Có một “địa ngục trần gian” giữa rừng thông xứ Huế

Từng được ví như “địa ngục trần gian” dưới thời kháng chiến chống Mỹ, nay Chín Hầm đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng kiên cường của cha ông cho thế hệ trẻ.

Tử ngục Chín Hầm

Nằm cách TP.Huế khoảng 6km về phía Tây Nam, Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chín Hầm ẩn mình giữa một khu rừng thông ở phường An Tây, quận Thuận Hoá. Sau 62 năm ngừng hoạt động, nơi đây đã trở thành chứng tích lịch sử chứng kiến lòng dũng cảm của các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam.

Có một “địa ngục trần gian” giữa rừng thông xứ Huế- Ảnh 1.

Khu di tích Chín Hầm nằm giữa cánh rừng thông dưới chân núi Thiên Thai.

Theo tư liệu lịch sử, Chín Hầm được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1941 dưới chân núi Thiên Thai để làm kho cất giấu vũ khí. Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào năm 1945, hầm bị bỏ trống. Đến khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, nơi này đã bị biến thành nhà giam.

Sau năm 1954 với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” của chế độ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn, nơi đây đã cho cải tạo thành những nhà ngục để giam giữ, tra tấn những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Sau vụ đảo chính ngày 1/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, các căn hầm bị đập phá để giải cứu người bên trong. 

Có một “địa ngục trần gian” giữa rừng thông xứ Huế- Ảnh 2.

Lối vào hầm khi đóng cửa và khoá xích sắt lại.

Tên gọi di tích là Chín Hầm nhưng thực ra có 8 hầm và 1 pháo đài canh. Mỗi hầm có mỗi chức năng riêng. Các hầm được xây dựng theo kiểu bán quân sự nửa chìm nửa nổi. Căn hầm lớn nhất có diện tích 85m2, căn nhỏ nhất 41m2. Đây được xem là "địa ngục trần gian", trong đó điển hình là hầm số 8 được ngăn thành 2 dãy xà lim kiểu chuồng cọp chỉ vừa 1 người (1,8m x 1,8m x 0,8m). Theo hồi ức của những người sống sót, phần lớn những người vào đây đều phải đối diện với cái chết. Ngoài những ngón đòn tra khảo của kẻ thù, tù nhân khó có thể chịu đựng được cái nóng bức của mùa khô và cái lạnh thấu xương khi mùa đông đến. Thế nhưng, trong “địa ngục trần gian” đó, những chiến sĩ cách mạng vẫn giữ một lòng trung kiên với Đảng, với lý tưởng cách mạng, nỗ lực vượt qua những thiếu thốn về vật chất, những đày ải, hà khắc tàn bạo để sống, để mong ngày trở về...

Có một “địa ngục trần gian” giữa rừng thông xứ Huế- Ảnh 3.

Có một “địa ngục trần gian” giữa rừng thông xứ Huế- Ảnh 4.

Từ khi Chín Hầm được xây dựng xong, hàng nghìn người yêu nước đã bị đày đọa nơi chốn lao tù này.

Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân (tên thật Nguyễn Đình Quảng, bút danh là Nguyễn Dân Trung, 1923-2014) từng bị giam giữ tại hầm số 8 và sống sót sau vụ đảo chính năm 1963 đã sáng tác, cho xuất bản tập thơ với tựa đề Sống trong mồ. Nhiều câu thơ của Đại tá Vân đã mô tả một cách chân thực cuộc sống bên trong tử ngục Chín Hầm như: Các anh: Những người hầm thế kỷ hai mươi/ Như người cổ sơ trần trụi giữa hang dơi/ Các anh ở: Hai thước chuồng lạnh hơn hốc đá/ Ngày thiếu ánh trời, đêm không ánh lửa/ Các anh thở rặt mùi phân/ Nằm trên ván trét bùn/ Đánh nhau với chuột/ Bạn cùng dế giun. Sau khi phát hành, tập thơ đã gây chấn động dư luận cả trong nước và quốc tế bởi tính chân thực và hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó.

Hiện nay, ngoại trừ hầm số 8 đã được phục dựng và cải tạo để đón khách tham quan, 7 hầm còn lại chỉ là phế tích minh chứng cho tội ác đã từng diễn ra ở đây. 

“Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước

Khép lại quá khứ “địa ngục trần gian” ngày nào, giờ đây Chín Hầm đã trở thành một “địa chỉ đỏ”, nơi tham quan học tập, giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử TP.Huế, năm 1993, để tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại Chín Hầm, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn (cách đó 1km) là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Có một “địa ngục trần gian” giữa rừng thông xứ Huế- Ảnh 5.

Đoàn viên, thanh niên tham quan tại Di tích lịch sử Chín Hầm.

Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (cũ) đã giao khu quy hoạch Chín Hầm cho Công ty CP Du lịch Hương Giang quản lý, khai thác. Đơn vị đã cho phục dựng nguyên trạng hầm số 8, xây khu đền thờ, nhà đón tiếp, chỉnh trang lại đường nội bộ để đón khách tham quan.

Năm 2007, thể theo nguyện vọng của đồng bào trong và ngoài nước, UBND tỉnh đã đồng ý cho xây đền thờ Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm. Đền thờ gồm có 3 gian 2 chái. Trong đó, gian giữa thờ các chiến sĩ cách mạng, bên trái thờ các doanh nhân, gian bên phải thờ các tu sĩ Phật giáo, sinh viên học sinh, phụ nữ. Bên trên trước mặt các án thờ là phong cảnh Huế, Sài Gòn, Hà Nội, tượng trưng cho 3 miền thống nhất một mái nhà. Đến năm 2013, Công ty CP Du lịch Hương Giang bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.Huế), tuy nhiên, trải qua thời gian dài chưa được bảo tồn, tôn tạo, một số hạng mục của di tích đã bắt đầu xuống cấp. Dù xuống cấp nhưng đơn vị quản lý vẫn thường xuyên bố trí cán bộ hướng dẫn, thuyết minh tuyên truyền phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Ngoài ra, bảo tàng cũng đã thiết lập biển nội quy tham quan, giới thiệu nội dung và tiến hành cắm mốc xác định các khu vực bảo vệ, hạn chế việc vi phạm xâm lấn.

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.Huế cho biết, việc bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Chín Hầm là để cho các thế hệ trẻ biết đến, hiểu được cuộc sống đầy hy sinh gian khổ của những chiến sĩ cách mạng, của các tầng lớp nhân dân, trí thức yêu nước bị quân thù giam giữ tra tấn ở Chín Hầm; để các thế hệ hôm nay và mai sau xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm biết ơn đối với công lao to lớn của cha ông. Đồng thời, tri ân những đồng bào và chiến sĩ cộng sản đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. “Với những giá trị to lớn đó, việc thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích là cần thiết”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.Huế thông tin, từ năm 2022, đơn vị đã lập hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Chín Hầm và nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn, với nguồn kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Với mục tiêu phục dựng các căn hầm không những nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, phục vụ việc quảng bá, giới thiệu đến du khách tham quan trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, đến nay, dự án vẫn chưa được phê duyệt.

Trước đó, ngày 7/12/2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP.Huế), đã ban hành Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; theo đó dự án được đưa vào kế hoạch thực hiện giai đoạn 2026-2028. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, để triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích”, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.Huế kỳ vọng.




Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/co-mot-dia-nguc-tran-gian-giua-rung-thong-xu-hue-a167547.html