![]() |
TS Cấn Văn Lực và các chuyên gia trong phần thảo luận, trao đổi ý kiến |
Ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam và các lãnh đạo, chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế (ADB, IMF, JICA, JBIC…), các định chế tài chính… dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Phương cho biết: “Liên tục trong 3 năm qua, BIDV đã đồng phối hợp với ADB tổ chức Hội thảo thường niên về "Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng". Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các định chế tài chính (ĐCTC) trong và ngoài nước, hiệp hội, viện nghiên cứu, giới truyền thông. Năm nay, tiếp nối thành công của 3 kỳ báo cáo trước, BIDV - với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của ADB - tiếp tục thực hiện Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”. Cho đến nay đây là Báo cáo duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng – Chứng khoán – Bảo hiểm.
Chúng tôi tin rằng chuỗi báo cáo này đã, đang và sẽ góp phần cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam.
![]() |
Ông Trần Phương – Phó Tổng giám đốc BIDV phát biểu tại hội thảo |
Nhận định về thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 nhóm nghiên cứu nhận định rằng, thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 về cơ bản khá ổn định và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tín dụng tăng hơn 15%, huy động vốn tăng 10,5% (phần chênh lệch được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp một phần qua thị trường mở, phần còn lại do các tổ chức tín dụng (TCTD) đa dạng hóa các kênh dẫn vốn). Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng thương mại niêm yết đạt 299 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm 2023 (3,8%).
Xu hướng xanh hóa và số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực, chỉ số VN-Index tăng 12,11% và giá trị vốn hóa tăng 14,3% so với năm trước, thanh khoản, tăng 19% so với năm 2023. Thị trường TPDN tiếp tục phục hồi khi tổng giá trị TPDN phát hành đạt 466,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2023.
Kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán khả quan khi lợi nhuận sau thuế tăng 32%, chủ yếu là nhờ nguồn thu môi giới và tự doanh, cho vay ký quỹ. Khối doanh nghiệp bảo hiểm khó khăn hơn khi niềm tin chưa phục hồi sau một số vụ việc trong mảng đầu tư liên kết và bồi thường bão Yagi, doanh thu phí bảo hiểm giảm 0,25%, lợi nhuận trước thuế của 9 DN bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết giảm 6% so với năm 2024…v.v.
Tuy nhiên, thị trường tài chính năm 2024 còn nhiều thách thức khi nợ xấu tăng và áp lực vẫn hiện hữu, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các TCTD có xu hướng giảm, áp lực tăng vốn cao. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán thiếu bền vững, nhu cầu tăng vốn lớn trong khi kết quả kinh doanh của các DN bảo hiểm ghi nhận kết quả trái chiều do ảnh hưởng của bão Yagi và niềm tin cần thời gian để phục hồi. Xu hướng xanh hóa và số hóa tăng nhưng rủi ro an ninh mạng, rủi ro thông tin – dữ liệu gia tăng, hạ tầng cho công ty chứng khoán còn chậm nâng cấp.v.v.
![]() |
Nhiều chuyên gia đánh giá cao chất lượng của báo cáo. |
ADB và BIDV cũng cho rằng, bối cảnh quốc tế năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn sau khi ông D. Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế. Kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là từ bối cảnh quốc tế.
Theo đó, mức độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ. Với kịch bản cơ sở (xác suất 60%), giả định Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống còn khoảng 20-25% (từ mức 46% dự kiến hiện tại), tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt khoảng 6,5-7%.
Với kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8%. Với kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5-6% năm 2025. Lạm phát cả năm 2025 dự báo tăng khoảng 4-4,5%.
Với bối cảnh quốc tế và trong nước như nêu trên, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với một số rủi ro, thách thức. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14-15% (do lực cầu và hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu, thị trường BĐS phục hồi còn chậm với giá BĐS còn cao, vượt nhiều khả năng chi trả của người dân).
NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm nhẹ theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN (dù lãi suất huy động vốn tăng ở một số thời điểm, khiến biên lợi nhuận của các TCTD thấp hơn năm 2024).
Tỷ giá sẽ còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co, tăng khoảng 3-4% trong cả năm. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng tích cực (15-20%), thấp hơn nhiều so với năm 2024. Thị trường cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và kết quả của doanh nghiệp niêm yết khả quan.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia nghiên cứu của BIDV và ADB, tại thị trường tài chính năm 2025 vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm kiểm soát như: những biến động bất ngờ, khó đoán định trên thị trường quốc tế (đặc biệt là vấn đề thuế quan của Mỹ), tác động mạnh đến nền kinh tế mở và thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, trong đó có cả dòng vốn FDI và đầu tư gián tiếp (FII); áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn khá lớn và rơi nhiều vào nhóm doanh nghiệp bất động sản (chiếm gần 56% tổng số); nợ xấu chịu nhiều áp lực tăng, đòi hỏi sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017 của Quốc Hội để xử lý căn cơ hơn; rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn.
Đánh giá thực trạng và khả năng phát triển thị trường TPDN Việt Nam, nhóm chuyên gia cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2021, thị trường phát triển rất nhanh, khối lượng phát hành tăng trưởng hơn 50% mỗi năm, tổng khối lượng phát hành 1,04 triệu tỷ đồng, đưa tổng dư nợ trái phiếu lên mức khoảng 14,75% GDP.
Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng cùng với hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh đã dẫn đến nhiều vấn đề, như các vụ sai phạm trên thị trường, khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, tỷ lệ trái phiếu gặp rủi ro gia tăng, niềm tin nhà đầu tư suy giảm…v.v.
Trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn
Một số kiến nghị chính sách ý nghĩa
Nhóm kiến nghị chung mà nhóm chuyên gia ADB và BIDV đưa ra bao gồm:Một là, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính địa phương theo mô hình 2 cấp, kiên định chống lãng phí, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh;
Hai là, kiên định, chú trọng các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, trong đó cần chủ động, tích cực đàm phán, với gói chính sách phù hợp, đủ mạnh, nhằm giảm thuế đối ứng, đẩy nhanh đàm phán, ký kết thỏa thuận thương mại đối ứng giữa 2 nước trong thời gian sớm nhất; chủ động sớm giải quyết kịp thời, hợp lý các quan ngại, vướng mắc mà phía Mỹ đang quan tâm (đặc biệt là 24 vấn đề trong 14 nhóm rào cản được đề cập trong Báo cáo rào cản thương mại công bố ngày 31/3/2025);
Thứ 3 là, xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ như tăng nhập khẩu từ Mỹ, kiểm soát, minh bạch hóa vấn đề nguồn gốc xuất xứ, trung chuyển hàng hóa…
Những kiến nghị nhằm ổn định và phát triển thị trường tài chính bao gồm: Phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, giảm bớt gánh nặng cung ứng vốn trung – dài hạn lên hệ thống ngân hàng; (ii) thúc đẩy sự phát triển và sớm nâng hạng TTCK; Gia tăng khả năng cung ứng và hấp thụ vốn của nền kinh tế; Thúc đẩy phát triển bền vững, tài chính xanh...
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho phát triển thị trường trái phiếu; đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện hơn báo cáo mang tính thị trường rất cao này.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/bidv-va-adb-bao-cao-danh-gia-toan-canh-thi-truong-tai-chinh-va-trien-vong-nam-2025-a165885.html