Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đổi mới sáng tạo đang trở thành chìa khóa vàng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và định vị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong hệ sinh thái đó, doanh nghiệp không chỉ là người thực thi mà cần trở thành “người ra đề bài” – trung tâm thúc đẩy toàn bộ chu trình đổi mới sáng tạo.
THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Phát biểu tại Chương trình lễ khai mạc tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam và Diễn đàn quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 sáng 16/4, ông Nguyễn Việt An, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, Cục Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc tạo ra ý tưởng mới, mà quan trọng hơn là hành động cụ thể để biến ý tưởng thành hiện thực. Điều này bao gồm việc phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới hoặc mô hình quản trị mới.
“Nếu sáng tạo là tiền đề để nghĩ ra cái mới, thì đổi mới sáng tạo nhấn mạnh tính ứng dụng, tính hành động giúp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện năng suất, chất lượng”, ông Nguyễn Việt An nói.
Đặc biệt, cách tiếp cận đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện đã có sự thay đổi đáng kể. Trước đây, theo cách tiếp cận truyền thống, Việt Nam thường đi theo hướng từ khoa học công nghệ rồi mới đến đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
“Mô hình này giống như đi từ trên xuống, trong đó bộ máy quản lý nhà nước thường là người khởi xướng, giao nhiệm vụ nghiên cứu cho các viện, trường qua các đề tài, đề án. Tuy nhiên, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống lại chưa được chú trọng đúng mức. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa nghiên cứu – ứng dụng – thương mại hóa vẫn còn xa”, ông Nguyễn Việt An nói.
Hiện nay, cách tiếp cận mới là đi từ chuyển đổi số để tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra nhu cầu công nghệ và cuối cùng là dẫn dắt hoạt động khoa học. Nói cách khác, chuyển đổi số đóng vai trò tiên phong, giúp định hình môi trường, hạ tầng và nhu cầu cho đổi mới sáng tạo.
DOANH NGHIỆP Ở VÀO VỊ TRÍ TRUNG TÂM CỦA HỆ SINH THÁI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Chính đổi mới sáng tạo – xuất phát từ nhu cầu thực tế – sẽ kích thích sự phát triển công nghệ. Và khi các vấn đề công nghệ trở nên rõ ràng, chúng sẽ đặt ra bài toán cụ thể cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Đây là một chu trình “đảo chiều” so với truyền thống, nhưng lại rất phù hợp với xu thế hiện đại, nơi nhu cầu thị trường và thực tiễn sản xuất trở thành động lực chính cho hoạt động R&D.
Trong cách tiếp cận mới này, doanh nghiệp đang ở vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp, khi thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo, sẽ phát sinh các nhu cầu cụ thể – từ chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình đến phát triển sản phẩm mới. Chính những nhu cầu này sẽ là động lực để doanh nghiệp chủ động “đặt đề bài” và tìm đến các viện, trường để hợp tác nghiên cứu, phát triển giải pháp. Khi doanh nghiệp và khối nghiên cứu – đào tạo đã kết nối với nhau một cách chủ động, lúc đó vai trò của Nhà nước sẽ là người hỗ trợ, thúc đẩy sự kết nối này trở nên hiệu quả, thông qua các chính sách, cơ chế tài chính, chương trình hỗ trợ R&D, hay nền tảng chia sẻ tri thức.
“Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn phát triển kinh tế: giai đoạn nông nghiệp giúp thoát nghèo, giai đoạn công nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI và gia công đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình, và giai đoạn hiện nay, khi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực để tiến tới một quốc gia phát triển, thu nhập cao”, ông Nguyễn Việt An nói.
Theo ông An, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được nhắc đến từ lâu, nhưng chỉ trong thời gian gần đây, các yếu tố này mới thực sự nhận được sự quan tâm đặc biệt.
THỰC TRẠNG THÁCH THỨC CỦA DOANH NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Misa, cho biết công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Khi doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ, họ có thể cải tiến hoạt động sản xuất, quản trị, phát triển sản phẩm, từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường”, ông Lê Hồng Quang nói. “Một cách ngắn gọn, công nghệ là phương tiện cốt lõi giúp doanh nghiệp đổi mới, tạo ra giá trị và duy trì lợi thế cạnh tranh”.
“Nếu nhìn lại các phương thức sản xuất trong quá khứ, chúng ta thấy rằng cạnh tranh trong thời kỳ nông nghiệp là dựa vào tài nguyên thiên nhiên, như dầu mỏ hay đất đai màu mỡ. Đến thời kỳ công nghiệp, các quốc gia có công nghệ cơ bản, bí quyết kỹ thuật và vốn đầu tư chiếm ưu thế", ông Lê Hồng Quang nói.
Nhưng trong thời đại số hiện nay, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và điện toán đám mây, một sân chơi mới đã mở ra. Những công nghệ này mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam để cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Nhờ vào các công nghệ nền tảng như AI, doanh nghiệp Việt Nam có thể sáng tạo ra vô số sản phẩm mới, xây dựng lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Tuy nhiên, đại diện Misa cũng cho biết thực tế cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải nhiều thách thức trong quá trình đổi mới sáng tạo, từ chi phí đầu tư cao vào công nghệ cho đến sự khó khăn trong việc triển khai và áp dụng các giải pháp số.
Về những khó khăn của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Việt An cũng cho rằng doanh nghiệp Việt còn thiếu nhân lực chất lượng cao, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ và thiếu hiểu biết sâu sắc về vai trò của đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường gặp rào cản lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn, do hệ thống tài chính – ngân hàng chưa thực sự hiểu và đánh giá đúng rủi ro, tiềm năng của các mô hình kinh doanh sáng tạo.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, đại diện MISA cho biết thực tế, đổi mới sáng tạo luôn đi kèm với thách thức, bất kể trong lĩnh vực nào hay doanh nghiệp nào. “Bản chất của đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải liên tục phát triển sản phẩm mới, thay đổi mô hình kinh doanh và bắt kịp xu hướng thị trường. Nếu không theo kịp, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị bỏ lại phía sau”, đại diện MISA nói.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên AI, sự cạnh tranh còn “có tính phá hủy”. Nghĩa là, đó không còn là cuộc đua hơn thua trong thời gian dài, mà một sản phẩm mới ra đời cũng có khả năng thay thế hoàn toàn một doanh nghiệp lâu đời chỉ trong thời gian ngắn. Do đó, ông Lê Hồng Quang cho rằng điều đầu tiên là doanh nghiệp phải “thay đổi tư duy, thích nghi với thời đại mới. Đối với AI, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phổ cập AI trong doanh nghiệp”.
Để làm được điều này, theo ông Quang, doanh nghiệp cần thực hiện bốn bước cụ thể.
Một là, lãnh đạo doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu khi ứng dụng AI, ví dụ như cải thiện năng suất, tối ưu hóa quy trình hay phát triển sản phẩm mới.
Hai là, tổ chức đào tạo kiến thức về AI cho toàn bộ nhân viên, đảm bảo mọi người đều hiểu và sử dụng được công nghệ này.
Ba là, tái cấu trúc các quy trình làm việc, đặt AI làm trung tâm để tự động hóa và nâng cao hiệu quả.
Bốn là, lựa chọn các giải pháp và công cụ AI phù hợp với nhu cầu và đặc thù của doanh nghiệp. Đây là hướng đi chiến lược để doanh nghiệp không chỉ bắt kịp mà còn tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong đổi mới sáng tạo.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/doanh-nghiep-can-la-nguoi-ra-de-bai-cho-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-a164898.html