Cần có lộ trình tăng thuế TTĐB với thuốc lá

Tại Dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng liên tục hàng năm như dự thảo hiện tại sẽ tạo ra sự mất ổn định trong hoạt động kinh doanh của toàn ngành thuốc lá. Doanh nghiệp không có thời gian và nguồn lực để tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi máy móc, vùng trồng nguyên liệu…

Không nên tăng thuế sốc

Nếu thuế TTĐB tăng liên tục hàng năm (không có khoảng thời gian giữa các lần tăng để doanh nghiệp thích ứng) như dự thảo hiện tại sẽ tạo ra sự mất ổn định trong hoạt động kinh doanh của toàn ngành thuốc lá, các doanh nghiệp không có thời gian và nguồn lực để tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi máy móc, vùng trồng nguyên liệu…

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển từng nêu quan điểm rằng giải pháp tăng thuế có thể sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng trong thời gian đầu nhưng về lâu dài những tác hại của nó rất khó lường.

Để tránh xảy ra những hệ lụy và ảnh hưởng tiềm tàng trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) gợi ý tăng thuế theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 5 năm, trong khoảng thời gian giữa hai lần tăng thuế thì tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được vấn đề cần tuyên truyền. Khoảng cách thời gian như vậy sẽ tạo thuận lợi để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hai mặt hàng này cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị và chuyển đổi.

Thuế thuốc lá tăng cao và đột ngột cũng sẽ dẫn đến nguy cơ mất công ăn việc làm cho người nông dân trồng cây thuốc lá. Ngành thuốc lá hợp pháp hiện đang tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam, bao gồm nhân viên nhà sản xuất, nhân viên nhà phân phối, người nông dân vùng trồng nguyên liệu và người lao động tại các điểm bán lẻ trên toàn quốc.

Ông Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện ngoài cây thuốc lá, không có một loại cây nông nghiệp nào mà người nông dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, bao tiêu và đảm bảo lợi nhuận.“Chúng tôi cũng đã làm việc với Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó”, ông Vi Nông Trường chia sẻ.

“Hàng ngàn người đang hưởng lợi từ việc trồng lá thuốc lá, họ có cuộc sống bền vững. Họ sẽ phải nghĩ đến chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì. Đây là một điều rất khó và mất một thời gian để hình thành lại hệ thống thu mua”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ.

Cần có lộ trình tăng thuế TTĐB với thuốc lá ảnh 1

Ngành thuốc lá bị thiệt hại nghiêm trọng vì tăng thuế sốc, các doanh nghiệp hợp pháp có thể phá sản đồng nghĩa các khoản đầu tư của Nhà nước và đào tạo lực lượng lao động từ trước đến nay cho ngành thuốc lá sẽ trở nên lãng phí.

Nguy cơ thuốc lá lậu tràn vào Việt Nam

Theo mô hình phân tích của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), mặc dù sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm mạnh nhưng lượng thuốc lá lậu sẽ tăng đột biến ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng lên đến 230% ở phương án 2 so với năm 2025. Như vậy, phương án tăng thuế trong dự thảo không giúp tỷ lệ hút thuốc thực tế giảm mà ngược lại tạo điều kiện cho thuốc lá lậu phát triển phi mã.

Theo mô hình phân tích của PwC cho thấy, nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh tại Việt Nam, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030.

Và khi thuốc lá tăng phi mã sẽ dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Như tại Malaysia - một quốc gia khá tương đồng với Việt Nam về các hoạt động kinh tế, sau khi tăng thuế TTĐB được cho là khá sốc đối với thuốc lá vào giai đoạn 2014-2015, thuốc lá lậu tại quốc gia này đã gia tăng đến mức gần 2/3 tổng số thuốc lá bán ở Malaysia vào năm 2020.

Với quy mô thuốc lá lậu được dự đoán sẽ tăng mạnh sau khi thuế tăng nhanh và đột ngột theo mô hình của PwC hay từ thực trạng tại Malaysia, có thể thấy sẽ cần đến một chi phí lớn để gia tăng công tác đấu tranh với làn sóng buôn lậu ồ ạt.

Trong thuốc lá lậu có chứa hàm lượng coumarin rất cao. Đây là loại chất độc hại, dùng trong thuốc diệt chuột và gây ra những tác hại nghiêm trọng đến gan, bàng quang, tim mạch, tăng nguy cơ ung thư và đã bị Bộ Y tế đưa vào danh sách chất cấm dùng trong thực phẩm. Khi người tiêu dùng chuyển đổi sang thuốc lá lậu chứa nhiều chất cấm do giá thuốc lá hợp pháp tăng cao đột biến thì hệ quả tăng chi phí y tế để xử lý là rất lớn.

Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện.

Cần có lộ trình tăng thuế TTĐB với thuốc lá ảnh 2

Với những vấn đề trên, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030.

Theo ông Nghĩa, việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng. “Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.”

Từ những vấn đề và đề xuất trên có thể thấy Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét mọi vấn đề thiệt hơn, để việc tăng thuế TTĐB vừa giúp đảm bảo các mục tiêu, bao gồm tăng thu ngân sách và phòng chống tác hại thuốc lá, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần vào kỳ vọng tăng trưởng 2 con số của Chính phủ.

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/can-co-lo-trinh-tang-thue-ttdb-voi-thuoc-la-a154852.html