Tại Diễn đàn ESG Việt Nam với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" vừa diễn ra chiều 23/4, các chuyên gia ra chỉ ra những xu hướng quan trọng trên toàn cầu đang tác động mạnh mẽ nhất đến chiến lược phát triển bền vững hiện nay cũng như câu chuyện thực thi ESG của các doanh nghiệp.
ÁP LỰC TỪ THỊ TRƯỜNG, NHÀ ĐẦU TƯ VÀ NGƯỜI DÙNG VỀ ESG VỚI DOANH NGHIỆP NGÀY CÀNG LỚN
Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI, trước hết đó là vấn đề biến đổi khí hậu và các rủi ro môi trường ngày càng gia tăng. Thời tiết cực đoan, nước biển dâng, và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon để đáp ứng các cam kết phát triển xanh.
Bên cạnh đó, áp lực từ nhà đầu tư và người tiêu dùng đối với minh bạch ESG ngày càng lớn. Các quỹ đầu tư toàn cầu đang chuyển dịch dòng vốn vào các doanh nghiệp có báo cáo ESG tốt, đồng thời người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường và có đạo đức kinh doanh rõ ràng. Trong 1 đêm 1 công xưởng may mặc với 28.000 công nhân phải đóng cửa vì họ sử dụng lao động trẻ em, ông Huy dẫn chứng.
Ngoài ra, sự gia tăng của công nghệ số và chuyển đổi số cũng là một xu hướng then chốt. Công nghệ giúp doanh nghiệp thu thập, phân tích, khai phá, trình bày, đo lường và công bố dữ liệu ESG hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.
Cũng theo Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, khung chính sách và tiêu chuẩn quốc tế về ESG cũng đang hoàn thiện nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ tuân thủ trong nước mà còn phải đáp ứng yêu cầu toàn cầu, đặc biệt nếu muốn mở rộng ra thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ESG không còn là lựa chọn mang tính hình thức mà trở thành một phần chiến lược cốt lõi trong quản trị rủi ro, nâng cao giá trị thương hiệu và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tiên phong tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn và thích ứng tốt hơn trong tương lai đầy biến động.
Chia sẻ quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, bổ sung thêm một số xu hướng thay đổi tác động đến phát triển bền vững, thực thi ESG
Nhấn mạnh vấn đề tái cấu trúc chuỗi cung ứng, ông Mạc Quốc Anh cho biết hiện nay các nước đều quan tâm đến vấn đề năng lượng. Trong khảo sát 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp ở 15 quốc gia cho thấy 54% doanh nghiệp sẽ điều chỉnh chuỗi giá trị để phù hợp với việc tái cấu trúc chuỗi giá trị năng lượng và cân nhắc sẽ đầu tư, di dời trong 5 năm tới để tiếp cận điện tái tạo. 5 năm tới xu hướng có thể tăng lên 89%.
Theo chuyên gia này, các doanh nghiệp cân nhắc di dời sang năng lượng mặt trời, điện gió. Năng lượng sạch gần như giấy thông hành để vào các thị trường và để kêu gọi vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, cuộc đua trợ cấp cho công nghệ sạch sẽ được tiếp tục tái đầu tư trong những năm tới. Các cường quốc trên thế giới sẽ kích hoạt các cuộc đua về thuế để làm sao tăng nhu cầu nội địa hóa, công nghệ xanh, tăng đặt nhà máy ở các nước thân thiện.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh vấn đề đa dạng hóa về linh kiện; vấn đề liên quan đến tài chính bền vững lên hạng. Năm 2025 là năm phải đo sức khỏe của trái phiếu xanh, trái phiếu quỹ chuyển đổi và tài chính khí hậu được chú trọng.
Ông cũng chỉ ra các xu hướng đầu tư công nghệ số, AI; sự chuyển dịch năng lượng, khử carbon, chuỗi giá trị và các khuôn khổ chống phá rừng, các yêu cầu về vùng trồng cafe, ca cao…
CÂN BẰNG HIỆU QUẢ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, có 4 điểm sáng về triển khai ESG hiện nay ở Việt Nam.
Thứ nhất, hiện nay, tín dụng xanh đã tăng 22% so với cùng kỳ 2023, đã hình thành đường băng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận mặc dù rất nhỏ. Trước đây, tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều.
Thứ hai, nguồn vốn quốc tế vào ESG đã cao hơn so với trước. Đơn cử như IFC cam kết 210 triệu USD cho thị trường xanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ năng lực tiếp cận nguồn vốn này, phần lớn dành cho doanh nghiệp lớn.
Thứ ba, khung pháp lý rõ ràng hơn so với trước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định về cho vay xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ tư, nhận thức của doanh nghiệp đã rõ nét hơn để xác định tiếp cận khách hàng.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng chỉ rõ thực tế hiện này mới có 4,5% tín dụng xanh. Ngân hàng thường rót vốn vào dự án lớn nhằm bớt rủi ro hơn. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa rủi ro hơn nên khó tiếp cận được tín dụng xanh từ ngân hàng khi không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, lãi suất cho dự án ESG chưa được ưu đãi nhiều. Khả năng hấp thụ vốn công nghệ xanh vẫn còn thấp.
Vận dụng ESG vào việc xây dựng chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự bền vững, tạo "sức đề kháng" cho doanh nghiệp chống lại những thay đổi nhanh của thời cuộc. Đừng xem ESG là một gánh nặng mà nó là một cơ hội. ESG không phải là món trang sức, không phải là trào lưu mà là lợi thế.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn ESG doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nhiều. Thống kê cho thấy chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp chưa nghe đến ESG, không có nhân sự, khó giữ chân nhân sự am hiểu về ESG, thậm chí nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết đăng ký đâu để hỗ trợ ESG.
Để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống. Ông Huy khuyến nghị, trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm.
Chuyên gia này cũng cho rằng cần đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, xử lý chất thải hiện đại và áp dụng công nghệ số để đo lường, quản lý dữ liệu ESG.
Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục. Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khối SME.
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA), lưu ý rằng vận dụng ESG vào việc xây dựng chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự bền vững, tạo "sức đề kháng" cho doanh nghiệp chống lại những thay đổi nhanh của thời cuộc. "Đừng xem ESG là một gánh nặng mà nó là một cơ hội, nếu nhìn thấy ESG là cơ hội sẽ luôn có cách để làm", ông Khoa nêu quan điểm.
Cùng với đó cần xây dựng hệ sinh thái ESG quốc gia, tích hợp ESG vào sản phẩm dịch vụ, đưa ESG vào trong giáo dục, nâng cao nhận thức về ESG. "ESG không phải là món trang sức, không phải là trào lưu mà là lợi thế", ông nói.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/esg-tao-suc-de-khang-cho-doanh-nghiep-chong-lai-nhung-thay-doi-nhanh-cua-thoi-cuoc-a166429.html