Món chân gà hầm đậu phộng - Ảnh: Minh họa
Chị N.T.N., 45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM, kể không biết có phải dạo này chị tăng ký nhiều hay không mà cứ đứng lâu lại thấy nhức xương khớp. Lướt mạng chị N. thấy nhiều trang cá nhân thông tin ăn món chân gà hầm đậu phộng nhiều sẽ chữa được bệnh xương khớp nên chị thường xuyên nấu món này để ăn.
Bác sĩ Nguyễn Kim Ngân - khoa khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - cho hay y học cổ truyền gọi chân gà là kê cân, do chân gà chủ yếu là xương, sụn, gân cơ và rất ít thịt. Chân gà có vị ngọt, tính bình hơi ấm, không độc, có tác dụng bổ hư, mạnh gân cốt... thường dùng bổ dưỡng về gân xương, sinh lý yếu, tỳ hư lâu ngày, người lớn tuổi hay bị xuất huyết nhiều nơi, yếu tay chân đi lại chậm, trẻ em còi cọc, chậm đi, chậm mọc răng, nhiều mồ hôi.
Đặc biệt, chân gà giàu protein, canxi, sắt, vitamin B1, B2 và nhiều collagen tốt cho da và sụn khớp, hỗ trợ cải thiện sức khỏe cơ xương khớp.
Đậu phộng còn có tên: lạc, lạc hoa sinh, lạc địa hoa sinh, thổ đậu, địa đậu... Về thành phần dinh dưỡng, trong hạt lạc có 40 - 50% dầu béo; 20 - 30% chất có nitơ; 8 - 21% tinh bột; 2 - 5% celulose; 2 - 4% tro; vitamin, chất vô cơ… Vỏ hạt lạc có sterol, tanin, flavonoid… Đậu phộng có nhiều acid béo chưa no, giảm nguy cơ làm tăng cholesterol huyết gây xơ vữa động mạch, giúp phòng ngừa các bệnh mạch vành.
Vỏ đậu phộng có tác dụng kháng dung giải fibrinogen, xúc tác tạo tiểu cầu, tăng tính đàn hồi vi mạch, nên có tác dụng cầm máu trong các trường hợp xuất huyết vi thể.
Theo Đông y, đậu phộng vị ngọt, tính bình, ấm, quy vào tỳ và phế. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản ho khan ít đờm, thiếu máu, các chứng xuất huyết, nôn ói trào ngược dịch vị, huyết trắng, phù nề, sản phụ sau sinh ít sữa, táo bón, người tăng huyết áp, tăng cholesterol trong máu.
Món chân gà hầm đậu phộng thích hợp trong hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, nhất là trường hợp gầy ốm, cơ nhục run, yếu, thoái hóa khớp, lớp sụn bị bào mỏng...
"Khi chế biến nên loại bỏ bớt mỡ trong chân gà, nấu xong nên múc bỏ bớt lớp váng dầu, mỡ trên bề mặt món ăn. Món ăn này để hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng cho các vấn đề bệnh lý đã nêu trên, không phải dùng đơn độc món ăn này để chữa bệnh.
Cần sự thăm khám, hỏi han kỹ lưỡng về bệnh lý cơ xương khớp trước khi đưa ra các phương án điều trị bệnh", bác sĩ Kim Ngân khuyên.
Những ai nên hạn chế món chân gà hầm đậu phộng?
Món chân gà hầm đậu phộng rất giàu dinh dưỡng và có tính ấm, do đó những người có mỡ máu cao, mắc các vấn đề tim mạch như xơ vữa mạch máu, thừa cân, béo phì hay có các vấn đề sức khỏe như nóng trong người, mụn nhiều, nhiệt miệng, đặc biệt là người bị sưng đau khớp do gút nên hạn chế ăn món này.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/chan-ga-ham-dau-phong-than-duoc-chua-benh-xuong-khop-hay-chi-la-loi-don-thoi-a166095.html