Công trình đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã giải tỏa “cơn khát” điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở miền Trung, miền Nam, góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam tăng trưởng giai đoạn đó. Đó cũng là nền tảng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Schneider Electric và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhân dịp Xuân mới, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, đã chia sẻ cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về câu chuyện phát triển của Việt Nam cũng như định hướng của Tập đoàn trong những năm tới.
Ông là người đã gắn bó với Schneider Electric trong suốt nhiều năm, cùng Tập đoàn thực hiện nhiều dự án lớn tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cách đây 30 năm đã có những thay đổi như thế nào? Sự thay đổi nào khiến ông ấn tượng nhất?
Schneider Electric may mắn là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong những bước đầu hiện đại hóa đất nước. Nhìn lại những thay đổi lớn trong hành trình phát triển, ngành điện và năng lượng của Việt Nam đã có những dấu ấn nổi bật. Vào năm 1995, khi Việt Nam có đường dây tải điện 500 kV đầu tiên nhằm chuyển điện dư thừa từ miền Bắc vào miền Nam, hướng tới thúc đẩy kinh tế các miền.
Chỉ 5 năm sau đó, vào năm 2000, Việt Nam vươn lên vị trí top 6 trong các nước thành viên ASEAN. Năm 2001 vượt qua Singapore, Philippines (2006), Malaysia (2015), Thái Lan (2017), từ năm 2017 tới nay, Việt Nam trở thành top 2 quốc gia có nhu cầu về điện nhiều nhất, chỉ đứng sau Indonesia.
Nhu cầu về điện tăng trưởng liên tục là một trong những minh chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam. Trong chặng đường này, Schneider Electric tự hào là công ty cung cấp các giải pháp cho đường dây 500kV Bắc - Nam từ năm 1992 đến 1994, phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện. Đây là một cột mốc đáng nhớ, bởi cho đến hiện tại, đường dây 500kV vẫn đang phát huy những tác dụng rất tích cực đến nền kinh tế của Việt Nam và chúng tôi tự hào là một phần trong câu chuyện lịch sử của Việt Nam.
Song hành cùng sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng của Việt Nam cũng đang trong tiến trình số hóa mạnh mẽ với nhiều tiến bộ, nổi bật nhất có lẽ là sự chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng cho tương lai mà còn hỗ trợ các lĩnh vực khác sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt là ngành điện trở nên bền vững hơn. Trong 30 năm sắp tới, công nghệ và dữ liệu sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho việc quản lý và phát triển hệ thống năng lượng hiện đại.
Trước sự thay đổi liên tục của thị trường, trong 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Schneider Electric đã trải qua sự chuyển đổi về mô hình kinh doanh với trọng tâm trở thành cầu nối giữa sự tiến bộ và tính bền vững thông qua việc trao quyền cho các doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững, nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn năng lượng và tài nguyên bằng cách tận dụng sức mạnh của số hóa, điện hóa và tự động hóa để thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới đạt cam kết Net Zero vào năm 2050.
Trong chặng đường sắp tới, chúng tôi vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Sự ủng hộ và đồng hành của khách hàng, của đối tác, là động lực để chúng tôi phát triển bền vững. Schneider Electric Việt Nam đã chuyển mình linh hoạt, bền bỉ, nhanh và sâu sắc. Từ một công ty chỉ cung cấp thiết bị điện, chúng tôi đã trở thành một công ty chuyên cung cấp các giải pháp về số hóa, điện hóa và tự động hóa, đóng góp những giải pháp rất thực tế cho tiến trình giảm thải carbon, chuyển đổi số tại thị trường Việt Nam.
Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đã và đang thu hút được các Tập đoàn lớn trên thế giới, gần đây nhất là Nvidia đã quyết định hợp tác với Việt Nam?
Trong một báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông vào năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm. Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực ASEAN năm 2025.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự xuất hiện của Internet vạn vật (Internet of Things: IoT) đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển.
Tại Việt Nam, tôi nhận thấy phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Điều này cũng đã thể hiện rõ rệt qua các văn bản hướng dẫn của Chính phủ chỉ đạo, năm 2024 phải tập trung phát triển toàn diện vào 4 trụ cột: công nghiệp; công nghệ thông tin và truyền thông; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số và dữ liệu số. Trong đó, dữ liệu phải được coi là yếu tố sản xuất, đầu vào cho mọi hoạt động kinh tế; công nghiệp, công nghệ thông tin cần thúc đẩy phát triển để làm lực lượng sản xuất mới thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế.
Số hóa các ngành kinh tế cũng là một trong 5 xu hướng tất yếu định hình tương lai bền vững mà tôi đã chia sẻ trong sự kiện Innovation Summit Việt Nam vào tháng 8/2024. 5 xu hướng lớn đang xảy ra tại Việt Nam là: cân bằng toàn cầu mới, dịch chuyển về sự thịnh vượng, biến đổi khí hậu, số hóa, AI và chuyển dịch năng lượng. Đó là những chuỗi liên kết có tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.
Với những xu hướng lớn đang diễn ra cùng với những lợi thế sẵn có như tập trung mạnh mẽ vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và cam kết quyết liệt về tính bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam ngày càng khẳng định là quốc gia đang phát triển, hấp dẫn đối với các tập đoàn toàn cầu đang muốn mở rộng dấu ấn của mình. Tôi có thể minh họa cụ thể hơn qua một vài điểm sau đây.
Tăng trưởng kinh tế: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trở thành thị trường đầy hứa hẹn về các cơ hội đầu tư và kinh doanh.
Lực lượng lao động trẻ: với dân số trên 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động và ngày càng có tay nghề cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ: Chính phủ Việt Nam đã chủ động tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bao gồm các ưu đãi về thuế và chính sách thân thiện với đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng cũng như các doanh nghiệp để thúc đẩy tính bền vững, hướng tới đạt Net Zero vào năm 2050.
Vị trí chiến lược: vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á khiến nơi đây trở thành trung tâm lý tưởng cho các công ty muốn tiếp cận thị trường và chuỗi cung ứng châu Á. Các hiệp định thương mại: Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nâng cao sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài bằng cách giảm thuế quan và khuyến khích thương mại.
Phát triển cơ sở hạ tầng: những cải tiến liên tục về cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như mạng lưới giao thông và truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Đối với Schneider Electric, chúng tôi tập trung để trở thành đối tác đáng tin cậy của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp về số hóa, điện hóa, tự động hóa hướng tới tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và góp phần vào quá trình giảm thải carbon.
Những chính sách, định hướng phát triển của Việt Nam được đánh giá là đầy tham vọng, đặc biệt là mục tiêu NetZero vào năm 2050. Theo ông, mục tiêu này sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển bền vững và tăng trưởng của đất nước?
Trong 30 năm tới và xa hơn, chúng tôi kỳ vọng Schneider Electric vẫn tiếp tục đóng vai trò then chốt, là đơn vị tiên phong trong công nghệ và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Như tôi đã chia sẻ, trong những xu hướng đang xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy 2 xu hướng ảnh hưởng lớn đến mô hình kinh doanh của chúng tôi rất nhiều. Đó là số hóa và chuyển đổi năng lượng. Đây cũng là trọng tâm mà chúng tôi tập trung phát triển trong thời gian vừa qua và trong tương lai, ảnh hưởng đến những chính sách của chúng tôi.
Chúng tôi nhìn thấy tương lai vẫn là những chương trình, những giải pháp mạnh mẽ hơn của chúng tôi đưa vào thị trường Việt Nam. Về chuyển đổi số, chúng tôi sẽ thúc đẩy những hiệu quả các mô hình để làm sao chúng ta có thể chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn trong quá trình chuyển đổi sang thời đại mới.
Chúng tôi mong muốn trở thành một đối tác của Viêt Nam cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình phát thải ròng bằng 0 và cam kết hoàn thành vào năm 2050 của Chính phủ. Đây là cách chúng tôi định hình mô hình kinh doanh trong thời gian tới với những giải pháp về tự động hóa, số hóa và điện hóa.
Chúng ta hãy bước vào năm 2025 với tâm thế lạc quan và sẵn sàng chinh phục những thách thức mới và cùng nhau tạo dựng một tương lai bền vững hơn.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/tu-hao-gop-phan-tang-toc-phat-trien-nganh-dien-a151344.html