Má tôi được nhận Huy chương Kháng chiến hạng nhất
50 năm trôi qua mà những ngày tháng ấy vẫn hằn sâu trong ký ức.
Hồi đó, nhà tôi có tiệm tạp hóa tại chợ Đồng Xoài. Gọi là "tiệm" nhưng má bán không thiếu thứ gì: bánh, kẹo, mắm, muối, gạo, nếp..., kể cả xăng dầu đựng trong hai thùng phuy đặt trước cửa. Hàng hóa chất đầy kệ tủ kính.
Có cả dàn thợ cắt may tại chỗ. Khách hàng có cả người Stiêng từ sóc, Bù Na, Bù Đăng đổ xuống. Họ đi từng đoàn, trang phục đồng bào là xà rông nên cắt may rất nhanh. Thời đó mà tư duy của má không khác gì mô hình siêu thị ngày nay.
Má nói: Hễ ghé vô tiệm má là cần gì cũng có. Mua gì cứ lấy gom lại để một chỗ rồi má tính tiền. Má tính chính xác và nhanh hơn máy. Vài ngày má lại về Sài Gòn mua hàng. Đường bộ mất an ninh nên má thường đi máy bay.
Năm đó, má đang mang thai nhưng vẫn đi lấy hàng. Chiến sự xảy ra má không về Đồng Xoài được nên ghé nhà ở Bình Dương. Tính lo xa nên má đã xây thêm căn nhà ở Bình Dương phòng những lúc thế này.
Ba nói: Cả đêm súng nổ liên hồi, càng lúc nghe càng gần. Ba đưa cả nhà xuống hầm trú ẩn. Thời chiến nhà nào cũng đào một căn hầm tại chỗ. Bỗng nghe bom giội ầm ầm. Tiếng tủ kính rơi loảng xoảng, ai đó hét thất thanh: "Cháy rồi".
Ba ôm từng đứa ngược lên gác, tốc mái tôn nhảy xuống nóc nhà hàng xóm, chạy khỏi biển lửa. Ba ẵm em Liên 2 tuổi, lưng đeo ba lô hành lý, tay dắt tôi 5 tuổi, chị tôi 7 tuổi và dì Sinh hòa cùng dòng người di tản. Nắng, đói và di chuyển dài làm ai cũng mệt.
Vốn cẩn thận, ba đem theo mì gói, kẹo, nước và cả khai sinh các con phòng khi loạn lạc. Mỗi lần Liên khóc ba móc túi cho cục kẹo. Đi mãi thì kẹo cũng hết. Liên khóc đòi, ba đành xé cả túi áo nó mới hết khóc.
Chân tôi bị kiến nhọt cắn sưng nên ba đành quẳng ba lô để cõng tôi. Cứ đi mãi, đi mãi vô rừng để tránh bom đạn. Hết nước thì gặm đỡ thân chuối ven đường, hoặc vớt đỡ nước đọng trong vũng uống cho đỡ cơn khát.
Nguy hiểm nhất là phải vượt qua chiếc cầu vừa hẹp, vừa dài, vừa sâu chỉ được bắc bởi một thân cây. Những người khác chỉ đi một lần cũng chết khiếp. Đằng này ba phải bò qua, bò lại bốn lần để cõng ba chị em tôi và dì Sinh sang. Xong lại đi tiếp.
Đến một buổi tối, mọi người vừa thốt lên mừng rỡ vì đã ra đường cái. Chợt một luồng sáng bay vụt lên. Có tiếng hét: "Nằm xuống". Tất cả hoảng hốt nằm rạp xuống mặt đường, chờ đợi điều khủng khiếp xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là pháo sáng, mọi người thở phào nhẹ nhõm và nhận ra mình đang ở Nước Vàng.
Bỗng xuất hiện hai chú bộ đội yêu cầu phải quay ngược lại Đồng Xoài vì tình hình phía trước bất ổn.
Thấy mọi người đói lả, các chú chặt ba khúc cây làm thành cái giá, nhóm lửa treo cà mèn - chiến lợi phẩm thu được của Mỹ - nấu chút nước cháo cho mọi người húp tạm vì gạo không đủ để nấu cơm. Thế là đoàn người lại lục tục kéo về nơi xuất phát.
Dì Sinh tiếc của dẫn chúng tôi lội vào nền nhà cũ mới hôm nào là cơ ngơi sầm uất, giờ chỉ là đống đổ nát. Tôi bị mảnh kính vỡ cắt vào làm chân chảy máu. Ba xót con mắng dì Sinh một trận.
Cả nhà tôi được người quen cho ở tạm trong cái chuồng heo vừa bị chết cháy. Hôm sau thì có mấy chú cán bộ đến mời ba đi. Chúng tôi thật sự ngơ ngác vì đã không có mẹ, giờ ba lại đi vắng nên òa khóc.
Các chú động viên: "Ba chỉ đi 10 ngày thôi". Chị em tôi đếm từng ngày 1, 2, 3 rồi quá 10 ngày sao vẫn chưa thấy ba về. Vài hôm sau thì ba chị em được đưa đến ở một gia đình là cơ sở cách mạng trước khi cậu Ba - là bộ đội - đón về Bình Dương với má.
Như sét đánh ngang tai khi có tin ba chết vì bệnh sốt rét. Má đau đớn vô cùng. Đến bữa ăn là cúng cơm cho ba.
Rồi một hôm, nghe đánh lớn ở Sài Gòn. Bụng mang dạ chửa má dắt díu cả nhà di tản lên Bưng Cầu. Rất đông người chen chúc trong một cái hầm, đạn pháo ầm ầm, bụi cát rơi đầy đầu, con nít khóc rân.
Chợt có người kêu im lặng để nghe đài. Sau này tôi mới biết đó là lúc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đó là ngày 30-4-1975 - Sài Gòn giải phóng.
Ảnh minh họa
Đi bộ nhiều quá nên ngay hôm sau má sinh. Má khóc hết nước mắt vì sáu lần vượt cạn đều là con gái. Giờ sinh được con trai thì ba không còn. Chưa đầy tháng, có người báo ba còn sống. Ba phải làm thư ký xã để trốn quân dịch nên đi học tập 4 tháng.
Má mừng như chết đi sống lại. Đang tắm mà hai chân cứ xỏ vô một ống quần. Má cúng nguyên con heo quay to tạ ơn trời Phật. Má nói: "Tài sản tiêu tan hết nhưng người còn là được. Phải chi giờ Cụ Hồ còn sống thế nào cũng vào Nam".
Một bữa đi học về, tôi thắc mắc sao má ôm chú bộ đội ngoài đường mà khóc. Thì ra chú bộ đội là ông Sáu tập kết ra Bắc từ năm 1954, đằng đẵng 20 năm bặt vô âm tín cứ ngỡ đã chết. Mừng mừng tủi tủi nên má khóc. Tôi liên tưởng câu hát của cố nhạc sĩ Xuân Hồng: "Vui sao nước mắt lại trào".
Má nuôi các em cho ông bà, các chú, các cậu đi bộ đội không hy sinh thì cũng thương binh. Má buôn bán
Tính đến hết ngày 28-3, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được 200 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/do-la-ngay-30-4-a161057.html