Tuổi thọ bình quân của người có lương hưu và không có lương hưu thế nào?

Qua thống kê, tuổi thọ bình quân của người hưởng lương hưu khoảng 78 tuổi, cao hơn 4-5 tuổi so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước.

Tuổi thọ bình quân của người có lương hưu và không có lương hưu thế nào? - Ảnh 1.

Ông Phạm Trường Giang - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - trình bày tại hội nghị - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là chia sẻ của ông Phạm Trường Giang - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 5-2.

Sẽ có thêm trợ cấp cho người không có lương hưu

Năm 2025, điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu thay đổi thế nào?Người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp thế nào?

Theo ông Giang, số người nghỉ hưu bình quân trước đây khoảng 99.000 người mới/năm. Khi nghị quyết số 28-NQ/TW (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội) đi vào cuộc sống và tuổi nghỉ hưu được thể chế hóa tại Bộ luật Lao động 2019, số người nghỉ hưu giảm xuống chừng 77.000 người/năm.

Qua thống kê, tuổi thọ bình quân của người hưởng lương hưu khoảng 78 tuổi, cao hơn 4-5 tuổi so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước. "Điều này cho thấy những người có lương hưu thì chất lượng cuộc sống tốt hơn, chăm sóc y tế tốt hơn và tuổi thọ cao hơn", ông Giang đánh giá.

Song qua tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014, độ bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn khoảng trống.

Theo đó, còn khoảng 8 triệu người cao tuổi chưa được hưởng các chính sách, trợ cấp hằng tháng, kéo theo cuộc sống khó khăn. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đặt mục tiêu “bao phủ nốt” số người này, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Hiện, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong năm 2025, cứ 6 lao động (từ 15-59 tuổi) thì chỉ có 1 người không trong tuổi lao động. Nhưng đến năm 2055, hai người lao động phải hỗ trợ 1 người ngoài tuổi lao động.

Như vậy, nếu vẫn duy trì tốc độ, mức hưởng, không có cải cách, đến năm 2055, thế hệ sau sẽ phải đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội với mức gấp 3 lần hiện nay. “Cải cách chính là để thế hệ hiện nay có mức hưởng phù hợp, không thành gánh nặng cho thế hệ tương lai”, ông bày tỏ.

Cũng theo ông, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.

Theo đó, tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội giảm từ 80 xuống 75 tuổi, một số đối tượng xuống 70 tuổi. Mức hưởng tăng lên là 500.000 đồng/người/tháng từ 1-7-2025. Người từ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, ngoài hưởng 500.000 đồng/tháng còn được tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Dự kiến, khoảng 1,2 triệu người hưởng chính sách.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 còn gia tăng quyền lợi của người lao động qua mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Tuổi thọ bình quân của người có lương hưu và không có lương hưu thế nào? - Ảnh 2.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen cho 5 tập thể và 38 cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng Luật Công đoàn 2024 - Ảnh: HÀ QUÂN

Quyền lợi mới cho người tham gia công đoàn

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - việc sửa Luật Công đoàn đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ các hiệp định, công ước quốc tế; chọn lọc kinh nghiệm quốc tế cũng như giải quyết bất cập, vướng mắc sau 10 năm thi hành Luật Công đoàn 2012.

“Thực tiễn chạy từng giây từng phút, trong khi luật vẫn nằm trên giấy. Khi thực tiễn đi quá nhanh, quá xa, ta phải điều chỉnh luật mang tính định hướng lâu dài, dự liệu các tình huống trong tương lai, đảm bảo sức sống lâu dài của luật”, ông nói.

Ví dụ, Luật Công đoàn 2024 mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cho người làm việc tự do, thu hút thêm đối tượng mới như lái xe công nghệ, shipper… Trước mắt, nhiều nơi thành lập nghiệp đoàn lái xe công nghệ - nơi giáo dục trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật, chia sẻ công việc.

Đoàn viên công đoàn được bổ sung quyền lợi như thụ hưởng chính sách thuê nhà xã hội của tổng liên đoàn hay được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.

Tuổi thọ bình quân của người có lương hưu và không có lương hưu thế nào? - Ảnh 3.

Ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Về tài chính, luật sửa đổi nêu các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn từ 1-7-2025. Định kỳ hai năm một lần, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh thời gian qua, công đoàn tập trung xây dựng và tham gia xây dựng sửa đổi các dự án luật quan trọng như Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội…

"Việc Quốc hội thông qua Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

Tổ chức công đoàn đã tạo hành trang pháp lý quan trọng để cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, lao động", ông nói.

Tuổi thọ bình quân của người có lương hưu và không có lương hưu thế nào? - Ảnh 1.Năm 2025, điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu thay đổi thế nào?

Từ năm 2025, có nhiều quy định mới về điều kiện hưởng lương hưu, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cách tính tiền hưu trí.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/tuoi-tho-binh-quan-cua-nguoi-co-luong-huu-va-khong-co-luong-huu-the-nao-a151489.html