tôi biết thêm người đã dựng lên quần thể tháp Bút - đài Nghiên là danh sĩ Nguyễn Văn Siêu. Nhưng ông là thế nào ngoài câu châm ngôn "thần Siêu, thánh Quát" khi dân gian xưng tụng ông cùng Cao Bá Quát là hai bậc hay chữ nhất thời giữa thế kỷ 19?
Tháp Bút và cổng đền Ngọc Sơn trên bưu thiếp năm 1909.
Một số chạm khắc trên từ đường dòng họ Nguyễn ở làng Lủ, nơi thờ Nguyễn Văn Siêu - Ảnh: N.T.Q.
Khi người Pháp quy hoạch Hà Nội thành một thành phố kiểu châu Âu, họ đã lấp đoạn cửa sông Tô Lịch vào năm 1896, để rồi trở thành các phố Ngõ Gạch, Án Sát Siêu và Chợ Gạo. Năm 1945, phố Án Sát Siêu được đổi là Phương Đình, năm 1948 đổi thành Nguyễn Văn Siêu, nhưng sau này biển phố bỏ mất chữ Văn, chỉ là Nguyễn Siêu.
Phố còn dấu vết xưa của ngôi đền Cổ Lương ở số 28, từng nằm trong khuôn viên ngôi đình là nơi trọ học của học trò Trường Phương Đình.
Ngôi trường ở nhà của Nguyễn Văn Siêu được xác định ở số nhà 14-16, giờ chẳng thể nào hình dung ra được khung cảnh xưa. Chỉ còn những cái tên: "Tên cha ông là ngọn đèn thành phố" (Chào Thăng Long, chào Hà Nội - thơ Lê Anh Xuân).
Ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn của vị danh nhân này tàn tạ như một lẽ hưng phế của thời gian. Khuôn viên trước đây có lẽ rộng, giờ thu hẹp lại chỉ đủ giữ một ngôi nhà nông thôn bình dị. Sau rất nhiều năm ở tình trạng xuống cấp, điều đáng mừng là rút cục ngôi từ đường đã được đưa vào trùng tu.
Chân dung Nguyễn Văn Siêu (1868), in trên Nam Phong tạp chí số 134, 10-1928.
Đền Ngọc Sơn là dấu vết còn lại để cho hậu thế như tôi cảm nhận được một vẻ đẹp hoàn chỉnh tư duy thẩm mỹ của thời đại Nguyễn Văn Siêu, với hệ thống các công trình mang những tên gọi nhiều hàm ý sâu xa: cầu Thê Húc (nơi ánh sáng ban mai đậu lại), lầu Đắc Nguyệt (được trăng), đình Trấn Ba (đình chắn sóng), mỗi nơi lại có những câu đối đầy ý nghĩa.
Hà Nội đã chỉ còn là một tỉnh từ thời Minh Mạng, nhưng Nguyễn Văn Siêu viết trên câu đối ở chính điện đền Ngọc Sơn: "Nhân đồng chiêm ngưỡng, Giao Nam lễ nhạc chi đô" (Người đều ngửa trông, ấy thật đô thành lễ nhạc của cõi Nam), như một sự khẳng định kiêu hãnh của kẻ sĩ Bắc Hà. Phải chăng đó cũng là điều ông cụ thể hóa ý nghĩa "viết lên trời xanh"?
Khác với người bạn Cao Bá Quát bất đắc chí, tham gia khởi nghĩa để rồi bị chém đầu, Nguyễn Văn Siêu đã làm công việc của một nhà quy hoạch cảnh quan đúng nghĩa và có lẽ là người thành công nhất trên đất Hà Nội.
Mộ phần danh nhân Nguyễn Văn Siêu ở làng Lủ (Kim Lũ, Đại Kim, Hoàng Mai) - Ảnh: N.T.Q.
Nhưng cũng như cuộc điền dã tìm hiểu Nguyễn Văn Siêu, tôi đi lại trên những con phố cũ. Nửa thế kỷ sau thời của Trường Phương Đình, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục gắn với thời đại canh tân, mang khát vọng đón "mưa Âu gió Á".
Các sĩ phu nhận thấy thương nghiệp là một cách phù hợp để thay đổi vận mệnh dân tộc. Bản thân cụ cử Can cũng mở trường dạy về kinh doanh, và người vợ cũng xuất thân kinh doanh hàng vải ở phố Hàng Ngang.
Khi chồng bị kết án và đi đày, các con phiêu bạt hay khởi nghĩa như Lương Ngọc Quyến, bà chèo chống gia đình, làm nên huyền thoại về người phụ nữ hàng phố đảm lược làm ăn mà khí phách vững vàng trước sóng gió. Phố Hàng Đào cũng là phố nổi tiếng với những trí thức dạy học, đỗ đạt ra giúp đời, trong khi các phu nhân đảm đang nghề buôn bán.
Quê của Lương Văn Can ở làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội ngày nay), đồng hương với thi hào Nguyễn Trãi. Tình cờ là ngôi làng cũng nằm cạnh sông Tô Lịch. Ở đây may mắn hơn phố Hàng Đào, ngôi làng còn giữ được di tích ngôi trường do chính Lương Văn Can xây dựng cho quê nhà vào năm 1924.
Hai nếp nhà mái ngói và vòm cuốn kiểu "hiên Tây" đặc trưng với tên trường mang tên Lương Văn Can gợi cho người viếng thăm chút bồi hồi về một chí sĩ đã làm mưa làm gió trong không gian tri thức của dân tộc đầu thế kỷ trước.
Bìa sách Thương học phương châm (xuất bản năm 1928) và ảnh của Lương Văn Can trong sách. Tư liệu Thư viện Quốc gia.
Điều to lớn cụ cử Can làm được ngoài việc khiến người Việt có một cái nhìn khác về giới thương nhân, vốn dĩ trước đây bị nền Nho học coi là hạng bét trong tứ dân (sĩ nông công thương), còn là thay đổi nhãn quan người Việt về sự nhất thiết canh tân để hướng đến giải phóng dân tộc bằng tri thức, sau khi những cuộc khởi nghĩa vũ trang của văn thân trong nhiều thập niên đều thất bại.
Đông Kinh Nghĩa Thục chính là nơi đã tạo ra sức ảnh hưởng truyền thông lớn cho việc học chữ quốc ngữ, với những thông điệp cụ thể: "Chữ quốc ngữ là hồn trong nước. Phải đem ra tính trước dân ta. Sách các nước, sách China. Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường" (Bài hát khuyến học chữ quốc ngữ).
Nên nhớ rằng đến năm 1919, nền khoa cử Hán học mới chấm dứt ở Việt Nam, và thời gian đó trên tạp chí Nam Phong vẫn có những ý kiến phản đối học chữ quốc ngữ: "Quốc ngữ mất dấu, chữ nọ ra chữ kia, nếu không học Nho, chắc sau con cháu lẫn cả tên ông vải" (dẫn theo tri phủ Mỹ Đức Nguyễn Tất Tế thuật lời người dân năm 1915). Đông Kinh Nghĩa Thục quả thực đã đi trước rất sớm.
Một số nhà nghiên cứu nước ngoài như Erica Ness (1987) còn nhận định trong sự phổ cập chữ quốc ngữ, chính người Pháp đã vay mượn ý tưởng của các học giả Đông Kinh Nghĩa Thục trong việc nhóm các học viên lại theo năng lực hơn là theo độ tuổi.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/khoi-mot-thuy-lo-van-vat-a149417.html