Người Việt thích mua sắm trên sàn thương mại điện tử nào nhất?

Theo báo cáo mới nhất về thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 của YouNet ECI, Shopee và TikTok Shop tiếp tục ở vị trí dẫn đầu về tổng giá trị giao dịch trong 4 sàn thương mại…

Số liệu từ công ty phân tích và tư vấn tăng trưởng thương mại điện tử YouNet ECI cho thấy tổng giá trị giao dịch (GMV) của 4 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam trong quý II/2024 đạt 87,37 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 10,4% so với quý trước đó.

Trong đó, Shopee tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với doanh thu lên tới 62,38 nghìn tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần GMV, đồng thời chiếm hơn 50% thị phần của tất cả các nhóm ngành hàng trên các sàn thương mại điện tử. TikTok Shop xếp thứ hai với 19,24 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,0% thị phần GMV. Các vị trí tiếp theo thuộc về Lazada với 5,16 nghìn tỷ đồng và Tiki với 584,77 tỷ đồng. Đặc biệt, từ tháng 11/2024, TikTok Shop đã liên tục duy trì vị trí thứ hai, chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường thương mại điện tử.

Nguồn: YouNet ECI Nguồn: YouNet ECI

So với quý I/2024, Shopee đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội với 16,1%, trong khi TikTok Shop chỉ tăng trưởng 4,8%, giúp Shopee chiếm thêm 3,5 điểm thị phần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Shopee và TikTok Shop đã góp phần quan trọng vào việc thương mại điện tử Việt Nam đạt kỷ lục GMV 13,82 tỷ USD trong năm 2024, tăng 40% so với năm 2023, vượt xa so với mức tăng trưởng 9% của ngành bán lẻ.

‏Phần lớn giá trị giao dịch trên 2 nền tảng lớn nhất trong quý IV/2024 đến từ bốn nhóm ngành hàng, bao gồm:‏ Thời trang và phụ kiện (26,5% GMV), FMCG (16,6%), Điện gia dụng (15,8%), Sắc đẹp (13%). Có thể thấy rõ FMCG hiện đã vượt qua mặt hàng Điện gia dụng & công nghệ để xếp sau Thời trang & phụ kiện trong giỏ hàng trực tuyến của người tiêu dùng.

MUA SẮM FMCG ONLINE CỦA NGƯỜI VIỆT TĂNG ỔN ĐỊNH

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 là nhóm ngành hàng thiết yếu, đặc biệt là FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) và Chăm sóc sức khỏe. Theo báo cáo của YouNet ECI, giá trị giao dịch trong nhóm ngành hàng thiết yếu đã tăng trưởng 54% so với năm 2023, trong đó FMCG đạt mức tăng trưởng 62%.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng của FMCG đến chủ yếu từ sự gia tăng sản lượng bán ra thay vì tăng giá, điều này cho thấy nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu trực tuyến của người tiêu dùng đang dần ổn định và trở thành thói quen.

Theo phân tích từ YouNet ECI, quý IV/2024 – giai đoạn cao điểm của năm – chứng kiến sự bùng nổ doanh thu từ các gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Các thương hiệu uy tín trong ngành bán lẻ truyền thống đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người tiêu dùng, nhờ vào chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà các phiên các sàn thương mại liên tục diễn ra các phiên livestream lớn như lễ hội mua sắm ngày 11/11 hay “dọn nhà cuối năm” của các nhãn hàng kết hợp với người nổi tiếng, KOL/KOC làm tăng tỷ lệ chốt đơn nhiều hơn.

Nghiên cứu của Wifi Talents năm 2024 cũng khẳng định Live Shopping đang trở thành xu hướng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, với 73% người dùng nhấn nút "Mua ngay" sau khi theo dõi các phiên livestream. Các phiên bán hàng kết hợp giữa mua sắm và giải trí đang làm thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ trực tuyến.

Bên cạnh đó, phân khúc giá cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Các sản phẩm thuộc phân khúc giá phổ thông và tiết kiệm của ngành FMCG đang chiếm ưu thế, đặc biệt khi người tiêu dùng trong năm 2024 ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phù hợp với túi tiền của mình.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI, nhận định: "Dữ liệu cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua sắm qua kênh thương mại điện tử, ngay cả đối với các sản phẩm thiết yếu. Sự tiện lợi, các chương trình ưu đãi hấp dẫn và khả năng tiếp cận sản phẩm đa dạng đã thay đổi hành vi mua sắm. Đây là cơ hội lớn để các thương hiệu FMCG tối ưu hóa chiến lược kinh doanh trên các sàn TMĐT và khai thác tiềm năng từ thị trường này".

Ông Nguyễn Phương Lâm cũng cho biết chìa khóa tăng trưởng trên thương mại điện tử giờ đây nằm ở độ thấu hiểu thị trường, khách hàng và khả năng tối ưu hóa trên từng điểm chạm. Đã qua rồi thời điểm nhãn hàng chỉ cần mở gian hàng trên sàn là có doanh thu mà việc nắm trong tay dữ liệu thị trường, biết cách phân tích để từ đó tìm ra hướng đi mới là yêu cầu bắt buộc.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/nguoi-viet-thich-mua-sam-tren-san-thuong-mai-dien-tu-nao-nhat-a149772.html