“Cải cách thể chế không phải là một vấn đề mới mẻ vì Việt Nam đã đưa ra những đề xuất về vấn đề này trong nhiều kỳ đại hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai cải cách thể chế tại Việt Nam vẫn còn chậm và chưa đạt được những tiến triển đáng kể. Nếu như cải cách thể chế là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của nền kinh tế, thì việc thực thi các cải cách thể chế chính là nút thắt cần phải tháo gỡ trong quá trình này. Vì vậy, trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn 2025-2026, các cơ quan lập pháp và thực thi chính sách của Việt Nam cần phải chú trọng và triển khai một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy cải cách thể chế.
Thứ nhất, cần tập trung toàn lực vào việc sửa đổi các văn bản pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, cả từ phía cung và phía cầu. Các quy định pháp lý này phải thực sự tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các chương trình xây dựng pháp luật, loại bỏ những chương trình không thực sự cần thiết và tập trung vào các bộ luật phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và việc xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả.
Thứ hai, Chính phủ cần tập trung hơn trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cải cách thể chế cho giai đoạn mới. Trước đây, những cải cách thể chế chưa thể đi vào thực tế bởi quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu đồng bộ và không phù hợp với thực tiễn. Các quy định hướng dẫn lại mâu thuẫn hoặc không phù hợp với các văn bản của các bộ, ngành, gây khó khăn trong quá trình triển khai, vì vậy, Chính phủ cần chủ động và quyết liệt hơn trong việc tạo ra các hướng dẫn rõ ràng, nhất quán.
Thứ ba, việc thành lập một Ban chỉ đạo đặc biệt để giám sát và thúc đẩy quá trình thực thi chính sách cải cách thể chế là vô cùng cần thiết. Ban chỉ đạo này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát và thúc đẩy tiến độ triển khai các cải cách, đảm bảo rằng các chính sách không chỉ được ban hành mà còn được thực thi hiệu quả.
Thứ tư, Việt Nam đã thực hiện việc tinh gọn bộ máy, nhưng về cơ bản khối lượng công việc vẫn không thay đổi nhiều. Do đó, để đạt được mục tiêu cải cách hiệu quả, cần phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và kết nối dữ liệu. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và giúp bộ máy chính quyền thực sự trở thành một công cụ kiến tạo phát triển bền vững.
Cuối cùng, tôi mong rằng Việt Nam sẽ xây dựng một cơ chế phân cấp, phân quyền thực sự hiệu quả và triệt để, để các địa phương có thể tự quyết định và thực hiện các chính sách phù hợp với đặc thù của mình. Khi đó, chúng ta mới có thể hy vọng các cải cách thể chế sẽ được triển khai mạnh mẽ và đi vào cuộc sống, đặc biệt là ở cấp cơ sở - nơi những chính sách này có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp”.
“Hiện nay, những động lực mới của tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách và thủ tục hỗ trợ các lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, khiến cho tiềm năng phát triển chưa được khai thác tối đa. Điều này dẫn đến việc Việt Nam chưa thể đạt được xu hướng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh đó, mặc dù khu vực FDI đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng trong những năm qua nhưng lại đang phải đối mặt với những tổn thất và rủi ro lớn do bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất ổn. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và tạo ra nhiều cơ hội việc làm tại Việt Nam, nhưng vẫn đang gặp phải không ít rào cản, từ thể chế, môi trường kinh doanh đến năng lực nội tại của các doanh nghiệp.
Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần nhận thức rằng tăng trưởng kinh tế phải luôn đi đôi với sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh này, chính sách tiền tệ cần được sử dụng một cách cẩn trọng và linh hoạt, đồng thời phát triển chính sách tài khóa theo hướng mở rộng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tái cơ cấu các chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu hút FDI chất lượng cao và tạo điều kiện để khu vực trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cùng với việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế số, kinh tế dữ liệu và phát triển các ngành công nghiệp chiến lược.
Về mặt cải cách thể chế, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ các rào cản mang tính cấu trúc trong bộ máy hành chính, giảm thiểu sự chồng chéo chức năng và nâng cao năng lực quản trị cũng như điều hành kinh tế vĩ mô. Chú trọng việc chuyển đổi tư duy quản lý từ việc “làm thay” sang vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển là điều cần thiết.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững và dài hạn cho nền kinh tế, Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện hạ tầng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm an sinh xã hội và đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ. Việc cải thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics và công nghệ thông tin, không những sẽ thúc đẩy hiệu quả sản xuất và lưu thông hàng hóa mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ”.
“Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều cải cách thể chế sâu rộng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Chúng tôi tin rằng nếu những cải cách này được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng và tính bền vững trong dài hạn. Những cải cách này không chỉ tạo ra cơ hội để phát triển nền kinh tế trong nước mà còn gia tăng hiệu quả quản trị, từ đó hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của khu vực tư nhân, đồng thời giúp giảm thiểu phần nào các rủi ro và sự bất định từ bên ngoài.
Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam là nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể vượt qua những khó khăn đối với nền kinh tế. Khi nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, vai trò của Việt Nam trong việc hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ có sự chuyển mình rõ rệt. Hiểu và nắm bắt đầy đủ các thách thức, cũng như những hạn chế trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất quan trọng, giúp cho Việt Nam định hướng đúng đắn sự phát triển kinh tế và tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng lâu dài của đất nước.
Đặc biệt, sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa nhu cầu từ thị trường quốc tế, nhất là khi các thị trường xuất khẩu truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Ngoài ra, chính sách thuế quan mà Hoa Kỳ công bố đầu tháng 4/2025 có thể sẽ tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 và 2026. Trong bối cảnh đó, việc duy trì ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho những nhóm dễ bị tổn thương và giữ vững việc làm là những ưu tiên hàng đầu.
Vì vậy, các gói kích cầu tài khóa bổ sung là hết sức cần thiết để thúc đẩy nhu cầu trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững. Mặc dù chính sách giảm thuế VAT 2% từ tháng 7/2025 đến cuối năm 2026 là một bước đi tích cực, nhưng Việt Nam cần thực hiện thêm các biện pháp rộng hơn, như giảm thuế thu nhập, giảm các khoản phí và tăng chi tiêu cho các chương trình xã hội nhằm giúp thúc đẩy tiêu dùng, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc tiếp tục cải cách cơ cấu để giảm bớt gánh nặng quy định đối với doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Những cải cách này không chỉ giúp tối ưu hóa môi trường kinh doanh, mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam”.
“Khi đặt vấn đề Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình, chúng ta cần có sự thấu hiểu về diễn biến trên thị trường quốc tế, đặc biệt là môi trường địa chính trị. Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế về cả xuất khẩu lẫn FDI. Tuy nhiên, mặc dù hai khu vực này mang lại nhiều giá trị cho Việt Nam, nhưng cũng là khu vực có thể thay đổi ngay lập tức khi môi trường quốc tế biến động. Trong bối cảnh đó, việc định vị bản thân chính là tiền đề quyết định con đường vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bài toán bẫy thu nhập trung bình cần phải có một lời giải khác so với những lời giải truyền thống.
Thứ nhất, cần đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trong nước là nội lực cơ bản nhất của nền kinh tế. Việc phát triển khu vực tư nhân trong nước là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao nội lực và giảm phụ thuộc vào bên ngoài.
Thứ hai, gia tăng năng suất nhờ vào công nghệ và chuyển đổi số. Tuy nhiên, thay vì quá tập trung vào việc tiến tới công nghệ cao, chúng ta nên tập trung vào khai thác những công nghệ sẵn có. Phát triển công nghệ vừa phải phù hợp với tăng trưởng năng suất, vừa mở ra cơ hội giúp nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo.
Với bài học kinh nghiệm rút ra từ Đài Loan và Hàn Quốc, không có nền kinh tế nào vượt qua được bẫy thu nhập trung bình mà không nhờ vào đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ. Tôi cho rằng, đây là con đường mà Việt Nam cần đi theo.
Về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chúng ta cần hiểu đây là sự cân nhắc và cân đối giữa các tỷ lệ khác nhau. Ở Việt Nam, khi nhắc đến cơ cấu kinh tế thì chúng ta nói đến cơ cấu theo ngành, cơ cấu theo lĩnh vực, cơ cấu theo lao động... Trong khi đó, có một cơ cấu mà hệ thống thống kê của chúng ta hiện nay chưa thực sự nắm bắt được đó là cơ cấu về công nghệ và cơ cấu về giá trị gia tăng. Đây là yếu tố rất quan trọng khi nói về chuyển hóa cơ cấu.
Đồng thời, cần phải nỗ lực trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó cần định vị lại khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò trụ cột và trọng tâm cho sự phát triển. Trả lại vị trí trọng yếu cho khu vực kinh tế tư nhân sẽ tăng được hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có hệ thống chính sách công nghiệp. Mặc dù điều này có thể gây tranh cãi rằng liệu một quốc gia nên thực hiện chính sách công nghiệp hay không, nhưng đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cần đặt vấn đề rằng chúng ta thực sự phải thực hiện các chính sách công nghiệp. Tuy nhiên, phải nương theo năng lực cạnh tranh, thay vì chọn các ngành thắng cuộc để duy trì như trước. Đây là thay đổi rất quan trọng về mặt tư duy”.
“Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít rủi ro khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế mới, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực đạt các mục tiêu tăng trưởng cao.
Một trong những yếu tố quan trọng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan này chính là động lực xuất khẩu của Việt Nam. Dù trong vòng 90 ngày tới các cuộc thương lượng và đàm phán có diễn ra như thế nào, Việt Nam và cả thế giới đều sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao, điều này đồng nghĩa với việc môi trường thương mại quốc tế sẽ không còn tự do như trước. Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ là một thử thách lớn cho nền kinh tế Việt Nam, bởi xuất khẩu là một động lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng.
Ngoài ra, dòng vốn FDI cũng sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gia tăng, nhiều nhà đầu tư quốc tế sẽ không còn xem Việt Nam là một điểm đến tuyệt đối an toàn như trước đây, các hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam cũng có thể bị chững lại trong thời gian tới.
Để vượt qua những thách thức từ bên ngoài, Việt Nam cần phải tìm cách giải quyết các nút thắt về tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Việc phát triển tiêu dùng nội địa sẽ không chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu, mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để nền kinh tế có thể đối phó với những biến động đến từ các yếu tố bên ngoài. Tăng trưởng tiêu dùng trong nước sẽ giúp kích thích sản xuất, tạo việc làm và duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh thế giới đang có những biến động mạnh mẽ.
Đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân, môi trường đầu tư không thể dựa vào những quyết định ngắn hạn mà cần phải có sự ổn định về chính sách và nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Chính sách phải nhất quán và ổn định qua các năm, duy trì từ năm này qua năm khác, thì mới có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư tư nhân dài hạn và giúp Việt Nam duy trì được sự phát triển bền vững.
Những nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện như cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và sắp xếp lại các ngành nghề đang hướng tới việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc cải cách, Việt Nam cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đặc biệt là vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế, để tạo ra động lực mới cho nền kinh tế và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Với tất cả những yếu tố này, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và các năm tiếp theo vẫn là một mục tiêu rất đáng để phấn đấu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải thực hiện một loạt các biện pháp cải cách mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh, kiểm tra và điều chỉnh các chính sách đang triển khai. Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện các yếu tố cấu thành nền kinh tế cũng sẽ là chìa khóa để Việt Nam có thể duy trì sự tăng trưởng ổn định và bền vững trong những năm tới”.
VnEconomy 15/04/2025 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2025 phát hành ngày 14/04/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/day-manh-cai-cach-the-che-trong-boi-canh-moi-a164372.html