Việc nhiều trường tổ chức thi học kỳ 2 sớm khiến nhiều phụ huynh tranh luận nên hay không nên - Ảnh: THANH HIỆP
Bài viết Hơn 650 học sinh lớp 12 ở TP.HCM phải kiểm tra lại vì đề thi cuối học kỳ 2 có sơ sótĐỌC NGAY
Một bạn đọc có tên GV toán, chia sẻ thực trạng từ kinh nghiệm nghề nghiệp: "Nhiều năm nay thi xong, các em vào trường cả tháng chỉ chơi, không học hành gì. Tốn thời gian của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên.
Những nội dung quan trọng như vi phân, khoảng cách trong không gian… nếu rơi vào tuần cuối trước thi thì chỉ học lướt qua, các em không hiểu được, lên lớp 12 là quên sạch".
Cùng chung mối quan ngại, bạn đọc Bình cho biết: "Thi sớm, chạy kiến thức làm cho học sinh không trang bị đủ để thi, học chỉ được phần vỏ mà không đi sâu vào bản chất".
Phụ huynh Phạm Thùy Hương Tân gọi đây là "một thực trạng không hay".
"Thi sớm rồi, học sinh rất rảnh sau lễ 30-4. Không thể để tình trạng đó lặp lại hết năm này qua năm khác. Sở Giáo dục và Đào tạo nên tính toán lại", bạn đọc này đề xuất.
Bên cạnh những lo lắng về chất lượng dạy - học, nhiều phụ huynh cũng đặt câu hỏi về tính hợp lý của lịch học trong năm học nay.
"Tết thì nghỉ trễ, vô học sớm vì nói phải kịp chương trình. Giờ thì thi sớm. Không hiểu lịch sắp xếp ra sao", tài khoản Hưng Thịnh thắc mắc.
Phụ huynh có tên tài khoản Khắc xuất chất vấn: "Có ai kiểm tra xem sau thi học kỳ 2, thầy cô và học sinh còn dạy - học nghiêm túc không khi mà sách vẫn còn bài?".
Nhiều người nhấn mạnh rằng học sinh bậc THCS và THPT, đặc biệt là lớp 10, 11, nếu học thiếu căn bản vì phải "thi sớm cho kịp tiến độ" thì lên lớp 12 sẽ bị hụt kiến thức, ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sau này.
Thậm chí, một số ý kiến đề nghị thống nhất lịch thi trên toàn quốc, thay vì mỗi địa phương làm theo một kiểu.
"Tại sao nhiều tỉnh miền Tây thi sau lễ 30-4 mà vẫn đảm bảo hoàn thành năm học? Còn TP.HCM cứ cho thi sớm rồi cả tháng chỉ ngồi chơi? Quá lãng phí!", bạn đọc Công Huyền Tôn Nữ Minh Tân đặt vấn đề.
Giải pháp nào dung hòa?
Điểm mấu chốt, theo nhiều bạn đọc không nằm ở thời điểm thi, mà là cách tổ chức thời gian sau khi thi. Nếu các trường có kế hoạch dạy học hợp lý, tổ chức ôn tập, trải nghiệm, kỹ năng sống hoặc bổ trợ kiến thức phù hợp sau kỳ thi, thì việc thi sớm sẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi.
Phụ huynh không cần lo học sinh "ngồi chơi xơi nước" nếu biết rằng từng giờ đến lớp vẫn là những giờ học ý nghĩa. Và điều đó không chỉ phụ thuộc vào thời điểm tổ chức kiểm tra học kỳ, mà là một lời cam kết từ ngành giáo dục về chất lượng cho đến ngày cuối cùng của năm học.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/thi-hoc-ky-2-som-de-hoc-sinh-vui-choi-le-hay-lang-phi-thoi-gian-ngoi-choi-cho-he-a163027.html