Trong khuôn khổ tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra” ngày 2/4, đại diện nhiều bộ ngành đặt vấn đề về nguyên nhân gốc rễ, để từ đó tìm hướng khắc phục phù hợp.
Gốc rễ của buôn lậu: Khó khăn từ nhu cầu người dùng
Theo Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều đợt ra quân phòng chống buôn lậu thuốc lá, tuy nhiên thực trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Ông Tiến khẳng định: “Thói quen của người tiêu dùng rất quan trọng, nhu cầu sử dụng thuốc lá nhập lậu vẫn còn”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Chính sách (VERP) cũng cho biết, người dùng rất “nhạy cảm” với giá, chỉ cần giá chênh một chút họ cũng sẵn sàng đi xa hơn để mua hàng.
Phân tích trên cho thấy, các chính sách được đưa ra nhằm siết chặt tiêu thụ trong nước không đồng nghĩa với việc người dùng sẽ bỏ tiêu thụ thuốc lá như giả thuyết đặt ra, mà thay vào đó họ sẽ tìm đến các nguồn cung khác để đáp ứng nhu cầu, mong muốn.
Không chỉ đối với thuốc lá truyền thống, hiện các mặt hàng thuốc lá mới nhập lậu – gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) – cũng trở thành “gánh nặng” trong công tác phòng chống buôn lậu. Theo nhận định của Trung tá Nguyễn Minh Tiến, một trong những thách thức của hoạt động chống buôn lậu đến từ chính nhu cầu tiêu dùng TLĐT, TLNN nhập lậu còn cao.
Tội phạm sử dụng công nghệ mới
Dưới góc nhìn cung cầu, ông Nguyễn Quốc Việt đề xuất: “Để kiểm soát thị trường buôn lậu thuốc lá, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có hệ thống chính sách đồng bộ. Điều quan trọng là phải tiến hành đánh giá tác động toàn diện đối với các chủ thể liên quan, dù là để ban hành chính sách mới hay là bỏ chính sách cũ”. Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh bên cạnh nhu cầu người dùng, yếu tố công nghệ mới áp dụng trong kênh phân phối và “máu liều” của các nhóm tội phạm là những khó khăn khiến cho công tác phòng chống buôn lậu không đạt như kỳ vọng. Đặc biệt, các chuyên gia đều nhận định, trên hết vẫn là nguyên tắc “có cầu ắt có cung”, do đó việc nhìn nhận rõ về xu hướng tiêu dùng, tính toán cung cầu là rất quan trọng.
Trên thực tế, một số chuyên gia cho rằng, đã có nhiều bài học tại các quốc gia cho thấy chính sách cần tính toán phù hợp hơn. Chính sách quá “cực đoan” có thể dẫn đến công tác phòng chống buôn lậu càng phức tạp, khó khăn, thiệt hại cho cả người dùng và chính phủ, chẳng hạn như tại Singapore, Thái Lan hay Úc... Ngược lại, tại một số quốc gia, phương án dung hòa giữa phần nào nhu cầu của người dùng, bên cạnh chính sách kiểm soát, giảm tác hại của thuốc lá đang được lựa chọn.
Điển hình, chính phủ Úc áp dụng chính sách cấm hoặc hạn chế hà khắc đối với thuốc lá mới cộng với mức thuế cao, nhưng TLĐT vẫn ngày càng phổ biến. Theo khảo sát trên hộ gia đình về Chiến lược Quốc gia về Ma túy của Úc, tỷ lệ người từ 14 tuổi trở lên sử dụng TLĐT đã tăng gấp đôi từ 2019 đến 2022-2023.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia
Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế về chống buôn lậu thuốc lá, lệnh cấm tại một số quốc gia còn vô tình tạo kẽ hở cho thị trường lậu phát triển với các sản phẩm giá rẻ và khó kiểm soát hơn. Đáng chú ý, “khoảng trống lợi nhuận” lớn càng thu hút các tổ chức tội phạm tham gia vào hoạt động buôn lậu. Lợi nhuận từ các hoạt động này cũng có thể được dùng để “đầu tư” vào các hoạt động ngầm nghiêm trọng hơn như rửa tiền, buôn bán chất cấm, vũ khí...
Tại bang Victoria (Úc), việc tranh giành quyền kiểm soát thị trường chợ đen giữa các nhóm tội phạm đã dẫn đến hơn 100 vụ tấn công bằng bom xăng vào các cửa hàng TLĐT chỉ trong năm 2024, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng.
![]() |
Nhiều cửa hàng thuốc lá điện tử bị thiêu rụi trong cuộc chiến giành thị phần giữa các nhóm buôn lậu. (Ảnh: The Guardian) |
Ngược lại với tình hình buôn lậu leo thang tại Úc, Mỹ đã áp dụng chiến lược “kiềng ba chân” hiệu quả hơn: cấp phép và giám sát chuỗi cung ứng, trong đó có trấn áp hàng lậu; sử dụng tem thuế và dấu hiệu nhận diện sản phẩm; và tăng cường giáo dục cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Theo đó, một số sản phẩm “thuốc lá không khói” qua kiểm định khoa học đã được cung cấp hợp pháp tại Mỹ, đồng thời chịu quản lý chặt chẽ về quy định thương mại, để chỉ tiếp cận đúng đối tượng người hút thuốc trưởng thành, thông qua cơ chế hậu kiểm. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có quyền tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hàng trăm nghìn USD với các doanh nghiệp bán TLĐT trái phép.
Nhằm kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá đồng thời ngăn chặn hàng lậu, từ đầu năm nay Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu FDA tinh giản quy trình cấp phép kinh doanh cho các sản phẩm thuốc lá, ưu tiên cung cấp những sản phẩm thay thế ít độc hại hơn.
Song song đó, mới đây FDA vừa công bố chiến dịch giáo dục cộng đồng đã giúp ngăn chặn gần 450.000 trẻ vị thành niên (từ 11-17 tuổi) tiếp cận TLĐT, giúp giảm gần 70% tỷ lệ sử dụng TLĐT ở giới trẻ so với năm có tỷ lệ cao nhất là 2019 (27,7%). Hiện con số này chỉ còn 5,9%, đạt mức thấp nhất trong 25 năm qua.
So sánh kết quả thực tiễn từ các quốc gia là Mỹ và Úc, cho thấy việc ban hành chính sách cần được cân nhắc nhiều yếu tố, thay vì chỉ tập trung vào một góc độ như tác hại của sản phẩm hay giới trẻ.
Việc siết chặt nguồn cung hợp pháp của các sản phẩm, đặc biệt trong ngành hàng thuốc lá có thể là nguồn gốc của việc gia tăng tỷ lệ buôn lậu, kéo theo các hình thái phạm tội khác. Do đó, một cách tiếp cận cân bằng, kết hợp với việc đánh giá tác động toàn diện đến các chủ thể liên quan là nền tảng để quản lý thị trường thuốc lá hiệu quả hơn...
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/phong-chong-buon-lau-thuoc-la-vi-sao-van-khong-nhu-ky-vong-a166570.html