Hải Phòng chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất khỏi nội đô để chỉnh trang đô thị

Trong hơn 400 cơ sở sản xuất, nhà xưởng tại 5 quận nội thành của Hải Phòng, có nhiều cơ sở được đề xuất di dời vào thời điểm hết năm 2025 để tái thiết, chỉnh trang đô thị…

UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Kiến An phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng, xây dựng kế hoạch và tổ chức di dời các nhà máy, xí nghiệp kho tàng hiện trạng, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khỏi khu vực nội thành để chỉnh trang, tái thiết đô thị.

XEM XÉT DI DỜI HƠN 400 CƠ SỞ SẢN XUẤT

Theo báo cáo của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng, trên địa bàn 4 quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An có 279 địa điểm, cơ sở sản xuất, kho tàng và 28 cơ sở sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc, siêu thị, với tổng diện tích hơn 446ha (quận Ngô Quyền 97 khu diện tích hơn 133ha, quận Hồng Bàng 144 khu diện tích 261,5ha, quận Lê Chân 50 khu diện tích 36,5ha, quận Hải An 16 khu diện tích 14,7ha).

Riêng quận Kiến An có khoảng 110 cơ sở của các doanh nghiệp đang sử dụng (97 cơ sở có hoạt động sản xuất, 13 cơ sở không có hoạt động sản xuất) nhưng cơ quan chức năng mới thông kê được 21 cơ sở với diện tích hơn 20ha. Ngoài ra, còn một số nhà máy, xí nghiệp kho tàng khác chưa được thống kê như khu vực ven sông Cấm (quận Hồng Bàng, Ngô Quyền), khu vực ven sông Lạch Tray (quận Kiến An).

Cơ quan chức năng xác định vị trí các nhà máy, xí nghiệp kho tàng trên địa bàn 5 quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Kiến An phân làm 2 loại là các cơ sở nằm rải rác xen kẽ trong các khu dân cư và các cơ sở tập trung thành khu vực. Tại quận Ngô Quyền, các cơ sở tập trung chủ yếu tại phường Máy Chai, Gia Viên (phường Máy Tơ cũ). Tại quận Hồng Bàng tập trung tại các phường Hạ Lý, Sở Dầu, Hùng Vương, Quán Toan. Quận Hải An chủ yếu tại phường Đông Hải 1. Quận Lê Chân tại cụm công nghiệp Vĩnh Niệm. Quận Kiến An tại cụm công nghiệp Quán Trữ và khu vực phường Đồng Hoà.

Theo thống kê thời hạn sử dụng đất của cơ quan chức năng, trong tổng số 417 cơ sở sản xuất tại 5 quận nội thành có 108 khu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hoặc không ghi thời hạn, không có thông tin), 29 khu đã hết thời hạn (hoặc đã thu hồi), 22 khu thời hạn sử dụng đất đến hết năm 2025. Giai đoạn 2026-2030 có 27 cơ sở hết hạn sử dụng đất. Giai đoạn 2031-2035 có 59 cơ sở hết thời hạn sử dụng đất. Giai đoạn 2036-2040 có 24 cơ sở hết hạn sử dụng đất.

Cơ quan chức năng cho rằng do các cơ sở nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư nên khó kiểm kê, đánh giá. Hơn nữa, tỷ lệ các cơ sở đến sau năm 2031 mới hết hạn sử dụng đất chiếm tới quá nửa (55,40%), các cơ sở đến sau năm 2041 mới hết hạn sử dụng đất cũng chiếm tới hơn 35,4% (chưa kể có 108 cơ sở chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không ghi thời hạn, không có thông tin) càng khó khăn trong công tác thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

ĐỀ XUẤT DI DỜI THEO GIAI ĐOẠN

Trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng quan hiện trạng các khu vực nhà máy, kho tàng trên địa bàn 5 quận, căn cứ theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng đã đề xuất phương án chỉnh trang, cải tạo, tái thiết đô thị tại cả các khu vực đã và chưa rà soát (dựa trên đánh giá hiện trạng của quy hoạch 1/2000 các quận được duyệt).

Theo đó, tại quận Ngô Quyền, hơn 40ha có các dự án đã và đang triển khai không đề xuất di dời, còn hơn 80ha được đề xuất thực hiện di dời theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đến hết năm 2025, cần dừng hoạt động để di dời các cơ sở sản xuất gần khu vực mật độ dân cư cao (diện tích hơn 32ha) tại phía Nam đường Ngô Quyền vào các khu cụm tập trung. Sau khi di dời, khu vực này sẽ dễ thu hút đầu tư để chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả kinh tế. Giai đoạn 2026-2030, xem xét di dời các cơ sở nằm ở phía Bắc đường Ngô Quyền (gần 50ha) là các cảng, kho bãi giáp sông Cấm.

Tại quận Hồng Bàng, có hơn 160ha là các cơ sở sản xuất, kho tàng được cơ quan chức năng đề xuất thực hiện di dời theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2025, đề xuất di dời các cơ sở nằm xen kẽ với khu dân cư thuộc các phường Minh Khai, Sở Dầu, Hùng Vương, Quán Toan (đặc biệt là các nhà máy sản xuất thép) diện tích khoảng 86,25ha. Đây là khu vực có các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, cần phải dừng hoạt động để di dời vào các khu cụm tập trung nhằm đẩy nhanh quá trình chỉnh trang đô thị. Giai đoạn 2026-2030, xem xét di dời đối với các nhà máy, cảng, kho bãi giáp sông Cấm tại phường Hạ Lý, Quán Toan với diện tích khoảng hơn 74ha.

Quận Lê Chân, có hơn chục ha nằm trong khu vực đã và đang có các dự án triển khai không đề xuất di dời, còn lại hơn 26ha được đề xuất di dời theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2025, di dời các cơ sở nhà máy, kho tàng nằm rải rác trong khu vực đô thị mật độ dân cư cao với diện tích 5,1ha. Giai đoạn 2026-2030, thực hiện di dời các cơ sở tại cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (diện tích 14,2ha) và khu vực gần bệnh viện quốc tế Green tại chân cầu An Đồng (diện tích 7,67ha) để chỉnh trang, phát triển đô thị.

Tại quận Hải An, có 0,37ha là khu vực các dự án đã và đang triển khai không đề xuất di dời, còn hơn 41ha được đề xuất di dời theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đến hết năm 2025, di dời các cơ sở tại phường Cát Bi và một số cơ sở nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư tại phường Đông Hải 1, Đông Hải 2 (diện tích 8,47ha). Giai đoạn 2026-2030, thực hiện di dời khu vực các cơ sở còn lại tại phường Đông Hải 1 (nằm ráp gianh với quận Ngô Quyền) với diện tích khoảng 32,6ha là khu vực gần cảng, kho bãi giáp sông Cấm.

Tại quận Kiến An, giai đoạn đến hết 2025, di dời khu vực các cơ sở nằm xen kẽ với khu dân cư tại các phường Văn Đẩu, Nam Sơn, Trần Thành Ngọ và khu vực tập trung tại ven sông Lạch Tray thuộc phường Đồng Hoà. Đây được xác định là khu vực có các cơ sở sản xuất trong đô thị gây ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2026-2030, xem xét di dời khu vực các cơ sở tập trung tại cụm công nghiệp Quán Trữ và Ngọc Sơn là khu vực các nhà máy, cảng, kho bãi giáp sông Lạch Tray.

TÁI THIẾT, CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ

Trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Kiến An chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương tiếp tục rà soát thống kê, đánh giá chi tiết hiện trạng (quy mô, vị trí, thời hạn sử dụng), xây dựng kế hoạch và tổ chức di dời các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng hiện trạng, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn các quận.

UBND TP. Hải Phòng giao UBND quận Hồng Bàng nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng phục vụ cải tạo chỉnh trang đô thị đối với các khu vực nằm trong danh mục rà soát di dời giai đoạn hết năm 2025. Các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An triển khai nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư xây dựng phục vụ cải tạo chỉnh trang đô thị tại các khu vực di dời (hết năm 2025) ngay sau khi có quy hoạch phân khu 1/2000 được duyệt.

Đối với các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch phân khu 1/2000 tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch để chỉnh trang, tái thiết đô thị tại khu vực các nhà máy, kho tàng tập trung (cụm công nghiệp Vĩnh Niệm - quận Lê Chân, Quán Trữ, Bắc Sơn - quận Kiến An, khu vực ven sông Cấm - quận Ngô Quyền), nghiên cứu hình thành các đơn vị ở, các khu đô thị hoàn chỉnh hoặc các khu công viên cây xanh - thể dục thể thao. Đối với các nhà máy, kho tàng phân tán trong khu dân cư, các quận cần nghiên cứu bổ sung các chức năng dịch vụ - công cộng đô thị, cây xanh, bãi đỗ xe nhằm đảm bảo tiêu chí đô thị loại I...

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/hai-phong-chi-dao-di-doi-co-so-san-xuat-khoi-noi-do-de-chinh-trang-do-thi-a151843.html