Lịch sử hình thành và phát triển
Vào năm 1995, 10 nhà sáng lập là những nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân cùng lý tưởng đã gắn kết, phối hợp để xây dựng đề án và tiến tới thành lập Trường cao đẳng Kỹ nghệ dân lập TP. HCM. Thời điểm đó, dù gặp nhiều khó khăn và thách thức tuy nhiên với sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, tận tâm, sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh của mình, những nhà sáng lập đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình để ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường cao đẳng Kỹ nghệ dân lập TP. HCM (SEC) - tiền thân Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn ngày nay.
Ngày 29/12/1997, Nhà trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên với hơn 700 sinh viên tại cơ sở đầu tiên của Trường, địa chỉ 354 Bến Chương Dương, Phường Cầu kho, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Ngày 05/8/1999, Nhà trường bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng Cơ sở 2 với diện tích 20.000m2 tại Đồng diều (địa chỉ 180 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8 ngày nay) nhằm đáp ứng với sự lớn mạnh của Trường và được đưa vào sử dụng vào tháng 10/2002.
Ngày 06/4/2004, trên cơ sở thành tích đào tạo và năng lực của SEC, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Trường Đại học dân lập Kỹ nghệ Tp. Hồ Chí Minh (SEU) trên cơ sở Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Tp. Hồ Chí Minh (Quyết định số 57/2004/QĐ-TTg).
Ngày 16/3/2005, SEU được đổi tên thành Trường Đại học dân lập Công nghệ Sài Gòn (Quyết định số 52/2005/QĐ-TTg).
Năm 2006, SEC chuyển về hoạt động tại một sơ sở duy nhất là 180 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8 cho đến nay. Đồng thời, cũng năm này, Bộ GD&ĐT cho phép Trường đào tạo chương trình liên kết với Đại học TROY - Hoa kỳ.
Vào tháng 7/2007, Trường Đại học dân lập Công nghệ Sài Gòn chính thức đổi tên thành Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn – STU cho đến nay.
Những thành tựu nổi bật trong quá trình hoạt động của Trường
Nhìn lại 25 năm, STU đạt được những thành tựu đáng ghi nhận và tự hào như: Đội ngũ hơn 350 cán bộ, nhân viên, giảng viên (với trên 80% có trình độ trên đại học gồm 01 giáo sư, 11 phó giáo sư, 40 tiến sĩ, 189 thạc sĩ). Ngoài ra, STU cũng đã thu hút được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đông, chất lượng và trình độ cao. Hằng năm, Trường đã mời khoảng 350 đến 400 giảng viên thỉnh giảng từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt, STU với cơ ngơi khang trang gồm 89 giảng đường, 74 Phòng thí nghiệm, Xưởng thực tập, Trung tâm máy tính, Thư viện, Hội trường, Nhà ăn, Ký túc xá và sân chơi đa năng. Khuôn viên Trường với nhiều cây xanh, thác nước, các góc học tập giúp cho các sinh viên cảm thấy thoải mái nhất khi học ở đây.
Ghi nhận sau 25 năm, STU đã có gần 58.000 học viên và sinh viên đang theo học, gần 33.000 học viên và sinh viên đã tốt nghiệp vào đời, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trường chỉ có một cơ sở duy nhất tại 180 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8 với gần 30.000m2 xây dựng và khu mới 9 tầng đang hoàn thiện với diện tích 20.000m2 (dự kiến khi hoàn thành, STU có thể đáp ứng thêm nhu cầu học tập của hơn 15.000 sinh viên).
Thành công của STU được ghi nhận qua việc được công nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng Cơ sở Giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT; chương trình đào tạo ngành Công nghệ Thực phẩm đã được công nhận đạt chuẩn Đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổ chức AUN-QA;…
Trường đã và đang có sự hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp có uy tín trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: ĐH Frankfurt – Đức, Thành phố Leipzig – Đức, ĐH Seo Kyong – Hàn Quốc, ĐH Khoa học & Công nghệ Hồng Kông, ĐH Chiang Mai – Thái Lan, ĐH Hoàng Gia Thonburi – Thái Lan,…
Với việc nắm bắt nhanh nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực có chất lượng và đã qua đào tạo ngày càng cao, STU đang mạnh mẽ khẳng định mình qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học đã được vận hành hiệu quả và có chất lượng.
Ước vọng vươn tầm của tập thể Trường STU
Cột mốc kỷ niệm 25 năm thành lập là thời điểm để các tập thể Nhà trường cùng nhìn lại, đánh giá, phân tích đầy đủ, chi tiết để từ đó đưa ra các chiến lược và chương trình hành động thể hiện ước vọng vươn tầm của STU.
Bên cạnh những thành công đã đạt được thì vẫn phải nhắc đến các thách thức, khó khăn mà STU cần vượt qua trong thời gian tới như:
Kinh tế trong nước và thế giới đang vướng vào suy thoái làm ảnh hưởng đến nhu cầu của lực lượng lao động kế thừa tương lai. Đặc biệt, tình hình sau Covid-19 cũng cần phân tích, đánh giá cụ thể nhằm có chiến lược hiệu quả trong xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của STU trong giai đoạn kế tiếp.
Sự cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng cao, đòi hỏi có chiều sâu trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu của phương pháp đào tạo mới – lấy người học làm trung tâm, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số và hội nhập.
Cần tạo sự gắn kết, tập trung và và khao khát cống hiến cho STU, vì truyền thống văn hóa STU của đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên. Lực lượng sinh viên STU phải năng động, chủ động hơn trong việc học tập, nghiên cứu và trang bị kỹ năng cho bản thân.
Bên cạnh tự hào về những kết quả mà nhiều thế hệ STU đã tạo lập, xây dựng và phát triển thời gian qua, thì những bài học thực tiễn trên nền tảng truyền thống của STU cần được chú trọng hơn. Tập thể Trường phải cùng nhau phát huy thế mạnh, chấp nhận và vượt qua thử thách, tận dụng cơ hội, đoàn kết đồng lòng, sáng tạo trí tuệ và thể hiện ước vọng vươn tầm để phấn đấu xây dựng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn – STU thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực, năng động, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội, đạt trình độ quốc tế vào thời kỳ 2025 – 2030. Cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung STU ngày càng vững mạnh, đưa STU vào giai đoạn cất cánh sau 25 năm nhìn lại.
Nhân dịp này, tập thể Nhà trường vinh dự và tự hào được nhận cờ thi đua của Chính phủ và cờ truyền thống, bằng khen của UBND TPHCM trao tặng.
Ngoài ra còn có nhiều tập thể, cá nhân của Trường vinh dự được nhận bằng khen của UBND TPHCM; 42 cá nhân vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục.
Ánh Ngọc
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/truong-dh-cong-nghe-sai-gon-chao-tuoi-25-voi-uoc-mo-va-khat-vong-vuon-tam-a16193.html