Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu - Ảnh: DANH KHANG
Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa giao lưu cùng các nghệ sĩ bên lề hội nghị - Ảnh: DANH KHANG
TS Nguyễn Tiến Thư - phó viện trưởng Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - phân tích trước đổi mới, văn học và nghệ thuật chịu sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung và hình thức, chủ yếu tập trung vào đề tài cách mạng, kháng chiến, lao động và xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Sau đổi mới, sự vận hành của kinh tế thị trường giúp văn nghệ sĩ có nhiều không gian sáng tạo hơn, phản ánh hiện thực xã hội một cách đa chiều và chân thực hơn.
Nhiều tác phẩm không còn bị giới hạn trong khuôn khổ tư tưởng chính trị mà mở rộng sang các chủ đề xã hội, đời sống cá nhân, thân phận con người và những vấn đề toàn cầu hóa.
Các nhà văn như Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Hướng... xuất hiện với những tác phẩm mang đậm tính phản biện, thể hiện cái nhìn đa chiều về chiến tranh và cuộc sống hậu chiến.
Một số tác phẩm văn học tiêu biểu trong 50 năm đất nước thống nhất được trưng bày tại hội nghị - Ảnh: T.ĐIỂU
Người Việt muôn phương xích lại gần nhau
TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) nêu ra thực tế nhờ Internet, văn học tiếng Việt và văn học của người Việt ở trong nước hay nước ngoài được gắn kết.
Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, văn nghệ sĩ trí thức gốc Việt đã sớm thành lập các trang web, trong đó có nhiều trang web chuyên biệt về văn hóa, văn nghệ.
Điều này mở ra cơ hội cho văn nghệ sĩ trí thức và bạn đọc phổ thông ở trong nước không chỉ có thêm thông tin, hiểu biết về đời sống văn học nghệ thuật của người Việt ở nước ngoài mà còn có thêm sự cảm thông, chia sẻ với văn nghệ sĩ trí thức và bạn đọc người Việt ở nước ngoài - những người mấy mươi năm qua vẫn nỗ lực giữ gìn và sáng tạo bằng tiếng Việt, làm giàu có tiếng Việt và tình yêu tiếng Việt.
Đồng thời văn nghệ sĩ trí thức người Việt ở nước ngoài cũng giới thiệu văn học Việt Nam tới cộng đồng người Việt xa xứ, thông qua văn học để giúp họ thông hiểu về quê nhà sau những tháng năm xa cách. Những giao lưu văn hóa, văn học này đã giúp cộng đồng người Việt năm châu bốn biển xích lại gần nhau hơn.
Ông Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại hội nghị - Ảnh: DANH KHANG
Tôi còn nhớ năm 1976 những cụ già làng tôi đã mời các cụ già thoát ly về làng họp trong đình, tôi may mắn được tham dự.
Cuộc họp để kêu gọi người làng từ khắp nơi cùng chung tay xây dựng cổng làng đã bị tàn phá trong chiến tranh.
Trên cổng làng đó khắc bốn chữ "Vọng tự nhập xuất", có nghĩa là hãy nhìn chữ để biết việc ra vào.
Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, điều mà người Việt Nam muốn dựng lên là dựng lại nền văn hóa lâu đời của mình. 50 năm qua, Đảng, Nhà nước, với các chính sách quản lý ngày càng tiến bộ, đã cùng người dân Việt Nam dựng lại nền văn hóa của dân tộc.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu một số nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò của văn học nghệ thuật.
Đầu tiên là cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, gắn với đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng, không gian phát triển văn học nghệ thuật.
Trong đó cần chú trọng tính đặc thù của văn học nghệ thuật, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Phải đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về văn học nghệ thuật. Rà soát, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Những quy định, chế độ, chính sách lạc hậu, bất cập, không phù hợp cần phải kiên quyết loại bỏ.
Sớm áp dụng hợp tác công tư trong điện ảnh
Tại hội nghị, TS Ngô Phương Lan - nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - nhắc đến thành công của phim Địa đạo như một dẫn chứng sinh động cho thành tựu văn học nghệ thuật 50 năm qua. Bà cũng cho biết đáng lẽ bộ phim đã được sản xuất sớm hơn, với vốn của Nhà nước.
Năm 2017, khi bà còn làm cục trưởng Cục Điện ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã hoàn tất thủ tục hồ sơ để được sản xuất bộ phim theo hình thức Nhà nước đặt hàng.
Tuy nhiên năm đó ngân sách duyệt kinh phí sản xuất cho bộ phim là 28 tỉ đồng, không đủ để làm phim. Đạo diễn muốn đề xuất hợp tác công - tư, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân cùng góp vốn nhưng hình thức đầu tư này đến nay vẫn chưa được áp dụng. Cuối cùng bộ phim cũng hoàn thành và rất thành công nhờ nguồn vốn hoàn toàn từ tư nhân.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - nêu các giải pháp phát triển điện ảnh hiện nay, trong đó đề xuất nên sớm cho áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong khâu sản xuất và phổ biến phát hành phim để kịp thời bổ sung nguồn lực cho điện ảnh.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/van-hoc-nghe-thuat-gop-tieng-noi-hoa-hop-dan-toc-a166846.html