Chuyển đổi từ mô hình, phương thức sản xuất truyền thống sang mô hình, phương thức sản xuất xanh không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn, thậm chí phải đối diện với nhiều thử thách.
Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), chuyển đổi xanh/kinh tế xanh là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hóa sản lượng kinh tế, trong khi giảm thiểu gánh nặng sinh thái, bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường.
TUÂN THỦ LUẬT CỦA “SÂN CHƠI LỚN”
Về bản chất, nền kinh tế xanh hay tăng trưởng xanh là nền kinh tế có mức phát thải, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng xã hội và ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học, hệ sinh thái… Nó bao hàm hàng loạt các khái niệm như tăng trưởng xanh, năng lượng xanh, sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tín dụng xanh, đô thị xanh… mà nhà quản trị, doanh nghiệp, người tiêu dùng có trách nhiệm hướng đến và thực thi.
Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát thải thấp đều được đặt ra như một cam kết mang tính ràng buộc. Trong đó, các sản phẩm, nhãn hàng được đánh giá khắt khe hơn về yêu cầu phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về các đòi hỏi, bao gồm môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu.
Nếu doanh nghiệp, nhà nhập khẩu vào EU không thực hiện giảm thải tương ứng các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM, sẽ phải mua chứng chỉ CBAM. CBAM không phải là thuế, nhưng nó tạo ra các chi phí bổ sung để khuyến khích hoặc buộc doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất, giảm phát thải.
Hiện nay, các quốc gia nhập khẩu đang đặt ra nhiều quy định mới về tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU… Đây là cơ chế nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia trong EU. CBAM điều chỉnh trực tiếp một loại thuế carbon sẽ được áp dụng cho một nhóm mặt hàng có lượng phát thải cao.
Lộ trình áp dụng CBAM bắt đầu từ ngày 1/10/2023 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Ở giai đoạn chuyển đổi (từ ngày 1/10/2023), các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU bắt buộc phải khai báo hàng quý khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính có trong hàng hóa nhập khẩu với 6 nhóm sản phẩm, bao gồm nhôm, sắt và thép, phân bón, xi măng, điện và hydro nhưng không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào.
Trong giai đoạn vận hành từ 2026- 2034, trước ngày 31/5 hằng năm, nhà nhập khẩu vào EU phải khai báo về số lượng hàng hóa và lượng phát thải tích hợp trong những hàng hóa được nhập khẩu của năm trước; đồng thời phải nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm. Giai đoạn này, EU sẽ dần dần loại bỏ việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Nếu doanh nghiệp, nhà nhập khẩu vào EU không thực hiện giảm thải tương ứng các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM, sẽ phải mua chứng chỉ CBAM. CBAM không phải là thuế, nhưng nó tạo ra các chi phí bổ sung để khuyến khích hoặc buộc doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất, giảm phát thải. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam.
THÁCH THỨC CHUYỂN ĐỔI KHÔNG NHỎ
Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: thuận dòng để phát triển bền vững” diễn ra hồi tháng 8/2024 tại Hà Nội, các diễn giả cho rằng việc chuyển đổi xanh với các doanh nghiệp sản xuất, các khu công nghiệp, nhà máy… đang là một áp lực lớn và ngày càng tăng.
Thực tế tại Việt Nam, việc chuyển đổi xanh trong sản xuất được triển khai trong hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành có phát thải cao như da giày, xơ sợi/may mặc, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, chế biến thực phẩm…
Riêng ngành da giày được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon nhất trong quá trình sản xuất; đồng thời lại là ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nằm trong top 5 ngành xuất khẩu chính của quốc gia và giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu toàn cầu.
Ngành da giày được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon nhất trong quá trình sản xuất; đồng thời lại là ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nằm trong top 5 ngành xuất khẩu chính của quốc gia và giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu toàn cầu. Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như xu thế áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là một thách thức rất lớn cho doanh nghiệp ngành da giày và xuất khẩu của Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da– Giày– Túi xách Việt Nam, nhận định rằng doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như xu thế áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo ông Thuấn, mặc dù có thể CBAM chưa áp dụng đồng loạt vào thời điểm hiện nay, nhưng khả năng cao là sẽ xảy ra vào năm 2030. Như vậy, chúng ta có 6 năm cho một hành trình từ tái cấu trúc toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng (nguyên phụ liệu đầu vào, đổi mới quy trình vận hành, ứng dụng công nghệ mới (nano, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, quy định Net Zero…) đến hoàn thiện sản phẩm đầu ra và xuất khẩu. Đây là khoảng thời gian không dài, đòi hỏi các doanh nghiệp phải khẩn trương bắt tay hành động ngay từ bây giờ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nhưng cũng là một “thủ phạm” gây ra biến đổi khí hậu vì tạo ra lượng lớn khí nhà kính... Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là một yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Một trong những giải pháp tiềm năng là áp dụng các lựa chọn thay thế thức ăn có lượng phát thải thấp.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp không thể đứng ngoài “cuộc chơi xanh hóa” trong lĩnh vực này, vì những đòi hỏi khắt khe của thị trường nhập khẩu, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nông sản…
CƠ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp có thể đạt từ 20- 30%.
Theo đó, cả nước hiện có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi, còn gọi là tấn dầu tương đương và có nhiệt trị = 10.000 kcal/kg) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Nhóm doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Do đó, nếu chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện mỗi năm (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng).
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững diễn ra vào cuối tháng 10/2024, ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP. Hà Nội, cho biết hiện nay ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã lựa chọn xu hướng này để phát triển lâu dài. Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp như liên kết, xây dựng, hình thành mạng lưới sản xuất xanh và bền vững trên địa bàn nhằm thúc đẩy tiến trình diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.
Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển xanh là chiến lược phát triển tương lai với mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 nhằm nỗ lực xây dựng một môi trường sống, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp…
Cùng với việc không ngừng làm xanh, sạch môi trường qua hàng loạt dự án “xanh hóa” môi trường và đô thị, những chính sách tích cực và thiết thực của TP.HCM nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi xanh sẽ từng bước đưa thành phố này trở thành một địa chỉ xanh đúng nghĩa.
Chuyển đổi xanh mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp, chuyển đổi xanh giúp giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường nhập khẩu khó tính, mà còn giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/doanh-nghiep-trong-xu-the-phat-trien-xanh-a149643.html